Phát triển TTCN-TM&DV ở Can Lộc: Đất trống nhiều, “điểm sáng” ít!

Tại Đại hội lần thứ XXXV, nhiệm kỳ 2015 – 2020, BCH Đảng bộ huyện Can Lộc đã đề ra một số mũi đột phá và nhiệm vụ cụ thể để đưa huyện nhà “thực sự giàu mạnh, văn minh”, trong đó có phát triển dịch vụ du lịch, thương mại; tiểu thủ công nghiệp (TTCN), làng nghề. Tuy nhiên, nhìn chung, những gì hiện hữu trên mảnh đất này vẫn còn khiêm tốn.
 

Đất trống nhiều

Nhìn tổng thể, từ đô thị đến nông thôn, Can Lộc đang thiếu những điểm nhấn, thậm chí, đô thị Nghèn là nơi đặt nhiều kỳ vọng, nhưng vẫn còn tính chất... “nửa thị nửa quê”. Nằm ngay trên trục đường thiên lý Bắc - Nam, khu CN tập trung (thường gọi là khu CN Hạ Vàng) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3215 ngày 10/12/2007 với tổng diện tích 24,41 ha, hiện chỉ có 5 doanh nghiệp đầu tư. Thế nhưng, 2 trong số 5 doanh nghiệp này lại chưa thực hiện đúng tiến độ theo giấy chứng nhận đầu tư.

phat trien ttcn tm dv o can loc dat trong nhieu diem sang it

Khu công nghiệp Hạ Vàng hiện vẫn còn nhiều đất trống.

Lãnh đạo huyện Can Lộc thừa nhận, khu CN Hạ Vàng “chưa đạt được kết quả cao”. Nguyên nhân được huyện “mổ xẻ” là do: “Điều kiện địa lý xa các trung tâm thành phố, KT-XH của Can Lộc phát triển chậm; xây dựng hạ tầng đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là xây dựng đường, điện phục vụ sản xuất và hệ thống chiếu sáng, mương thoát nước, đấu nối đường gom với quốc lộ 1A chưa được triển khai; công tác đền bù, GPMB thuê đất còn gặp khó khăn do chưa huy động được nguồn lực, kể cả ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Các doanh nghiệp có năng lực tài chính chưa thực sự quan tâm” (theo báo cáo của UBND huyện ngày 17/4/2017). Tuy nhiên, một lãnh đạo của Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương nói: “Tại Hạ Vàng, hạ tầng đã cơ bản, lại nằm bên quốc lộ 1A, rất thuận lợi nhưng không hiểu sao, việc thu hút đầu tư lại kém”.

Cùng với Hạ Vàng, Can Lộc cũng xác định điểm nhấn tại cụm CN Yên Huy. Cụm này được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 4814 ngày 16/12/2015 với diện tích sử dụng 12 ha, tổng mức đầu tư 32,8 tỷ đồng; trong đó, thực hiện giai đoạn I là 6,4 ha.

Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lộc Đặng Văn Tân cho hay: “Việc đầu tư cụm CN ở đây là rất quan trọng vì sẽ đưa được hơn 240 hộ làm nghề chuyển vào sản xuất; giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy dịch vụ phát triển và tạo nguồn thu cho địa phương vì lâu nay, thực tế địa phương chưa thu đồng nào của các hộ. Tuy nhiên, theo lộ trình phải đến 2018, cụm CN Yên Huy mới hoàn thành hạ tầng và đi vào hoạt động”.

phat trien ttcn tm dv o can loc dat trong nhieu diem sang it

Cụm công nghiệp Yên Huy đã được chấp thuận đầu tư nhưng theo lộ trình, đến năm 2018 mới hoàn thành, đưa vào khai thác.

Bức tranh đầu tư phát triển trên lĩnh vực này còn ảm đạm hơn khi nhìn vào Khu sinh thái Bắc Nghèn. Hiện nay, khu sinh thái đã dừng hoạt động, mặc dù doanh nghiệp chưa tuyên bố phá sản. Hiện tại, giữa nhà đầu tư và các cổ đông vẫn còn những tồn tại, vướng mắc.

