Phập phù chăn nuôi
- Thứ hai - 03/12/2012 03:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thua lỗ
Ông Nguyễn Thọ Lai, PGĐ Sở NN-PTNT Tuyên Quang, một trong những nguyên nhân chủ yếu làm giảm tổng đàn gia súc, gia cầm là do thời tiết lạnh giá, công tác kiểm soát, khống chế dịch bệnh còn gặp nhiều khó khăn; nhiều hộ còn thờ ơ phòng chống dịch bệnh…
Toàn tỉnh có tới 90% hộ nông dân tham gia chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, kinh nghiệm còn thấp. Mặt khác những biến động của thị trường, hiện giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 3 - 5%, trong khi giá sản phẩm thấp (giảm 40% so với cùng kỳ năm 2011); và liên tục bị thương lái ép giá.
Chị Trần Thị Thơm, một trong những hộ chăn nuôi có quy mô khá lớn tại thôn Thanh Bình, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) cho biết, gia đình chị thường xuyên nuôi 40 con lợn thịt, giá lợn hơi bán ra từ 37.000 - 40.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, thì hầu như không có lãi hoặc lãi không đáng kể. Có không ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong vùng hiện bỏ hẳn việc nuôi gia súc, gia cầm.
Theo khảo sát của Sở NN-PTNT Tuyên Quang, do diễn biến phức tạp của thời tiết như rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ xuống dưới 12 độ C đã làm nhiều gia súc bị chết. Chỉ riêng từ tháng 1 đến tháng 3/2011 đã có 2.570 con gia súc gồm trâu, bò, dê, ngựa bị chết.
Ông Nguyễn Thế Viễn, Bản Kè B, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) chăm sóc đàn bò
Tại huyện Sơn Dương, dịch tai xanh ở lợn diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8/2012 đã làm 6.571 con/514 hộ/12 xã, thị trấn bị mắc bệnh. Trong đó số lợn phải tiêu hủy bắt buộc là 1.279 con. Cũng tại huyện Sơn Dương dịch cúm gia cầm (H5N1), xảy ra từ tháng 8 - 9/2012 đã làm 14.761 con gia cầm phải tiêu hủy... Ngoài đồng cỏ cho chăn nuôi bò ở Phú Lâm (Yên Sơn), Tiền Phong, Phúc Ứng (Sơn Dương)… quy mô tương đối lớn, thì trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có các đồng cỏ diện tích lớn.
Để phát triển số lượng cũng như chất lượng đàn gia súc, gia cầm, giai đoạn 2006 - 2012, tỉnh đã thực hiện triển khai nhiều dự án, đề tài để nâng cao chất lượng giống đàn gia súc, gia cầm. Cụ thể dự án đa dạng hóa thu nhập nông thôn đã cung ứng cho các huyện 312 con trâu đực và 183 con bò đực lai Sind đạt tiêu chuẩn giống để phối giống cho đàn trâu, bò cái sinh sản (5.313 con trâu cái và 8.907 con bò cái sinh sản).
Kết quả đã phát triển được 2.686 con nghé, 4.999 bê lai. Dự án đối ứng, cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt được triển khai tại huyện Yên Sơn và Sơn Dương đã chọn lọc được 2.505 bò cái. Năm 2011 đã sinh sản 2.205 bò cái, 2.155 con bê...
Khuyến khích chăn nuôi trang trại
Ông Đào Duy Quý, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN-PTNT Tuyên Quang) cho biết, toàn tỉnh có 77 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, 48 trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm; vốn đầu tư trung bình là 431,5 triệu đồng/1 trang trại.
Tiêu biểu là trang trại của ông Đinh Văn Sung, xã Hợp Thành (Sơn Dương) quy mô hàng trăm con nái ngoại và từ 300 - 500 con lợn thịt mỗi lứa. Trang trại của ông Diệp Thành Chung, xã Thiện Kế (Sơn Dương) chăn nuôi từ 2.000 - 3.000 gà mái đẻ. Việc phát triển mở rộng các trang trại, gia trại là điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng con giống, chất lượng thịt, chất lượng tiêm phòng dịch bệnh.
"Để đạt kết quả, cần xây dựng phương án phát triển chăn nuôi với những kế hoạch, bước đi chắc chắn, khoa học và hợp lý. Tùy từng vùng, địa phương mà lựa chọn các loại vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng thế mạnh của vùng đó; việc tập trung phát triển nguồn nhân lực trong chăn nuôi cần có trọng tâm, trọng điểm.
Đẩy mạnh ứng dụng TBKT nâng cao chất lượng giống gia súc, gia cầm; tạo mọi điều kiện thuận lợi về nguồn vốn vay, khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại…", ông Nguyễn Thọ Lai. |
Đây cũng là động lực quan trọng giúp ngành chăn nuôi phát triển theo hướng SX hàng hóa bền vững. Cùng với đó, từ năm 2009 đến nay Sở NN-PTNT đã tổ chức 20 lớp tập huấn phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra giống vật tư nông lâm nghiệp cho 860 lượt người là cán bộ thuộc đoàn kiểm tra liên ngành của các huyện, thành phố; cán bộ quản lý nông lâm nghiệp các xã, phường, thị trấn.
Ngoài đội ngũ cán bộ thú y tại các trạm thú y huyện, thành phố, toàn tỉnh có 141 nhân viên thú y xã và 1.977 thú y viên thôn bản, đội ngũ này đang ngày càng được chuẩn hóa hơn về kiến thức cũng như nghiệp vụ thú y và trở thành “cánh tay” đắc lực của người chăn nuôi; nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Mục tiêu đến năm 2015, tỷ trọng ngành kinh tế chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm 38% của tỉnh. Số lượng tổng đàn sẽ đạt 164.871 con trâu, 65.272 con bò, trên 701.100 con lợn, và gần 7.350.000 con gia cầm; hằng năm, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trong diện bắt buộc phải tiêm đạt từ 60 - 70%; 100% các xã đều có cán bộ thú y đến thôn bản; khoảng 40% sản phẩm chăn nuôi SX theo phương thức trang trại, gia trại bán công nghiệp, sản phẩm đạt an toàn dịch bệnh và ATVSTP…
Ngày 3/12/2012 - Theo Báo Cần Thơ