Phá độc quyền kinh doanh điện
- Thứ năm - 28/06/2012 03:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Công nhân vận hành Nhà máy thuỷ điện Sơn La. Ảnh: Kỳ Anh
Sẽ có giá điện hợp lý?
Ngày 27.6, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) công bố danh sách các nhà máy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM). Trước đó, Bộ Công Thương cũng có văn bản yêu cầu EVN khẩn trương hoàn thành nốt các công việc cần thiết để thực hiện chuyển đổi thị trường phát điện cạnh tranh sang giai đoạn thí điểm chào giá và thanh toán theo thị trường từ ngày 25.6.2012. Căn cứ kết quả EVN báo cáo Bộ Công Thương để vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ 1.7.2012.
Theo một số chuyên gia thì trước nay việc mua bán điện chỉ duy nhất một mình EVN, giống như kiểu “gia đình trị”, tự sản tự tiêu, do vậy phát sinh hiện tượng độc quyền. Nhưng giờ tách hẳn sản xuất và tiêu thụ, đồng thời mở rộng các đối tượng khác, người tiêu dùng mới có lựa chọn và sẽ được hưởng giá điện tốt nhất.
Sẵn sàng trước giờ G
Ngày 4.6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, sau một năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm, phần lớn các nhà máy đều chào giá cao hơn hợp đồng. Nguyên nhân do các nhà máy điện chào giá cao do khó khăn về tài chính, nhân lực. Nhưng các DN sản xuất điện lại cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do giá điện ký trước đây chưa đáp ứng được thực tế, luôn phải ký dưới giá thành. Phần lớn các nhà máy điện đều cho rằng, nếu điện sản xuất ra không bán cho EVN thì bán cho ai, vì hiện EVN nắm giữ toàn bộ hệ thống truyền tải, kinh doanh và bán lẻ điện. Do vậy, để phát triển điện cạnh tranh theo đúng nghĩa đang là vấn đề nan giải.
Theo TGĐ EVN Phạm Lê Thanh, thì về cơ bản đủ điều kiện vận hành thị trường điện chính thức. Vì tính đến thời điểm này, hệ thống các văn bản pháp lý cơ bản đã hoàn thành và được Bộ Công Thương phê duyệt, hiện đã được ứng dụng trong vận hành thử nghiệm thị trường điện. Hệ thống công nghệ thông tin bao gồm cả phần cứng và phần mềm phục vụ cho vận hành thị trường điện đã được triển khai; việc chuyển đổi hợp đồng đã thực hiện được đối với phần lớn các nhà máy điện.
Đến nay, có 29 nhà máy điện lực đã trực tiếp tham gia chương trình này với tổng công suất khoảng 9,035MW. Các nhà máy trên đã nộp bản chào giá với Cty mua bán điện (EPTC), trong đó có 13 nhà máy thủy điện, 11 nhà máy nhiệt điện than và 5 nhà máy tuabin khí. Ngoài ra, còn có 26 nhà máy điện gián tiếp tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh và 18 nhà máy khác tạm thời gián tiếp tham gia, các nhà máy này sẽ do trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao) tính toán và công bố biểu đồ phát cho các nhà máy. Nằm trong danh sách dự kiến tham gia thị trường phát điện cạnh tranh khi chính thức vận hành thương mại còn 20 nhà máy (19 thủy điện và 1 nhiệt điện với công suất đạt 4.567MW). |
Theo Lao Động