Phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi phía Bắc: Những vấn đề “cốt tử”

Miền núi phía Bắc (MNPB) được đánh giá có tiềm năng và lợi thế về lâm, nông nghiệp. Vậy nhưng nơi đây lại là vùng trũng nhất trong phát triển kinh tế của cả nước.

Điều gì đang cản trở người dân MNPB làm giàu và làm thế nào để bứt khỏi sự nghèo nàn, lạc hậu?

Tại Hội thảo xây dựng Đề án “Phát triển nông nghiệp, nông thôn MNPB đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020” diễn ra tại Lào Cai vừa qua, những vấn đề “cốt tử” để phát triển nông nghiệp MNPB đã được các lãnh đạo, nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương nêu ra để cùng bàn luận.

Phải có văn hóa thị trường
(Ông Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu)

17-22-32_nh-1

Ở Lai Châu, 60 năm qua cái nghèo vẫn còn đeo bám các bản làng dai dẳng. SX hàng hóa chỉ tập trung vào vài cây, con thôi, còn chủ yếu vẫn là tự cung tự cấp. Đến bây giờ, các tỉnh vẫn còn loay hoay nay cây/con này, mai cây/con khác.

Ví dụ như chuyện phát triển cây cao su. Lúc cây phát triển tốt các vị rất phấn khởi, nhưng khi gặp thời tiết bất lợi, một số cây bị chết lại quay ra đổ cho nhau. Đến lúc khắc phục được rét rồi, giá thấp thì lại nói: “Tôi đã bảo mà, cao su đừng có làm”…

Nói như thế để thấy rằng, văn hóa ứng xử trong cách làm kinh tế của chúng ta có rất nhiều vấn đề. Tôi cho rằng, các tỉnh miền núi phải xác định cây, con lợi thế. Bộ NN-PTNT cần định hướng xem cây, con chiến lược của Tây Bắc là gì, Việt Bắc là gì?… Thị trường có thể nay lên mai xuống.

Biến đổi khí hậu nay hạn mai lụt nhưng chúng ta phải kiên trì. Không thể giữ tư tưởng làm kinh tế của mấy bà bán vịt ở chợ: nay giá đắt thì làm, mai giá thấp, bán lỗ thì đổi nghề.

Muốn SX hàng hóa phải có doanh nghiệp, có HTX, vậy mà số lượng HTX ở các tỉnh MNPB lại rất ít và có chăng chỉ là hình thức thôi (nghĩa là một ông làm kinh tế gia đình nhưng mang tên HTX để hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước).

Tại sao lại như vậy? Vì HTX, doanh nghiệp là sản phẩm của nền kinh tế thị trường, nhưng chúng ta chưa có đầy đủ điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế thị trường, cho nên HTX và doanh nghiệp không sống được.

Ai chẳng biết cá nước mặn là ngon, tại sao miền núi không nuôi nổi? Bởi vì môi trường của miền không có nước mặn, nếu cứ cố thả vào thì cá sẽ chết. Do đó, vấn đề cốt yếu là phải tạo lập được một khung pháp lý để HTX và doanh nghiệp có thể đầu tư và bám chặt được ở khu vực MNPB.

Mấy năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đầu tư rất nhiều cho phát triển nông nghiệp miền núi, nhưng sự hỗ trợ rất phân tán, chưa tập trung và đủ mạnh để có thể thoát khỏi, bứt khỏi nghèo. Tôi gọi đó là kiểu hỗ trợ “hát quan họ”, cứ dùng dà dùng dằng.

Tôi đã đi Hàn Quốc và được nông dân tâm sự: “Những năm 70, chúng tôi ngưỡng mộ nông nghiệp Việt Nam vì các bạn giỏi quá. Nhưng đến những năm 80, chúng tôi bằng các bạn và đến bây giờ chúng tôi thấy thương các bạn. Bởi các bạn có tiềm năng về điều kiện tự nhiên như thế mà các bạn vẫn nghèo?”. Tôi cho rằng, chính sách đầu tư cho khoa học kỹ thuật và hỗ trợ SX nông nghiệp của chúng ta còn nhiều vấn đề.

Triệt tiêu tư tưởng "xin được nghèo"
(Ông Lý Vinh Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn)

17-22-32_nh-2

Năm 2013, khi thực hiện sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết TW 7 về Tam nông của tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi rút ra một nhận thức rằng: trong dân trí còn có tư tưởng an phận, không có ý chí làm giàu, chỉ cần đủ ăn là được rồi.

Mặt trái của chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo là phát sinh tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước ngày càng nặng nề hơn. Các hộ nghèo không muốn thoát nghèo, các hộ không nghèo cũng muốn xin làm hộ nghèo, dẫn đến xã xin làm xã nghèo và bây giờ là huyện nghèo. Nếu Chính phủ không thay đổi cơ chế chính sách, thì đến một lúc nào đó sẽ có tỉnh xin làm tỉnh nghèo.

