Nuôi loài "đoản thọ", tối ngày kêu ri ri nhưng tù tì cho tiền mỗi tháng
- Thứ hai - 24/09/2018 08:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Là một cán bộ hưu trí, bà Thái Kim Hoa đã tận dụng chuồng heo cũ nhà mình phát triển nghề nuôi dế thịt bán kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Khác với các cán bộ về hưu là nghỉ ngơi, bà hoa tận dụng khoảng thời gian nhàn rỗi của mình kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Bà cho biết lúc mới về hưu ở nhà buồn lắm, nên mạng tìm hiểu rồi bàn với ông xã là sẽ nuôi dế, ông xã bà cười và nói nuôi rồi bán cho ai?
Bà Hoa giới thiệu mô hình nuôi dế cho khách tham quan. "Tôi nói thì cứ nuôi trước đi không ai mua mình cho gà ăn...", bà Hoa nhớ lại khi có người hỏi nuôi dế bán cho ai?
Bà Hoa tâm sự: “Khi đang suy nghĩ trong đầu thì nhớ đến đứa cháu ở huyện Mang Thít có nuôi dế nên tôi liên hệ xin được 4 ổ dế (khoảng 200gr) về nuôi bằng thùng carton. Vừa nuôi vừa nghiên cứu cách chăm sóc dế trên mạng để tránh bị hao hụt nhiều. Nhờ làm đúng kỹ thuật mà đàn dế ngày càng sinh sôi nảy nở rất nhanh. Đàn gà nhà ăn không hết nên mang dế ra mấy chỗ bán cá kiểng, chim kiểng và bán làm mồi câu cá để tiếp thị thì được nơi đây chấp nhận ngay”.
Bà Hoa chăm sóc đàn dế.
Bà Hoa không ngần ngại hướng dẫn cách nuôi và chăm sóc dế, bà cho biết: “Nuôi dế không cần đầu tư nhiều lại rất nhẹ công chăm sóc, chỉ cần xịt nước thường xuyên bằng bình xịt kiểng phun sương để cho da dế sáng đẹp. Mỗi ngày, chỉ cần cho dế ăn thức ăn trộn gồm: cám bắp, cá, đậu nành, lá cây,...
Trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển, dế trải qua 4 lần lột xác. Sau mỗi lần lột xác chúng lớn nhanh hơn. Từ lúc nở ra cho đến 45 ngày tuổi là đã có thể xuất bán. Khoảng 60 ngày tuổi, dế đã trưởng thành và bắt đầu sinh sản. Tuổi thọ trung bình của dế khoảng 4 tháng.
Dế có bản tính hung hăng, nhưng lại thích sống theo bầy đàn, môi trường sống rất đơn giản, nên có thể nuôi theo kiểu công nghiệp, nhưng phải đảm bảo chuồng trại nuôi dế tương tự như môi trường thiên nhiên hoang dã. Như thế, dế sẽ ít dịch bệnh, ít tốn công chăm sóc và tỷ lệ dế thịt cao.
Thấy được việc làm vui và có lợi nhuận cao, bà Hoa vay vốn mở rộng diện tích nuôi thêm, bà còn tận dụng chuồng heo cũ của gia đình đã không sử dụng từ lâu sửa chữa lại thiết kế đặt các chuồng nuôi dế. Đến nay đã tăng lên 20 chuồng, với đàn dế lên đến hàng chục ngàn con.
Số dế đến tuổi “ăn được” của bà Hoa
Trung bình mỗi ngày, bà Hoa cho tiêu thụ khoảng 10kg dế thịt, ngày chủ nhật và thứ bảy có thể lên 20-30kg. Nếu mua số lượng nhiều, dế thịt có giá 100.000 đồng/kg và mua lẻ là 130.000 đồng/kg. Như vậy, tính ra mỗi tháng bà Hoa bán được hơn 15-20kg dế thịt, trừ chi phí mỗi năm bà lời hơn 200 triệu đồng.
Bà Hoa cho biết đã thử nghiệm nhiều loại lồng nuôi, nhưng thích hơp nhất là loại lồng lưới (kích cỡ 1x2x0,6m) và sử dụng vỉ đựng trứng gà đã sử dụng về làm ổ cho dế trú ẩn bởi vừa khô thoáng nên dế rất thích. Nước uống thì hòa trong cát để dế không bị ngợp, chết chìm khi uống. Vì vậy, cách nuôi hiện nay vừa giảm chi phí vừa mang lại hiệu quả cao.
Bà Hoa còn cho biết: “Trong mấy năm đầu nuôi dế, tôi ghi chép tỉ mỉ từng ngày để biết từng thời điểm sinh sản cũng như cao điểm tiêu thụ dế. Theo tôi, dế bán đắt nhất vào 2 thời điểm để từ đó sẽ tăng đàn nhiều lên để đáp ứng nhu cầu người mua. Thứ nhất là vào mùa nước nổi, nhiều người đi câu và thứ 2 là vào thời điểm qua Tết đến mùa chim non dế cũng rất đắt”.
Dế được ba Hoa sơ chế và đông lạnh
Theo bà Hoa, hiện nay, dế là một trong những món ăn được các nhà hàng, quán nhậu tiêu thụ rất mạnh. Chủ yếu là TP.HCM và các tỉnh lân cận. Ở Vĩnh Long chỉ có 1 vài quán bán món này, có lẽ do người dân chưa biết thưởng thức món ăn “đặc sản” này. Để không phụ thuộc vào thời điểm dế sinh sản kém, bà Hoa còn sơ chế sẵn dế rồi đông lạnh bán với giá 15.000 đồng/100gr (khoảng 140 con).
Khách hàng mua về rã đông có thể chế biến được nhiều món như chiên giòn, chiên bơ, lăn bột, kho tiêu, xào, trộn gỏi, rim mặn, lẩu,... ăn cùng với các loại bánh hoặc rau sống. Hiện nay, số dế bà làm ra không đủ cho người ta đặt hàng nên bà còn liên kết với các thành viên trong gia đình nuôi dế kiếm thêm thu nhập.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường 3 (TP.Vĩnh Long), cho biết: “Mô hình của bà Hoa rất hay, vừa tận dụng được diện tích nhỏ hẹp nơi thành thị nhưng lại cho thu nhập cao. Bà Hoa là người lớn tuổi nhưng rất năng động, sáng tạo và nhiệt tình trong việc hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho mọi người. Mô hình của bà Hoa được xem là một trong những điển hình cần nhân rộng ở Vĩnh Long”. |