Ô nhiễm môi trường tại các CCN (Bài 1): Nỗi lo rác thải, nước sạch
- Thứ hai - 08/12/2014 22:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Rác thải bủa vây
Cụm công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim (Lộc Hà) được đầu tư xây dựng trên diện tích 5,3 ha, tổng mức đầu tư hơn 34 tỷ đồng. Đầu năm 2014, CCN bắt đầu tiếp nhận các cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm; nướng, phơi cá và kho đông lạnh trên địa bàn xã Thạch Kim vào hoạt động. Theo thống kê, mặc dù hơn 90% hộ dân hoạt động lĩnh vực chế biến hải sản trên địa bàn đã đăng ký vào sản xuất trong cụm, tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đến nay, Ban Quản lý mới cấp khoảng 35% diện tích đất CCN cho các hộ. Tỷ lệ lấp đầy CCN mới chỉ đạt 1/3 diện tích, thế nhưng, Ban Quản lý CCN Lộc Hà, chính quyền xã Thạch Kim và các hộ sản xuất đang đối mặt với nỗi lo rác thải.
Rác bủa vây ở cụm công nghiệp Thạch Kim. |
Tứ bề CCN bị rác thải bủa vây, do nằm cạnh khu dân cư và nghĩa trang địa phương nên khu vực phía Tây và phía Nam CCN hàng ngày phải tiếp nhận nhiều loại rác thải do người dân “tiện tay” để lại. Đặc biệt, tại khu vực phía Đông, bãi rác Thạch Kim đang trong tình trạng quá tải, “uy hiếp” không gian CCN. Với quy trình xử lý đơn giản nên thật dễ hiểu khi vào mùa nắng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc; trời mưa, ruồi nhặng kéo nhau vào CCN. Theo các hộ dân sản xuất tại CCN, vốn dĩ loại hình chế biến hải sản đã tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, với lượng rác thải như hiện nay, chưa nói đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong từng sản phẩm được chế biến mà sức khỏe, cuộc sống của người dân cũng bị tác động rất nhiều.
Ban Quản lý CCN Lộc Hà thừa nhận, do nguồn kinh phí hạn hẹp, hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ, CCN nằm sát bãi rác, bờ biển và khu dân cư, trong khi hệ thống kè chắn sóng, tường rào chưa được xây dựng nên vấn đề ô nhiễm môi trường ở đây đang trở nên báo động.
Cụm công nghiệp “bí” nước
Sau 2 năm đi vào sản xuất, các doanh nghiệp hoạt động tại CCN Bắc Cẩm Xuyên vẫn phải “gồng gánh” đi mua nước sạch. Do CCN chưa có hệ thống cung cấp nước sạch nên doanh nghiệp phải phụ thuộc vào các trung gian “buôn” nước sạch nếu không muốn sử dụng nguồn nước nhiễm phèn ở vùng Cẩm Vịnh. Giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại Sao Mai - Vũ Việt Hùng chia sẻ: “Mặc dù, quy trình sản xuất bao bì của nhà máy không phải sử dụng nhiều nước sạch nhưng để đảm bảo cho cả ê kíp sản xuất hoạt động thường xuyên, nước sạch là yếu tố không thể thiếu. Phải mua nước sạch từ bên ngoài với giá cao ngất ngưởng, nhưng trong hoàn cảnh này, chúng tôi không thể làm khác được”.
Thiếu hệ thống thoát thải, nhiều doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Nam Hồng bức xúc vì ô nhiễm môi trường. |
Do đặc thù sản xuất nên Nhà máy Sản xuất dược phẩm (Công ty CP Dược Hà Tĩnh - Hadiphar) “khát” nước sạch hơn so với các đơn vị khác. Đành rằng, với dây chuyền sản xuất đông dược đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (GMP-WHO), Hadiphar sẽ xây dựng hệ thống xử lý nước đạt tiêu chuẩn, song, điều chắc chắn, nguồn kinh phí mà đơn vị phải bỏ ra để xử lý, chưng cất nguồn nước tinh khiết (RO) tại khu vực đất nhiễm phèn ở đây là không hề nhỏ. Do vậy, một hệ thống cung cấp nước sạch tại CCN Bắc Cẩm Xuyên đang là mong muốn chính đáng của các doanh nghiệp.
Không dừng lại ở câu chuyện thiếu nước sạch, hiện nay, tại các CCN trên địa bàn cũng đang thiếu hệ thống xử lý chất thải. Đa số các hộ dân sống xung quanh CCN cho rằng, thiếu nước sạch thì doanh nghiệp vẫn có khả năng xoay xở, nhưng thiếu hệ thống xử lý chất thải thì người nông dân lãnh đủ. Tại CCN Bắc Cẩm Xuyên, tất cả nước thải sinh hoạt và sản xuất đều được xả ra kênh mương.
Theo phản ánh của Công ty CP Hồng Phúc (CCN Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh), nếu không sớm xử lý nguồn nước nhiễm bẩn tại CCN Nam Hồng thì việc SXKD của đơn vị sẽ phải tạm ngừng. Để phục vụ quá trình sản xuất, chế biến hạt nhựa, túi ni lon, mỗi ngày, đơn vị phải dùng hàng chục m3 nước ngầm hoặc nước mặt. Tuy nhiên, hiện nay, khu vực đơn vị đóng chân không có mạch nước ngầm, còn nước mặt thì bị ô nhiễm nghiêm trọng. “Nhà máy của chúng tôi nằm ở vị trí thấp trũng nên nước thải công nghiệp và sinh hoạt của các đơn vị khác đều dồn về đây” - chị Đinh Thị Tuyết đại diện lãnh đạo Công ty Hồng Phúc chỉ tay về hồ nước đặc quánh trước nhà máy bức xúc.
“Bí” nước vào lẫn nước ra, các CCN đang đứng trước mối lo ngại lớn về ô nhiễm môi trường. Nếu không huy động được nguồn lực để hoàn thiện hệ thống hạ tầng thì sức hút từ các CCN sẽ giảm dần. Thậm chí, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất sẽ “nói không” với CCN, giống như hiện trạng CCN Thạch Đồng (TP Hà Tĩnh) hiện nay.
Ngô Tuấn – Thanh Hoài
(Còn nữa)
Theo baohatinh.vn