Nuôi con sống dưới nước, đẻ trên bờ, trước lỗ nặng sau thì khỏe re
- Thứ sáu - 18/05/2018 19:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đó là ông Bùi Văn Hạnh, bản Bó, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Ông gắn bó với nghề nuôi ba ba hơn chục năm nay.
Bán nhà trả nợ vì... ba ba chết trắng ao
Trang trại ba ba của ông Hạnh nằm giữa cánh đồng, xung quanh là tường xây kiên cố. Trước mắt chúng tôi là một ông già gân guốc, đang ngồi băm thức ăn cho đàn ba ba. Mái tóc bạc quá nửa, dáng thấp, gầy nhưng nom vẫn còn khá khỏe mạnh so với cái tuổi gần 70 của ông. Hệ thống ao nuôi ba ba của ông Hạnh khá quy mô, bài bản.
Được chăm sóc tốt, đàn ba ba nhà ông Hạnh luôn sinh trưởng, phát triển tốt
Trên diện tích gần 3.000 m2, ông Hạnh đầu tư xây dựng công phu, chia thành từng ao, với độ rộng, hẹp khác nhau. Ngăn cách giữa các ao là lối đi, rộng chừng 50 m2, chỉ đủ cho một người đi. Bờ ao được xây cao, láng xi măng nhẵn bóng, trơn trượt, ba ba không thể bò lên được.
Ao rộng nhất, ông Hạnh dành làm nơi ở cho gần 200 con ba ba bố mẹ. Tiếp giáp giữa tường rào và ao nuôi ba ba bố, mẹ là 2 dãy: một dãy bể nhỏ là nơi ông tập kết ba ba thương phẩm mỗi khi xuất bán; một dãy gồm nhiều ô nhỏ chứa cát dành cho ba ba mẹ làm ổ đẻ trứng.
Ông Hạnh cho biết, nuôi ba ba gai mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với một số vật nuôi khác
Mở đầu câu chuyện, ông Hạnh kể cho chúng tôi nghe về cái nghiệp nuôi ba ba của mình. Trước khi thành công, trở thành tỷ phú nuôi ba ba, ông Hạnh từng phải bán ngôi nhà 3 tầng ở mặt đường thị trấn Sông Mã (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La).
Ông Hạnh kể: Vốn là cán bộ thương nghiệp ở huyện Sông Mã, năm 1993, ông nghỉ hưu. Khi đó, cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Đồng lương hưu ít ỏi của 2 vợ chồng ông không đủ trang trải sinh hoạt hàng ngày và nuôi các con ăn học. Vợ chồng ông phải lăn lộn đủ thứ nghề, nào là thợ xây, thợ hàn... để lấy tiền cho con ăn học. Một lần tinh cờ xem chương trình hướng nghiệp trên ti vi nói về “trồng cây gì, nuôi con gì” ông Hạnh cứ băn khoăn, trăn trở mãi không thôi. Năm 2003, ở thị trấn Sông Mã nổi lên phong trào nuôi ba ba gai. Thế rồi, ông quyết định thử sức với loài ba ba gai.
Ba ba thương phẩm hiện bán với giá khoảng 500.000 đồng/kg
“Năm 2003, tôi vay 200 triệu đồng từ chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp huyện Sông Mã và vay thêm anh em họ hàng để đầu tư xây ao và mua 150 con ba ba gai về nuôi. Bao tiền của, công sức của vợ chống tôi bỗng chốc “đổ xuống sông, xuống biển” khi đàn ba ba gai đến kỳ đẻ trứng đột nhiên chết hàng loạt, trắng ao, không một con sống sót vào năm 2005...” – ông Hạnh nhớ lại.
Khi đàn ba ba gai chết “sạch sành sanh” ông Hạnh “nuốt nước mắt vào trong” ngày đêm vớt ba ba đem đi tiêu hủy. Ông thực sự suy sụp, bởi bao nhiêu kỳ vọng vào ao ba ba tan tành theo mây khói.
“Mình là người trần, mắt thịt chứ có phải người trời đâu mà không suy sụp. Cả tỷ bạc chứ có ít đâu, tất cả mọi thứ từ tiền trả nợ ngân hàng đến tiền nuôi các con ăn học đại học đều trông chờ cả vào ao nuôi ba ba này. Thế mà trong phút chốc thành kẻ trắng tay, nợ nần chồng chất. Không còn cách gì khác, tôi phải “bán tống, bán tháo” ngôi nhà 3 tầng ngoài phố huyện lấy tiền trả nợ ngân hàng...” – ông Hạnh bảo thế.
Mất gần một năm trời, ông Hạnh mới tĩnh tâm trở lại. Được anh em, bạn bè khuyên nhủ, ông Hạnh quyết định “thử vận may” với ba ba gai lần nữa. Và lần này, ông đã thành công.
