Nuôi cá trắm bằng chế phẩm vi sinh bán chạy vèo vèo, thu lãi cao

Nuôi cá trắm bằng chế phẩm vi sinh bán chạy vèo vèo, thu lãi cao
Thay vì nuôi cá theo cách truyền thống, giờ đây nhiều hộ nông dân ở xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng, Hà Nam) đã bắt đầu chuyển đổi sang nuôi cá trắm bằng chế phẩm vi sinh. Mô hình này bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, giúp bảo vệ môi trường.

Xây dựng mô hình điểm

Trong 2 năm từ 2018 - 2019, Hội Nông dân (ND) tỉnh Hà Nam phối hợp T.Ư Hội NDVN triển khai xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi ghép cá trắm cỏ tại xã Tượng Lĩnh (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Sau một thời gian triển khai, mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi ghép cá trắm tại xã Tượng Lĩnh đã cho năng suất, chất lượng hiệu quả cao hơn cả mong đợi.

 nuoi ca tram bang che pham vi sinh ban chay veo veo, thu lai cao hinh anh 1

Ông Nguyễn Ngọc Thuần bên ao nuôi cá trắm đen bằng chế phẩm sinh học.  Ảnh: T.N

"Để tạo điều kiện nhân rộng các mô hình nuôi cá trắm đen bằng chế phẩm sinh học, xã đang thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa để người dân tích tụ ruộng đất, tổ chức mô hình nuôi trồng quy mô lớn. Theo thống kê toàn xã Thượng Lĩnh có khoảng 30 hộ chăn nuôi cá, nhưng chỉ có khoảng 10 hộ nuôi cá quy mô lớn và số hộ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng còn rất ít”.

Ông Nguyễn Văn Bằng - 
Chủ tịch Hội ND xã Tượng Lĩnh

Hội ND tỉnh đã triển khai thử nghiệm nuôi ghép cá trắm bằng chế phâm vi sinh trên diện tích nuôi trồng của 6 hộ, với quy mô 0,9ha tại xã Tượng Lĩnh.

Ông Nguyễn Ngọc Thuần - 1 trong 6 hộ tham gia chương trình cho biết, so với nuôi cá mè thì kỹ thuật nuôi cá trắm đen phức tạp hơn, đòi hỏi những kỹ thuật khắt khe hơn. Tất cả những vấn đề từ vệ sinh ao, chọn giống, cho ăn, phòng trừ bệnh, thau ao... đều phải được làm đúng quy trình, đảm bảo thời gian để cá phát triển tốt nhất.

“Mặc dù quy trình chăm sóc có đặc biệt, thời gian sinh trưởng của cá dài hơn (15 tháng), quá trình chăm sóc cũng tốn nhiều thời gian hơn nhưng giá trị kinh tế của con cá trắm đen cao gấp 3 lần so với các loại cá truyền thống như cá mè, hay cá rô phi. Đặc biệt, chất lượng cá cũng thơm, ngon, chắc, giòn... và sạch hơn nên nhiều người tiêu dùng lựa chọn” - ông Thuần nói.

Theo tính toán của ông Thuần, cá trắm đen thành phẩm loại 1 (từ 3kg/con trở lên) có giá khoảng 130.000 - 150.000 đồng/kg, cao gấp 3 - 4 lần các loại cá bình thường. Giá bán còn có thể tăng lên nhiều vào dịp tết.

Với diện tích khoảng 1,5ha mặt nước nuôi cá, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về từ 300 - 400 triệu đồng. Thời gian tới nếu có thể dồn điền đổi thửa, gia đình ông sẽ mở rộng diện tích nuôi cá trắm đen.

Cũng theo ông Thuần, hiện nay cá trắm đen sản xuất ra tới đâu bán hết tới đó. 100% sản lượng cá trắm đen đều được các công ty, nhà hàng trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và cả Hà Nội đăng ký thu mua. Chính bởi vậy, người nuôi cá như gia đình ông rất yên tâm.

Sau khi thấy gia đình ông Thuần sản xuất thành công cá trắm đen bằng chế phẩm vi sinh, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đã đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nhằm ứng dụng vào nuôi trồng.

Tương tự như nhà ông Thuần, 5 hộ khác nuôi cá trắm đen bằng chế phẩm vi sinh cũng đạt năng suất và chất lượng cá rất tốt. Chính bởi vậy, các hộ đều mong muốn được nhân rộng mô hình của gia đình mình.

Địa phương hỗ trợ tích cực cho nhà nông

Ông Nguyễn Văn Bằng - Chủ tịch Hội ND xã Tượng Lĩnh cho biết, từ lâu xã Tượng Lĩnh có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi thủy sản. Chính bởi vậy, xã cũng đã xác định đây là thế mạnh và định hướng để bà con phát triển chăn nuôi thủy sản theo hướng khoa học, hiện đại gắn việc nuôi trồng với bảo vệ môi trường.

Tháng 6/2019, Hội ND tỉnh và Hội ND huyện Kim Bảng cũng đã hỗ trợ xã Tượng Lĩnh thành lập “Tổ hợp tác chăn nuôi thủy sản” thuộc thôn Quang Thừa. Tổ hợp tác được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, phối hợp hoạt động, gồm 7 thành viên cùng phát triển các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt, đặc biệt là  nuôi cá trắm đen.

“Kể từ sau khi thành lập tổ hợp tác, các hộ nuôi trồng được hỗ trợ cung cấp các chế phẩm vi sinh đảm bảo chất lượng, được tập huấn kỹ thuật nuôi cá. Đặc biệt, vào tổ hợp tác, các thành viên có nơi để trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau giải đáp các thắc mắc và những khó khăn trong quá trình sản xuất. Nhờ vậy, các hội viên cũng yên tâm sản xuất hơn” - ông Bằng nói.

Bà Vũ Thị Nga - một thành viên của tổ hợp tác chăn nuôi thủy sản thôn Quang Thừa cho hay: “Mô hình nuôi cá trắm đen thực sự đã làm thay đổi hoàn toàn lối canh tác truyền thống của gia đình tôi. Thay vì nuôi, trồng theo kiểu tự nhiên, tôi chuyển sang áp dụng khoa học vào sản xuất nhờ vậy mà sản lượng, chất lượng cá và giá trị đều tốt hơn hẳn”.

Đặc biệt, theo bà Nga, từ khi được tham gia tổ hợp tác nuôi cá, bà tự tin hơn vì những thắc mắc về kỹ thuật, phòng trừ bệnh, bao tiêu sản phẩm... đều được các hội viên trong tổ chia sẻ, tìm cách giải quyết. “Điều làm tôi yên tâm nhất là vào tổ hợp tác rồi, anh chị em chúng tôi được cam kết về đầu ra của con cá, không lo được mùa lại mất giá như trước đây” - bà Nga nói.
http://danviet.vn/nha-nong/nuoi-ca-tram-bang-che-pham-vi-sinh-ban-chay-veo-veo-thu-lai-cao-1034676.html

Theo Nguyệt Tạ/danviet.vn