Ông Bá Thanh đã nghe 6 vụ liên quan tham nhũng

Ông Bá Thanh đã nghe 6 vụ liên quan tham nhũng
- Khẳng định đã nghe được 6 vụ liên quan tham nhũng, có vụ thất thoát vài nghìn tỷ, ông Nguyễn Bá Thanh yêu cầu Ban Nội chính các tỉnh thành phải hành động ngay.

 

'Cá mập tham nhũng chắc đang mất ăn mất ngủ'
Cái khó của ông Nguyễn Bá Thanh 
 
Trao đổi tại hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ công tác nội chính và phòng chống, tham nhũng khu vực phía Nam do Ban Nội chính TƯ tổ chức ngày 29/8 ở TP.HCM, Trưởng Ban Nguyễn Bá Thanh cho hay, nhiệm vụ của Ban Nội chính các tỉnh, thành hết sức nặng nề, nhiều chông gai và đầy thử thách.

Nhảy vào làm ngay

Theo ông Bá Thanh, việc cần làm trước mắt là kiện toàn bộ máy, cán bộ, cơ sở, phương tiện… trong đó, khâu cán bộ có tính chất quyết định.

“Nay người này gửi đứa cháu, mai gửi con vào cho đủ nhân sự thì tới lúc làm không đạt yêu cầu, ảnh hưởng công việc chung. Do đó, cần chú ý đến chất lượng cán bộ”, ông Thanh nói.

Nguyễn Bá Thanh, tham nhũng, ban nội chính
Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh: Chống tham nhũng khó nhất là đụng chạm đến người thân, bạn bè, đồng chí... Ảnh: Tá Lâm

Trưởng Ban Nội chính TƯ nhấn mạnh, sau khi ổn định, không cần đợi đủ nhân sự mà phải bắt tay vào làm ngay. “Tôi đã nghe được 6 vụ, có vụ lên đến vài nghìn tỷ thất thoát và đằng sau vụ việc thất thoát ấy là có chuyện tham nhũng. Cho nên, yêu cầu không cầu toàn mà phải nhảy vào làm ngay. Phải hành động quyết liệt và có hiệu quả”.

Ông Nguyễn Bá Thanh nhìn nhận, trên lĩnh vực phòng chống tham nhũng, chúng ta nói quá nhiều nhưng hành động chưa nhiều, khiến cho người dân hết sức bức xúc. Cho nên, bây giờ phải nói ít làm nhiều, có những việc cứ làm mà không cần phải nói rộn ràng.

“Đã nói là phải làm, đừng để dân mất niềm tin. Nói tham nhũng vặt ngày càng phổ biến, tham nhũng lớn ngày càng tăng lên, đó là dấu hiệu đáng buồn, người dân bức xúc hơn”, ông Thanh khẳng định.

Ông Thanh cho rằng, muốn tạo được niềm tin của người dân thì phải bằng kết quả cụ thể. “Như ở Vĩnh Phúc, trụ sở hoành tráng, phòng làm việc ngon lành, Bí thư tỉnh ủy giao Ban Nội chính giải quyết một vụ việc, Trưởng Ban xuất thân từ kiểm sát nên làm ngon lành các vụ việc. Từ đó Ban Thường vụ tỉnh rất nể mặt và tạo dựng được uy tín”, ông Thanh lấy ví dụ.

Ông Thanh nói, trong chống tham nhũng, cái khó nhất chính là đụng chạm trực tiếp đến người thân, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp và không loại trừ cả cấp trên. “Cái này mới vô cùng khó. Chẳng hạn ở Bình Phước, đụng đến cấp trên thì khó khăn. Nếu gặp chuyện như thế thì các đồng chí có động lòng không, có buông tha không vì đụng đến đủ thứ phức tạp và nhiều sự chi phối?”, ông Thanh hỏi đại biểu.

‘Tôi sẽ sát cánh’

Trưởng Ban Nội chính TƯ cho hay, muốn làm tốt công tác chống tham nhũng thì người làm nội chính phải giữ gìn, nhắc nhở cả vợ con phải giữ gìn. “Chứ để người thân cứ ‘để đó chị lo’ thì chết. Chuyện này không phải là không có, tấn công trực tiếp các đồng chí không được thì đi đường vòng qua người thân. Không chỉ là cái phong bì vài triệu mà cả va li”, ông Thanh nói.

Nhiều vụ việc thấy đối tượng quá liều mạng nhưng tìm hiểu sâu mới biết dường như có “ô dù”. Nhiều người vì tâm lý “hi sinh đời bố củng cố đời con” nên chẳng còn sợ gì nữa.

Theo ông Bá Thanh, ngoài việc giữ gìn, cán bộ Ban Nội chính cũng cần có năng lực, có bản lĩnh, phải dám đương đầu với những thế lực bao che cho tham nhũng, những nhóm lợi ích, dựng chuyện, vu khống, gài bẫy, hãm hại, trả thù… 

“Mặt trận này dù không có tiếng súng nhưng đầy hiểm nguy. Ở một số địa phương, các DN quan hệ đan xen với lãnh đạo nên đụng vô rất mệt, nên các đồng chí phải thật bình tĩnh chiến đấu, phải đoàn kết lại. Tôi sẽ sát cánh cùng các đồng chí. Nếu ai cảm thấy oải thì cứ chuyển ngành”, ông Thanh chia sẻ.

Chia sẻ những tâm tình như thế, ông Nguyễn Bá Thanh đề nghị Ban Nội chính các tỉnh, thành phát động từ nay đến cuối năm phát hiện ít nhất một vụ việc tham nhũng để xử lý.

“Đừng để những vụ việc nhỏ đem làm báo cáo thành tích. Hành quân và phát động thi đua, tìm kiếm các vụ việc mới, còn vụ cũ phải đôn đốc đưa ra xét xử là chuyện đương nhiên. Phải cùng công an và các ngành theo dõi sát tìm kiếm các vụ việc mới để chấn chỉnh sớm”, ông Thanh đề nghị.

“Nếu nơi nào báo cáo không có chi hết nhưng tôi đưa quân về kiểm tra mà có việc thì bản thân những người trong Ban Nội chính ở địa phương đó phải chịu trách nhiệm, phải kiểm điểm. Các đồng chí có dám làm mạnh như ở Bình Phước hay không?”, ông Thanh nói tiếp.

Do công việc chống tham nhũng hết sức nặng nề nên ông đề nghị những ai đang là Trưởng Ban Nội chính mà kiêm nhiệm phó bí thư “thì về báo cáo xin từ chức đi bởi cơ chế của Ban Bí thư, Bộ Chính trị quy định là không kiêm nhiệm”.

Cuối cùng, ông Bá Thanh cho rằng, chống tham nhũng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, tinh thần là làm được gì thì làm, không nhiều thì ít nhưng không thể không làm. “Khó nhưng vẫn có lời giải. Kiên nhẫn mà tìm cho ra lời giải, đừng để mất tinh thần sớm, giỏi mà không biết đường thì cũng chết, thật thà cũng dễ chết. Trong cái khó cố gắng tìm tòi nghiên cứu, tìm cách để làm chứ cứ ngồi than vãn thì không bao giờ đạt được kết quả”, ông Thanh nói.

 
Theo VNN