Thành tỷ phú cũng nhờ... nuôi ba ba
Chủ yếu cho ăn thịt lợn, gà, cá nên ba ba gai nhà ông Hạnh được nhiều khách hàng đặt mua
Sau khi bình tâm, ông Hạnh suy xét, phân tích, tìm ra nguyên nhân vì sao đàn ba ba nhà ông chết hết. Theo ông, sở dĩ ba ba chết trắng ao là do ông chưa nắm được kỹ thuật nuôi ba ba gai, chưa có kinh nghiệm nuôi ba ba gai. Ông đã cho ba ba ăn xô bồ mà không chọn lọc. Thức ăn của ba ba bị nhiễm mặn. Đây là yếu tố sống còn đối với người nuôi ba ba. Khi đó, ông cũng chưa có kinh nghiệm xử lí khi nguồn nước bị ô nhiễm cũng như cách điều trị khi ba ba bị bệnh. Bài học trị giá cả tỷ đồng này đã giúp ông thành công với lứa ba ba sau đó.
Với suy nghĩ “vấp ở đâu thì đứng dậy ở đó” năm 2006, ông Hạnh tiếp tục mua 100 con ba ba gai về nuôi sinh sản. Rút kinh nghiệm từ lần nuôi trước, lần này, ông cho ba ba ăn khoa học hơn. Ông tuyệt đối không cho ba ba ăn thức ăn ôi, thiu. Ông không sử dụng cám công nghiệp làm thức ăn cho ba ba mà cho ba ba ăn thịt lợn, gà, vịt, cá. Đối với ba ba mới nở hoặc ba ba nhỡ thì ông xay nhuyễn cá hay băm nhỏ thịt lợn, gà rồi đắp lên máng, để chúng bò lên ăn. Không cho ăn theo kiểu vứt thức ăn bừa bãi xuống ao như trước, lần này ông Hạnh tạo mặt vát ở bờ ao để đắp thức ăn cho ba ba ở một chỗ cố định. Các loại bệnh thường xuất hiện ở ba ba cũng như cách chữa trị, ông nắm rõ trong lòng bàn tay. Kỹ thuật nuôi ba ba gai và kinh nghiệm nuôi ba ba gai ông Hạnh giờ đã thành thục, thuộc nằm lòng. Nguồn nước trong ao nuôi ba ba được ông xử lí thường xuyên bằng cách tẩy vôi bột.
Ao nuôi ba ba nhà ông Hạnh luôn dày đặc bèo Tây, tạo thuận lợi cho ba ba sinh trưởng, phát triển tốt
Vì khi mua về nuôi, ba ba đã đạt trọng lượng hơn 1kg nên chỉ sau hơn 2 năm, 50 con ba ba cái của ông bắt đầu đẻ trứng. Năm 2008 cũng là thời điểm giá ba ba giống và cả ba ba thương phẩm bắt đầu “lên ngôi”. Ông Hạnh cũng bắt đầu được “hái quả ngọt” từ bán ba ba giống. “Thời kỳ hoàng kim của ba ba gai ở Sông Mã chỉ kéo dài trong 3 năm, từ 2009 – 2011. Một con ba ba mới nở cũng có giá 800.000 đồng. Ba ba bằng miệng chén giá hơn 1 triệu đồng/con. Còn ba ba thương phẩm khi đó giá cao ngất ngưởng, dao động từ 1,2 – 1,4 triệu đồng/kg. Chỉ bán ba ba giống mà mỗi năm tôi thu trên dưới 1 tỷ đồng...” – ông Hạnh phấn khởi cho hay.
Theo ông Hạnh, một con ba ba cái mỗi năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa từ 15 – 30 quả trứng. Như vậy, 50 con ba ba cái mỗi năm cũng đẻ cho ông hơn 2.000 trứng. Tỷ lệ trứng ba ba nở đạt từ 70 – 75%.
“Thời gian đầu, tôi điêu đứng vì nuôi ba ba, nhưng cũng nhờ ba ba mà tôi đã lấy lại được nhiều hơn những gì đã mất. Tôi mua được 2 mảnh đất, làm được nhà cho các con. Các con tôi có công ăn việc làm ổn định...” – ông Hạnh vui vẻ nói.
Năm 2010, để lại cơ sở nuôi ba ba ở thị trấn Sông Mã cho con trai, vợ chồng ông Hạnh ra bản Bó (phường Chiềng An, thành phố Sơn La) mua đất, làm trang trại nuôi ba ba quy mô hơn.
Ông Hạnh trở thành tỷ phú nhờ nuôi ba ba gai
Hiện trong các ao nuôi ba ba của ông Hạnh có gần 200 con ba ba bố mẹ, trọng lượng từ 5 – 7 kg/con; 2.000 con ba ba từ 1- 2 năm tuổi và hơn 1 tấn ba ba thương phẩm. Mỗi năm, ông Hạnh cũng lãi trên dưới 300 triệu đồng từ bán ba ba giống và ba ba thương phẩm ra thị trường.
“Tuy giá ba ba gai hiện thấp hơn nhiều so với trước, khoảng 500.000 đồng/kg ba ba thương phẩm, 120.000 đồng/con ba ba giống, nhưng so với nhiều vật nuôi khác thì vẫn cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Nuôi ba ba rất nhàn, cứ cách khoảng 2 ngày, tôi mới cho ba ba ăn 1 lần, mỗi lần mất khoảng 2 giờ đồng hồ để băm thức ăn cho ba ba...” – ông Hạnh cho biết.
Theo danviet.vn