Phát huy những lợi thế lớn từ trầm hương

Cây Dó bầu cho ra các sản phẩm có giá trị kinh tế rất cao như: trầm hương, tinh dầu trầm, nhang trầm, trà trầm hương, chế tác đồ thủ công mỹ nghệ… Việt Nam được xếp vào số ít quốc gia có trầm hương nhiều và tốt nhất thế giới. Lợi thế là vậy, nhưng loại cây này vẫn phát triển ở mức nhỏ lẻ, manh mún vì nhiều lý do khác nhau, trong đó thiếu sự quan tâm của Nhà nước được xem là một trong những yếu tố chính.
Cây Dó bầu tạo trầm hương hứa hẹn hiệu quả kinh tế rất cao nếu có chiến lược phát triển hợp lý
PGS, TS Trần Hợp – Chủ tịch Hội trầm hương Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 14.000 ha cây Dó bầu, tập trung ở các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung bộ. Cây Dó bầu có thể chế ra các sản phẩm như: trầm hương, tinh dầu trầm, nhang trầm, trà trầm hương, chế tác đồ thủ công mỹ nghệ... hiệu quả kinh tế rất cao. Đây là động lực thúc đẩy các tổ chức và cá nhân đầu tư vào ngành sản xuất mới này. Ước tính, 1 ha cây Dó, tạo trầm hương có thể làm ra giá trị 1,5 – 1,8 tỷ đồng/chu kỳ sản xuất 10 năm, bình quân giá trị tạo ra 150- 180 triệu đồng/ha/năm, trong đó lợi nhuận từ 50-60%. Sản phẩm trầm hương, nhất là tinh dầu có thị trường tiềm năng rộng lớn, vì đó là nguyên liệu có nguồn gốc thảo dược quý hiếm mà ngành hương liệu – mỹ phẩm hướng tới; các ngành đông y, dược phẩm, các lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là Hồi giáo, Phật giáo, có nhu cầu sử dụng trầm hương ngày càng nhiều. Theo PGS, TS Trần Hợp, một điều hết sức may mắn là cây Dó bầu cho trầm hương nhiều và tốt chỉ có ở nước ta và một số quốc gia như Campuchia, Lào, đó là lợi thế hết sức quan trọng để chúng ta tự tin hơn trong việc phát triển loại cây này.
 
Cây Dó được trồng và đã tạo trầm hương, cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng đó mới là kết quả bước đầu, có tính chất tự phát, riêng lẻ. Để sản xuất trầm hương nhân tạo trở thành ngành kinh tế sản xuất hàng hóa hiệu quả cao dựa trên lợi thế "trời cho” của nước ta, phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức. TS Võ Văn Chi, người có nhiều năm nghiên cứu về trầm hương lại cho rằng, nếu để người trồng cây Dó tự bươn chải từ khâu trồng, chăm sóc, tạo trầm đến buôn bán thì khó đạt được hiệu quả kinh tế như dự tính. Với diện tích Dó hiện nay trên cả nước nếu ứng dụng các phương pháp khoa học, hiệu quả sẽ sinh lợi nhuận rất lớn. Từ trước đến nay, khâu tạo trầm hương nhân tạo từ cây Dó trồng trong vườn và trang trại gặp rất nhiều rủi ro, vì khâu này rất tốn kém.
 
Kỹ sư Nguyễn Hồng Lam – Trung tâm nghiên cứu lâm đặc sản thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cũng cho biết, thách thức lớn nhất là ở cấp quốc gia chưa có chiến lược phát triển rõ ràng đối với cây Dó cho trầm hương; thách thức thứ 2 là trồng cây Dó, tạo trầm hương, chu kỳ sản xuất tương đối dài ngày (10 năm) vốn đầu tư lại lớn (hơn 500 triệu/ha), nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là về tín dụng thì không dễ dàng gì phát triển nhanh ngành sản xuất mới, có nhiều lợi thế này. Bất cập kế tiếp là công nghệ tạo trầm được xem là khâu quyết định nhưng chưa tập trung nghiên cứu, thực nghiệm một cách bài bản, chưa tạo ra sản phẩm đồng loạt, chất lượng tương ứng và chuyển giao rộng rãi. Một thách thức khác cũng không kém phần quan trọng là thông tin về thị trường còn bất cập, rời rạc, chưa được xác định rõ ràng. Ngoài ra, còn những thách thức khác như: chất lượng cây giống, các chỉ tiêu về lâm sinh đối với cây Dó trồng, sự tương thích giữa các cây trồng xen, bệnh của cây, tạo trầm chất lượng cao, sự hiểu biết về tạo kỳ nam cũng như tổ chức hỗ trợ nghề nghiệp,…đang đặt ra khá cơ bản và bức bách.
 
Thay mặt Hội trầm hương Việt Nam, PGS, TS Trần Hợp kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người trồng cây Dó tạo trầm và các tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm liên quan đến cây Dó. Đồng thời, đề nghị miễn thuế xuất khẩu trầm hương từ cây Dó bầu trồng và các sản phẩm chế biến từ cây Dó; đó cũng là biện pháp tốt nhất, giúp cho ngành trầm hương trên cả nước phát triển, tiến tới xóa nghèo cho người trồng cây Dó tạo trầm và thu ngoại tệ về cho đất nước.
Theo daidoanket