Bên cạnh đó, tư tưởng “ăn xổi” của người nông dân vẫn rất nặng nề. Ở Lạng Sơn có 7 huyện trong vùng SX nguyên liệu thuốc lá. Có 3 doanh nghiệp đầu tư hơn chục năm để cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Nhưng bà con thấy cái gì có lợi thì làm. Khi được giá, tư thương mua giá cao thì bán hết ra ngoài. Có những năm các công ty thuốc lá chỉ mua được 30 – 40% so với cam kết ban đầu. Do đó doanh nghiệp rất ngại đầu tư vào nông nghiệp.

Ngoài nông nghiệp, lâm nghiệp là một trong những thế mạnh của khu vực miền núi, nhưng hoạt động nghiên cứu và SX giống cây lâm nghiệp lại không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Ví dụ, ở Lạng Sơn có những vùng trồng thông 70.000 ha.

Có gia đình thu nhập 500 – 600 triệu đồng mỗi năm từ nhựa thông. Nhưng chu kỳ sinh trưởng của cây thông từ khi trồng đến lúc cho nhựa là 15 năm. Như vậy là quá lâu. Dứt khoát chúng ta phải thay thế bằng những loại giống mới. Trung Quốc đã có những giống thông lai sinh trưởng nhanh hơn nhiều.

Bắt đất dốc “nhả vàng”
(Ông Nguyễn Thanh Dương - Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai)

17-22-32_nh-3

Nói về canh tác trên địa hình đất dốc ở MNPB, nhiều người rất ngán ngẩm. Nhưng với tỉnh Lào Cai, nó lại là lợi thế đặc biệt và có thể “nhả vàng”. Các loại cây như mía, dứa, chuối, cao su và cây ăn quả rất phù hợp để phát triển trên đất dốc…

Tại huyện Bát Xát, những diện tích cây dại (không có giá trị kinh tế) đã được người đồng bào Mông, Dao đốn bỏ để trồng chuối. Dịp Tết Nguyên đán, giá bán trong nước lên tới 15.000 đồng/kg. Hiện tại, giá chuối xuất khẩu sang Trung Quốc đạt khoảng 4 nhân dân tệ (tương đương 13.000 đồng). Có vụ, bà con thu được 700 – 800 triệu đồng/ha.

Tại Mường Khương, việc chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng dứa cũng đã đổi phận đời sống của cả một vùng đất nghèo khó. Nếu ai xuống xã Bảo Thắng, sẽ thấy người dân đang thực sự bùng nổ về sản xuất…

Cần phải lưu ý rằng, canh tác trên đất dốc không phải là sở trường của người Kinh mà là người Mông, một trong những dân tộc được đánh giá lạc hậu nhất, thì lại canh tác thành công nhất. Nói như vậy để thấy rằng, không phải nhà nước cứ hỗ trợ tiền bạc, vật chất thì đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số mới phát triển. Quan trọng là công tác khuyến nông phải đồng hành và hỗ trợ kỹ thuật để họ tạo ra những mô hình kinh tế hiệu quả.

Mỗi năm Lào Cai có 70 chính sách hỗ trợ nông nghiệp, và phải bù vênh so với chính sách của nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, chúng tôi đang dần bỏ các chính sách không cần thiết. Ví dụ, năm 2013, tỉnh chủ trương không hỗ trợ số trâu, bò bị chết rét nữa vì đã hỗ trợ chuồng trại và những thứ khác rồi. Dân rất đồng tình. Đối với vụ đông, tỉnh không hỗ trợ những vùng thấp mà để dành nguồn lực hỗ trợ cho vùng cao. Đó là hướng đi rất đúng đắn.

Chăn nuôi “3 khó”
(Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi)

17-22-32_nh-4

Trong định hướng phát triển chăn nuôi, MNPB là vùng tiêu thụ hay SX? Thực tế trâu, bò thịt, bò sữa và gia cầm chăn thả dưới tán rừng là thế mạnh của MNPB. Ở ĐBSH, chúng ta không thể phát triển quy mô chăn nuôi cùng với sự gia tăng của mật độ dân số quá đông.

Muốn hay không muốn, các trung tâm chăn nuôi phải chuyển dịch lên khu vực miền núi. Đó là một xu thế. Tuy nhiên, tồn tại của chăn nuôi ở khu vực MNPB là giống. Hiện tại tầm vóc trâu, bò bản địa ở khu vực này ngày càng nhỏ đi do tình trạng giao phối cận huyết kéo dài nhiều năm. Do đó, cần phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu và lai tạo để phát triển tầm vóc của những loại vật nuôi này.

Đối với thức ăn, nếu MNPB dựa vào nguồn thức ăn công nghiệp chuyển từ miền xuôi lên để nuôi công nghiệp thì chắc chắn thất bại. Vì mỗi kg cám sẽ đội giá 700 đồng. Đó là chưa kể trình độ chăn nuôi và khả năng đầu tư của đồng bào vùng cao thua hẳn so với người đồng bằng.

Do đó, cần áp dụng công nghệ ủ chua để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như cỏ, lá cây và tinh bột ngô, gạo để giảm chi phí đầu vào… Về vấn đề dịch bệnh, phải có cơ chế phòng trừ dịch bệnh đặc thù cho khu vực MNPB, bởi đa số người chăn nuôi ở vùng này không biết cách tiêm phòng và kiến thức thú y.

MINH PHÚC
Theo: nongnghiep.vn