Phải bắt đầu từ thống kê sạch
- Thứ bảy - 01/06/2013 10:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngay trước thềm phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, dư luận đã "rối bời" trước con số như đùa dai của ngành lao động.
Như con số thống kê chính thức, trên 50.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Nhiều chuyên gia khẳng định có tới 60-70% doanh nghiệp đình trệ. Nhưng số người được tạo việc làm mới, theo thống kê, vẫn đạt 1,5 triệu. Đúng là bên cạnh số doanh nghiệp phá sản thì có doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp phục hồi. Nhưng theo phân tích của một chuyên gia kinh tế, rằng khi nhìn nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng để đo lường khả năng hấp thu vốn của nền kinh tế thì sự thực nhãn tiền là tỷ lệ DN thành lập mới đi vào hoạt động không đáng kể, nói gì đến tạo thêm việc làm.
|
Từ câu chuyện nóng bỏng nói trên, không ít người bắt đầu lần giở lại những tranh cãi lùm xùm gần đây về thống kê tỷ lệ nợ xấu, về tồn kho bất động sản. Để rồi ngã ngửa ra rằng số liệu mỗi nơi mỗi khác. Nhìn rộng ra các chỉ tiêu thời gian qua về tỷ lệ giảm nghèo, về giảm tai nạn lao động... thì mỗi nơi mỗi khác.
Giữa "ngã ba đường thông tin" khi các cơ quan chức năng mỗi nơiđưa ra một số liệu khác hẳn nhau, thật khó để thẩm định con số nào thực, con sốnào ảo. Ngay như chính vị tư lệnh ngành Kế hoạch Đầu tư cũng phải tự an ủimình, rằng số lliệu có thể chưa chính xác, nhưng tin cậy được.
Ai cũng biết, không có số liệu đầu vào đúng thì không thể đánh giá chính xác tình hình, nói gì đến dự báo chính xác các xu hướng hay đưa ra các quyết sách, chủ trương, giải pháp đúng đắn. Chưa kể, số liệu trung thực còn có ý nghĩa hoạch định chính sách cho cả một giai đoạn dài. Trong khi đó, suốt thời gian dài, các số liệu đã không còn là chỗ dựa, là cơ sở cho người hoạch định chính sách mà đôi khi chỉ là những minh họa cho các quyết định. Ai đó đã gọi, con số thống kê ở Việt Nam biết nhảy múa, "đi với bụt mặc áo cà sa..." hoặc thậm chí là được lập trình, được cài đặt sẵn bất kể những biến động của tình hình.
Nguyên nhân vì đâu? Phải chăng vẫn tình trạng các cơ quan, ban ngành luôn có hai hệ thống sổ sách. Những số liệu công khai để báo cáo thường theo hướng tích cực, còn số liệu thực trong nội bộ lại ghi ở sổ sách khác. Vậy là cái sai kéo dài theo hệ thống. Những sai số nho nhỏ từ cấp dưới khi gửi lên trên cứ tăng dần đều và khi lên đến cấp cao nhất thì số liệu hoàn toàn bị mất kiểm soát.
Có người nói, mọi chuyện bắt đầu từ căn bệnh thành tích, từ thói quen"chuộng nghe những lời giả dối". Vì thế mà sinh ra những con số chỉcó giá trị phụ họa chứ không còn bắt nguồn từ thực tiễn khoa học.
Vậy ra, chuyện thống kê sai và số liệu đẹp có lẽ không hoàn toàn xuất phát từ những người làm công tác thống kê mà phải chăng khởi nguồn từ chính nhữngngười phải sử dụng các số liệu để đưa ra quyết sách. Vì ở "trên"thích nghe con số đẹp, nên dần dà những báo cáo gửi lên đã được làm sạch để lấy thành tích.
Thế nên mới có những phát biểu chua chát trên nghị trường, rằng thực tế thì bi đát, mà số liệu vẫn sạch, đẹp. Đã có biết bao nhiêu chính sách đang được xây dựng trên nền tảng những số liệu khó tin như vậy?
Có lẽ, đã đến lúc tính đến chuyện phải có những thống kê sạch do các cơ quan, tổ chức độc lập được trao thẩm quyền điều tra, đo lường và công bố các số liệu? Hay thực chất là cả xã hội phải chữa được căn bệnh thành tích, bệnh thích nghe những lời giả dối. Và như vậy đồng nghĩa với việc sẽ phải chấp nhận một thực tế rằng sẽ có những sự thật chua chát, đen tối.
Nhưng đó chính là sự thật.
Thanh Châu
theo vnn