Phát triển cây mắc-ca ở Lâm Đồng: Cần tuân thủ quy hoạch
- Thứ năm - 14/03/2013 02:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trồng chơi, ăn thật
Người có thâm niên trồng mắc-ca lâu năm nhất ở Lâm Đồng là ông Nguyễn Đức Ba, ngụ tại thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương). Vườn mắc-ca của ông đã ở tuổi thứ 6 và cho thu hoạch đều đặn từ 2 năm nay. Trên diện tích 6.000m2, ông Ba trồng 200 cây mắc-ca, có cả cây thực sinh và cây ghép. Riêng năm 2012, vườn mắc-ca cho thu hoạch 1 tấn hạt. Với giá bán trung bình 200.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông lãi 150 triệu đồng. Đó là chưa kể ông còn sản xuất cây giống ghép, bán với giá 50.000 đồng/cây (năm 2012 ông bán được 4.000 cây giống). Ông cho hay: “Nhà tôi trồng thuần mắc-ca, cây ăn ít phân, mỗi năm tôi bón khoảng 3 đợt phân, mỗi cây tối đa 5 kg/vụ”.
Không trồng thuần mắc-ca như ông Ba, gia đình ông Bùi Hữu Hoà ở xã Tân Hà (huyện Lâm Hà) trồng 600 cây mắc-ca ghép xen trong 2ha càphê. Trồng từ năm 2009, năm 2012, gia đình ông Hoà thu được 1,5 tạ hạt, bán với giá trung bình 200.000 đồng/kg. Ông Hoà cho biết, ông không hề chăm bón gì thêm cho cây mắc-ca, khi bón phân, tưới nước cho càphê, mắc-ca được “hưởng” ké nhưng vẫn phát triển tốt. Dù mắc-ca đã vượt bóng càphê nhưng sản lượng càphê vẫn khá cao, niên vụ 2012, gia đình ông thu được tới 9,3 tấn càphê nhân. “Trồng mắc-ca quả thực là đầu tư ít mà cho thu hoạch khá. Tất nhiên giờ đang bán làm giống thì giá cao hơn nhưng sau này, khi mắc-ca phổ biến hơn, sử dụng làm thực phẩm, chỉ cần đạt 80.000 đồng/kg là cũng thu lãi khá”, ông Hòa nói.
Ông Hoà cũng là người mang giống mắc- ca về phổ biến ở Lâm Hà. Ngoài vườn nhà ông, hàng loạt các gia đình xung quanh cũng trồng mắc-ca xen trong vườn càphê và đều cho kết quả khả quan. Hiện, diện tích mắc-ca tại Lâm Hà đang tăng và xuất hiện thêm nhiều trang trại trồng mắc-ca lớn.
Cần bước đi phù hợp
Dù cho hiệu quả kinh tế cao nhưng việc trồng mắc-ca ở Lâm Đồng cũng như nhiều vùng khác cần có bước thử nghiệm, nghiên cứu và đánh giá cụ thể, không nên trồng quá ồ ạt. Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng khuyến cáo:“Trồng mắc-ca phải phù hợp với quy hoạch vì đây là loài cây có nguồn gốc từ châu Úc, trong khi Lâm Đồng chỉ phù hợp với cây càphê. Cần thử nghiệm kỹ vì nếu trồng ở vùng không phù hợp khí hậu, khả năng ra hoa kết trái của cây sẽ kém hiệu quả”.
Với Lâm Đồng, những vùng đất phù hợp với cây mắc-ca phải đáp ứng đủ các tiêu chí như nhiệt độ trung bình năm từ 20-25 độ C để giúp phân hoá chồi hoa, vùng đất không quá nhiều gió lớn vì mắc-ca chịu gió bão kém. Ngoài ra, bà con cũng cần trồng mắc-ca với phương pháp khoa học. Đơn cử như anh Tiêu Văn Huynh ở thôn Tân Trung, xã Tân Hà trồng 600 cây mắc-ca xen trong 2ha càphê. Ô nào trồng giống gì, anh đều ghi chép cụ thể để đánh giá chất lượng, sản lượng trái.
Nhận thấy tiềm năng từ cây mắc-ca, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã tiến hành hỗ trợ nông dân trồng giống cây này, cả trồng thuần và trồng xen trong vườn càphê. Sau nhiều đánh giá, anh Nguyễn Văn Diện, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã rút ra những điều bà con cần lưu ý khi trồng mắc-ca. Trong đó, quan trọng nhất phải là chọn cây giống ghép đã được xác nhận nguồn gốc. Vườn mắc-ca phải trồng từ 3 giống trở lên vì đây là giống thụ phấn chéo. Ngoài ra, khi trồng mới phải đào hố rộng vì mắc-ca rễ bàng, dễ ngã đổ.
Cây mắc-ca ở Lâm Đồng cho sản lượng cao nhất là 14 kg hạt/cây ở tuổi thứ 6. Ở nước ngoài, cây trưởng thành trên 20 năm có sản lượng trung bình 25 kg/cây. Như vậy, khi tới tuổi trưởng thành, cây mắc-ca ở Lâm Đồng rất có khả năng sẽ đạt sản lượng không kém thế giới. Cây mắc-ca đang mở thêm hướng đi mới cho vùng chuyên canh càphê Lâm Đồng, tuy nhiên, bà con không nên phát triển ồ ạt mà cần có những bước đi vững chắc để đảm bảo thắng lợi.
Diệp Quỳnh
(kinhtenongthon.com.vn)