Nhiều địa phương đang có bước đi vững chắc, xây dựng nông thôn mới đồng bộ hạ tầng kinh tế và xã hội. Nhưng bên cạnh đó, do nhận thức lệch lạc, nóng vội, nhiều địa phương chỉ tập trung tạo ra diện mạo nông thôn về mặt kết cấu hạ tầng. Có thể thấy đây là những tiêu chí dễ làm, dễ thấy thành tích. Vai trò của cán bộ lãnh đạo cũng thể hiện rõ hơn. Vì thế, các địa phương này dồn sức quá lớn, ồ ạt triển khai xây dựng những công trình như trụ sở, nhà văn hóa, đường giao thông, chợ... Chưa có vốn thì đi vay để làm; kêu gọi doanh nghiệp làm, hứa trả sau; tính toán đổi đất lấy công trình, trông chờ nguồn lực từ cấp trên hỗ trợ. Trong bối cảnh bị ảnh hưởng kinh tế suy thoái, nhiều nguồn vốn ách tắc, trì trệ nên nhiều xã trở thành "con nợ". Theo thống kê, có xã đã nợ tới gần 200 tỷ đồng tiền xây dựng cơ sở hạ tầng mà các công trình còn dở dang. Ngay như xã điểm nông thôn mới Thụy Hương, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cũng đang nợ tới vài chục tỷ đồng mà khó có khả năng chi trả... Bên cạnh đó, nhiều nơi đã huy động quá mức tiền đóng góp của người dân, dồn thêm gánh nặng cho bà con khi xây dựng nông thôn mới.
Thực tế xây dựng nông thôn mới với cách làm thiếu căn cơ, phiến diện, "lệch chuẩn" ở nhiều địa phương hiện nay đặt ra yêu cầu các cấp, ngành cần tiếp tục ban hành và hướng dẫn đầy đủ, đồng bộ các cơ chế, chính sách đã được nêu trong Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về " tam nông" và Chương trình hành động của Chính phủ; tiếp tục điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với thực tiễn (nhất là chính sách đất đai, chính sách đầu tư, chính sách thuế, bảo hiểm, đào tạo nghề cho nông dân); đồng thời cần huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, dồn sức tạo sinh kế cho người dân.
Trước hết coi trọng đào tạo nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Triển khai áp dụng khoa học và công nghệ, nâng cao trình độ năng suất lao động để nông dân tham gia có hiệu quả các chương trình phát triển nông nghiệp. Trong lĩnh vực này, nhiều địa phương, trong đó có tỉnh miền núi Bắc Cạn cho kinh nghiệm quý: Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện bảy dự án đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống.
Tỉnh đã tuyển chọn, phát triển cây đầu dòng, chọn giống, xây dựng mô hình thâm canh. Với nhiều loại cây đặc sản, có giá trị cao như cam, quýt, hồng không hạt, chè san tuyết... tỉnh đã nâng tổng diện tích sau bốn năm, từ gần một nghìn ha, tăng lên hơn 2.700 ha. Nông dân nhiều xã và huyện của tỉnh do phát triển cây trồng giá trị kinh tế cao, tăng gần gấp đôi sản lượng, đã tạo thêm việc làm. Đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt.
Thiết nghĩ, hiện nay trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể cần ưu tiên tạo sinh kế nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần cho người dân. Mặt khác, phát huy vai trò giám sát, vai trò làm chủ, khơi dậy nội lực của người dân trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp nhanh và bền vững.
Lê Minh Sơn
Nguồn nhandan.org.vn