Phát triển đàn bò, nhìn từ Cao Phong.

Xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc đặt trọng tâm phát triển chăn nuôi, coi đây là một thế mạnh mũi nhọn với tham vọng vươn lên trở thành địa phương cung ứng thực phẩm an toàn cho miền Bắc.
Phát triển đàn bò, nhìn từ Cao Phong
Nghề vỗ béo bò đem lại cho gia đình ông Lương một cuộc sống an nhàn, sung túc.

Theo đó, việc phát triển đàn bò có năng suất chất lượng cao là một trong những bước đi tất yếu của tỉnh nhưng phát triển như thế nào, chính sách nào cho phù hợp đòi hỏi phải có góc nhìn xuất phát từ thực tiễn...
Sống nhàn nhờ... chăn bò
Xã Cao Phong, huyện Sông Lô có 2.090 hộ dân sinh sống trên diện tích 707 ha nhưng lại có tới 400 hộ nuôi trâu bò, nâng tổng đàn trâu, bò trong xã lên tới 2.600 con. Hàng chục năm trước, phong trào nuôi bò vỗ béo đã phát triển tại đây và đã sản sinh ra những tay buôn bò, vỗ bò vô cùng lão luyện chỉ liếc mắt tính tiền...

Đã có một thời việc buôn bò, nuôi bò đã trở thành nghề hốt bạc của người dân Cao Phong. Dù rằng, đất chật người đông, nhà cửa san sát và mỗi nhân khẩu trong xã chỉ có tiêu chuẩn chưa đầy 1 sào đất nhưng nhiều hộ vẫn luôn duy trì đàn bò tới 20 con.

Có hộ cứ 3 năm lại đủ tiền cất nổi một căn nhà nhờ lợi nhuận thu được từ việc buôn bò. Hiện nghề nuôi bò ở đây đang hình thành hai khuynh hướng, nuôi bò giống và vỗ béo bò.

Nói đến nuôi bò sinh sản tại Cao Phong chỉ hai hộ nuôi bò đực giống và bò cái sinh sản, trong đó có gia đình anh Khổng Văn Cạn ở thôn Dùng.
Là người năng động, anh Cạn làm khá nhiều nghề để kiếm sống. Tuy nhiên ngay cả khi các nguồn thu nhập khác có thể mang lại cho gia đình tới vài chục triệu đồng/tháng thì anh vẫn xác định chăn nuôi là công việc bền vững, không thể bỏ.

Nuôi lợn, nuôi bò đều giỏi, chuồng lợn của anh cứ mỗi lứa xuất chuồng phải vài ba tấn còn chuồng bò sinh sản những lúc cao điểm phải tới 15-16 con cả bò, cả bê. Anh Cạn cho biết nuôi bò sinh sản vất vả nhất là ở khâu lấy giống, thời gian trước anh vẫn thường phải dắt bò sang tận xã Sơn Đông để phối giống, mất nhiều thời gian, công sức mà có khi phối tới 2-3 lần cũng chẳng được.

Nhận thấy nhu cầu của bà con trong xã còn nhiều, năm 2014 anh quyết định đầu tư 60 triệu đồng mua một con bò đực Sind giống vừa để phục vụ nhân dân vừa thuận tiện phối cho đàn bò cái của gia đình.

Từ ngày anh Cạn có bò giống, bà con chòm xóm đưa bò đến phối rất đông bởi mỗi lần lấy giống ở xã khác tính các loại chi phí hết 200 ngàn đồng nhưng phối bò ở nhà anh Cạn vừa được giống đẹp mà chi phí giảm đi một nửa. Tính riêng tiền bò giống, trung bình mỗi tháng anh thu nhập thêm 3 triệu đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi bò sinh sản, theo anh Cạn đây là phương pháp nuôi dài hơi không giống như nuôi vỗ béo nên chi phí thức ăn hàng ngày cho mỗi con bò trưởng thành chỉ hết khoảng 10 ngàn đồng.
Bê con sinh ra cứ đủ 4 tháng 10 ngày là anh cho xuất chuồng, giá 11 triệu đồng/con. Nếu nuôi đến 5-7 tháng thì giá tăng lên 12-13 triệu nhưng thường thì anh có thêm bê con nào là bà con quanh xóm đến đăng kí lấy hết ngay. Vì thế số đầu bò trong nhà không mấy khi vượt quá 15 con.

Thậm chí, có nhiều khách đến xem thấy bê con đẹp lại thích bắt cả bê cái giống, gặp khách muốn mua cả cặp sẽ được giá hơn rất nhiều mà không tốn công nuôi. Mấy tháng trước anh Cạn mua được bò cái có chửa với giá 20 triệu đồng, khi bê con sinh ra được 1 tháng anh bán liền tay cả mẹ cả con cho nhà hàng xóm với giá 40 triệu đồng.
Chỉ sang tay một cặp bò, bê đã có lợi nhuận trên 20 triệu đồng, số tiền mà cô con gái của anh đi làm công nhân với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng có giỏi tằn tiện tích cóp thì cũng phải mất hàng năm trời.
Cũng là chăn nuôi bò nhưng ông Nguyễn Văn Lương ở thôn Giang không bao giờ mua bê nhỏ mà chỉ tìm mua lại những con bò đã to khỏe để vỗ béo.