Điểm sáng ít

Hiện nay, lĩnh vực TTCN, TM-DV ở Can Lộc chủ yếu vẫn “nhìn” ở những quy mô nhỏ và chưa mang tính bền vững. Điểm sáng và hứa hẹn đó là cụm phát triển TM-DV khu vực Hầm Pháo tại thị trấn Nghèn. Cụm TM-DV này được UBND tỉnh phê duyệt ngày 25/3/2015, với quy mô 29,73 ha từ đất nông nghiệp sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Ngày 27/5/2016, UBND huyện ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án đầu tư phát triển TM-DV tại khu vực Hầm Pháo - thị trấn Nghèn giai đoạn 2016-2020.

phat trien ttcn tm dv o can loc dat trong nhieu diem sang it

Dù đã có nhiều khởi sắc nhưng thị trấn Nghèn vẫn còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy TMDV phát triển

Giai đoạn I đã quy hoạch 2,64 ha, phân thành 2 dãy: Dãy 1 có 13 lô, dãy 2 có 10 lô. Hiện nay đã có 2 đơn vị thuê đất, đầu tư xây dựng xong và đã đi vào hoạt động kinh doanh đồ điện, gạch lát, xăng dầu; có 8 nhà đầu tư hoàn thành GPMB và đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tổng hợp, siêu thị mi ni, đồ gỗ, nhà hàng… Đành rằng, kết quả mới chỉ bước đầu và vẫn còn 8 lô của dãy 2 chưa có nhà đầu tư, song khu vực này vẫn là nơi hứa hẹn sẽ mang lại nét tươi sáng cho thị trấn Nghèn trong lộ trình hướng tới đô thị loại IV.

Ngoài điểm sáng trên, Can Lộc hiện vẫn trông chờ vào lĩnh vực thương mại nông thôn, tập trung là đầu mối các chợ với 1.198 hộ kinh doanh, trong đó có 1.510 hộ kinh doanh thường xuyên. Trên địa bàn huyện, hiện có 15 chợ hoạt động ổn định và 2 chợ nằm trong kế hoạch phát triển chợ của UBND tỉnh đến năm 2020 tại xã Thượng Lộc và Xuân Lộc.

Theo đánh giá của Phòng Công thương huyện Can Lộc, ngoài chợ Nghèn (523 hộ), chợ Nhe (239 hộ), chợ Tùng Lộc, Nhân Lộc, Đồng Lộc, Quang Lộc, Sơn Lộc, Thiên Lộc… thì một số chợ hoạt động kém hiệu quả như: Chợ Phúc Lộc, Kim Lộc, Song Lộc, Trung Lộc, Thanh Lộc. Tổng 15 chợ trên địa bàn, mỗi năm đóng nộp phí vào ngân sách địa phương khoảng 1,59 tỷ đồng, trong đó, nhiều nhất là chợ Nghèn khoảng 800 triệu đồng, chợ Nhe 237 triệu đồng, chợ Đồng Lộc 114 triệu đồng. Còn lại, nhiều chợ chỉ mang lại nguồn thu từ 4-30 triệu đồng.

Thậm chí, tại những địa phương mà các dịch vụ đem lại số thu trên 100 triệu đồng, nếu phân tích những lợi thế thì vẫn cho thấy những hạn chế. Đơn cử, Đồng Lộc là nơi có ngã ba huyền thoại, mỗi năm có khoảng 30 vạn lượt khách nhưng chợ ở đây cũng chỉ mang lại 114 triệu đồng/năm. Thiếu sản phẩm để quảng bá, thiếu địa chỉ hấp dẫn để “níu chân” khách và lôi cuốn họ mua sắm, đa số du khách đến Đồng Lộc chỉ là thuần túy tưởng nhớ những anh hùng, liệt sỹ. Điều này cũng tương tự như tại Thiên Lộc - nơi có ngôi chùa “Hoan Châu đệ nhất danh lam” - chùa Hương Tích. Đó là chưa nói, để đầu tư phát triển TM-DV, từ năm 2008-2016, các cấp đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng cải tạo, nâng cấp chợ.

(Còn nữa)

Theo Trung Dân/ Báo hatinh.vn