Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo qua cánh đồng mẫu lớn
- Thứ tư - 30/01/2013 19:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa |
Lợi ích rõ ràng
Vụ Đông Xuân 2012-2013, tại khu vực Nam Bộ có 21 tỉnh, TP đăng ký tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 76.500 ha.
Và địa phương phát triển mạnh mô hình này thời gian qua là An Giang đã thu được nhiều thành tựu đáng khích lệ, tạo được nền tảng để hình thành mô hình liên kết tiêu thụ nông sản và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, An Giang đã có 22.900 ha lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, trên 522.000 ha lúa (chiếm 83%) áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Trong đó, mô hình do Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) triển khai đang được coi là tiêu biểu về phát triển cánh đồng mẫu lớn bền vững với sự tham gia đầy đủ của người trồng lúa, doanh nghiệp vào toàn bộ chuỗi giá trị, sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đó, người nông dân sẽ được AGPPS cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được nợ không tính lãi 120 ngày. Ngoài ra, nông dân sẽ được những cán bộ kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật từ khâu làm đất, xử lý giống đến khâu thu hoạch
Số liệu trung bình qua 5 vụ sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn thuộc vùng nguyên liệu AGPPS từ vụ Đông Xuân 2010-2011 đến Hè Thu 2012 cho thấy, tổng chi phí bình quân là 18,99 triệu đồng/ha, tổng thu đạt 43,56 triệu đồng/ha với năng suất lúa bình quân 6,72 tấn/ha, tỷ lệ lợi nhuận trên tổng thu trung bình đạt 56%. Và trong vụ Đông Xuân 2012 - 2013 vùng nguyên liệu cánh đồng mẫu lớn của AGPPS đã xuống giống được trên 18.000 ha để cung cấp lúa cho 4 nhà máy là Vĩnh Bình (An Giang ), Thoại Sơn (An Giang), Tân Hồng (Đồng Tháp) và Vĩnh Hưng (Long An) .
Hiện nay, gạo của AGPPS đã xuất khẩu tới nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt vào các thị trường cao cấp như Mỹ, Australia, Singapore, Nhật Bản… Cụ thể, năm 2012 doanh nghiệp này đã xuất khẩu được 29.935 tấn và cung cấp trong nội địa gần 7.000 tấn.
Doanh nghiệp cần tích cực hơn
Tuy nhiên, hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong mô hình cánh đồng mẫu lớn phần đông mang tính tự phát, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa vào cuộc một cách tích cực. Nhiều doanh nghiệp vẫn muốn duy trì cách thức mua lúa gạo thông qua đội ngũ thương lái, hàng xáo nên không ký hợp đồng ràng buộc trách nhiệm với nông dân khi tham gia cánh đồng mẫu lớn. Điều này chẳng những nông dân chịu thiệt vì không có quyền quyết định giá, nguy cơ bị gian lận; khó cải thiện nâng chất lượng hạt gạo do lúa gom từ nhiều nguồn giống khác nhau, độ ẩm, độ chín khác nhau… mà còn không thể xây dựng được vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu, thương hiệu gạo xuất khẩu, giảm khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường.
Bên cạnh đó, nhiều tranh chấp giữa doanh nghiệp và nông dân đã xảy ra liên quan đến hợp đồng bao tiêu đến nay chưa có hướng giải quyết đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến liên kết này.
Hiện Bộ NNPTNT đang lấy ý kiến cho dự thảo quyết định các chính sách hỗ trợ nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lúa gạo, nhằm phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn không chỉ ở Đồng bằng sống Cửu Long mà còn thử nghiệm tại một số tỉnh miền Bắc.
Theo dự thảo này, mức hỗ trợ cho các hộ nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn (quy mô từ 50 ha trở lên đối với Đồng bằng sông Cửu Long, 30 ha đối với Đồng bằng sông Hồng và 20ha đối với các vùng còn lại) sẽ là 5 triệu đồng/ha. Những hộ nông dân đầu tư lò sấy, kho chứa lúa quy mô nhỏ dưới 10 tấn/kho dự trữ tại nhà sẽ được vay 70% vốn đầu tư với lãi suất 0% trong vòng 3 năm.
Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NNPTNT), khẳng định cánh đồng mẫu lớn là hướng phát triển tất yếu, nông dân được hưởng rất nhiều ưu đãi của Nhà nước. Do đó, các doanh nghiệp và nông dân nên tham gia vào mô hình sản xuất này.
Kim Liên
Nguồn: baodientu.chinhphu.vn