Nhìn vẻ hào hứng của ông Lương khi nói về nghề vỗ béo bò thịt thì có vẻ như công việc này còn đem lại lợi nhuận lớn hơn rất nhiều so với nuôi bò sinh sản.
Bởi tuy vốn đầu tư ban đầu lớn, giá mua bò trưởng thành cao hơn, chăn công nghiệp nên lượng thức ăn tiêu tốn hơn nhưng đổi lại thì chu kì vòng quay của vốn nhanh hơn nên khả năng thu lợi được nhiều lần trong năm.

Mấy năm trước, khi giá bò thịt bán cho lò mổ còn cao thì nghề vỗ béo bò thực sự hái ra tiền. Trung bình, chuồng bò của ông Lương duy trì ở mức 20 con/lứa, chi phí thức ăn cho mỗi con bò hết 70 ngàn đồng/6 kg cám/ngày/con, tức là mỗi ngày ông phải bỏ ra 1,4 triệu đồng tiền thức ăn cho bò.
Sau 45-60 ngày ông sẽ xuất chuồng và thu lợi từ 10-15 triệu đồng/con. Một năm 6-7 chu kì quay vốn gia đình ông thu lợi hàng tỉ đồng.
Từ khi có bò Úc vào thị trường Việt Nam, bò thịt bị kéo xuống hàng chục giá nên thu nhập của gia đình ông bị giảm sút nhiều. Bò xuất chuồng chỉ cho lợi khoảng 3-5 triệu đồng/con tùy theo thời giá hoặc lúc mua rẻ hay đắt.

 Với kinh nghiệm 30 năm buôn bò và 10 năm nuôi bò vỗ béo, ông Lương có khả năng chỉ nhìn mông của bất cứ con bò lai Sind nào để tính ra lượng thịt có thể thu về để xác định lợi nhuận, sai số thông thường chỉ từ 2-3 kg/con.

Đây là một kĩ năng cần thiết mà người buôn bò, vỗ béo bò nào cũng phải nắm bắt bởi nếu sai lệch quá 5 kg/con là có nguy cơ mất đi lợi nhuận. Nhưng ngược lại, nếu phán đoán, làm giá tốt có những con bò chỉ dắt về đến nhà là có thể bán ngay, xác định lãi 10-15 triệu đồng.
Muốn giàu cần chuyên nghiệp

Do chăn bò vỗ béo dễ kiếm tiền nên ở Cao Phong có nhiều gia đình làm nghề này và họ rất thành thạo công việc của mình. Tuy nhiên cũng như anh Cạn, ông Lương... người dân Cao Phong chỉ chăn bò bằng kinh nghiệm.

Hàng trăm hộ dân chăn bò trong cùng một xã nhưng không theo một quy trình chuẩn và chỉ chăn duy nhất một giống bò lai Sind. Ở thời điểm hiện tại, giá bò lai Sind với giá bò ngoại đã cân bằng, trong khi trọng lượng trung bình của các giống bò nói trên có thể cao gấp đôi trọng lượng trung bình của bò lai Sind mà tỉ lệ thịt thu được lại cao hơn gấp nhiều lần.

Nếu chuyển hẳn sang chăn bò giống ngoại thì chắc chắn sẽ thu lợi hơn chăn bò lai Sind, vậy tại sao người dân Cao Phong không làm?

Câu trả lời đơn giản chỉ là khi được hỏi về giống bò thì bất cứ một nông dân nuôi bò lành nghề nào ở đây cũng bị nhầm lẫn mà nghĩ tới các tiêu chuẩn bò: Cao, dài, nhỏ xương, mỏng da. Với họ, bò lai Sind là bò to nhất. Hầu như không ai có khái niệm về các giống bò khác nên cũng không có chuyện tìm hiểu các giống mới để nâng cao năng suất, chất lượng.
Thêm vào đó là một tư duy cố hữu đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của người nông dân đó là: “Gà ta ngon, được giá hơn gà công nghiệp. Bò ta ngon hơn được giá hơn bò ngoại”.

Suy nghĩ này thể hiện ngay cả trong cách phương pháp chăn nuôi, người nông dân luôn tìm loại cám để bò ăn có thể có màu “tím” đặc trưng của thịt bò ta nhằm phân biệt với bò ngoại.

Ông Bùi Như Ý, PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc cho biết, việc đưa một giống mới khác với thị hiếu của người dân về địa phương là rất khó khăn.

Sở đã từng đưa giống bò Brahman vào huyện Vĩnh Tường nhưng phải trải qua rất nhiều sóng gió thì giống bò này mới trụ lại được vì thương lái chê “thịt bò bở” để ép dân nên giá bò thịt tụt đáy. Phải đến khi có thương lái Hà Nội lên trả giá cao thì bò Brahman mới được nhân dân thừa nhận.


Trao đổi với phóng viên về nghề chăn bò ở Cao Phong, ông Ý cũng khẳng định người dân nơi đây đã có kĩ năng và có khuynh hướng phát triển chăn nuôi bò. Nhưng để làm giàu được từ nghề này cần phải đào tạo, phát triển những kĩ năng đó trở thành chuyên nghiệp tạo thành chuỗi cung ứng khép kín.
Tức là, người nuôi bò sinh sản thì phải biết chọn lọc giống bò tốt, có thể cho sản lượng thịt cao, phù hợp với việc chăn nuôi vỗ béo để cung ứng cho những người nuôi vỗ.
Còn đối với nhóm đối tượng chăn nuôi vỗ béo ngoài việc xác định chọn giống cho phù hợp còn phải xây dựng được quy trình kĩ thuật nuôi, lựa chọn thức ăn phù hợp theo chu kì phát triển của giống bò.
 
Theo Nongnghiep.vn