Nuôi tôm trong rừng ngập mặn
- Thứ năm - 27/12/2012 07:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ta có hơn 2.000km bờ biển trải dài suốt từ Bắc vào Nam. Rất nhiều dòng sông đã đưa phù sa về và đổ ra biển. Ở các cửa sông, lượng phù sa bồi lắng đã tạo ra những bãi bùn rộng lớn. Đấy chính là môi trường thuận lợi để cho rừng ngập mặn phát triển. Sú, vẹt, trang, đước... là các loại cây chịu mặn nổi tiếng.
Rừng ngập mặn là "lá chắn" bảo vệ và giúp người dân Thụy Hải (Thái Bình) thoát nghèo |
Chúng phát triển thành rừng. Rừng ngập mặn đem lại vô số nguồn lợi cho con người. Nếu bờ biển được một dải rừng ngập mặn che chắn thì sóng thần chắc chắn bị ngăn lại; Bão tố qua đây cũng yếu dần đi; bờ biển và bờ các cửa sông đổ ra biển sẽ không bị xói mòn; việc xâm nhập mặn bị hạn chế; độ mặn của đất không bị tăng lên; rất nhiều loài cá, tôm cua, ghẹ và các loài động vật khác cùng chim chóc có môi trường để sinh sôi và phát triển. Điều quan trọng hơn, nó chính là lá phổi xanh cho cư dân vùng ven biển.
Vùng Cần Giờ chính là lá phổi xanh cho TP.Hồ Chí Minh. Người ta tính toán và cho biết, rừng ngập mặn có khả năng lưu giữ các bon (1.000 tấn các bon/ha) cao hơn cả rừng nhiệt đới (900 tấn/ha). Nó đóng góp tích cực vào công cuộc chống biến đổi khí hậu đang diễn ra quyết liệt trên toàn cầu... Rất tiếc, rừng ngập mặn đang bị tàn phá. Việc phá rừng ngập mặn lại chủ yếu để lấy chỗ nuôi tôm. Chỉ trong vòng 20 năm, 1/3 diện tích rừng ngập mặn đã bị xóa sổ.
Với tốc độ đó, chả mấy chốc chúng ta sẽ hết rừng ngập mặn. Hệ lụy của việc này sẽ vô cùng to lớn. Rất nhiều nơi bắt đầu thấy được tác hại của việc mất rừng ngập mặn. Mặt khác, chính các đầm tôm đã làm tăng sự ô nhiễm môi trường lên nhiều lần. Các chất thải từ các đầm tôm đã làm chết nhiều loại thủy sản trong vùng, phá hủy các rạn san hô và cỏ biển. Các loại kháng sinh dùng cho tôm cũng diệt luôn hàng loạt các loài vi sinh vật hữu hiệu ở biển và tạo ra hiện tượng kháng thuốc tràn lan. Những vùng chuyên nuôi tôm bị ô nhiễm nặng nề.
Dịch bệnh phát triển đã làm nhiều gia đình phá sản... Nếu có rừng ngập mặn, tất cả các chất độc đó sẽ được thanh lọc dần dần. Chính rừng ngập mặn là yếu tố trung hòa và tiêu hủy cao chất thải của khu nuôi tôm. Sự kết hợp hài hòa giữa việc giữ rừng ngập mặn và tổ chứa nuôi tôm là yếu tố sống còn cho cư dân các vùng cửa sông này. Bài toán đó không phải một gia đình là làm được. Nó đòi hỏi cả cộng đồng phải cùng chung sức và đồng lòng thế mới có thể thực hiện thành công.
Tôi đã đến hầu hết các vùng rừng ngập mặn của đất nước. Có những nơi, chỉ trong vòng 2 năm, rừng ngập mặn biến mất hoàn toàn. Đó sẽ là thảm họa tất yếu mà chính bà con ta phải hứng chịu.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng
Nguồn:danviet.vn