Đến xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn vào ngày nghỉ cuối tuần giữa tháng 8, chúng tôi hòa cùng hàng trăm du khách, chạy xe bon bon trên các con đường bê-tông hóa rộng rãi đến tận những vườn cây ăn quả, tận hưởng không khí mát mẻ của vùng đất cuối địa giới hành chính tỉnh về phía tây, có độ cao hơn 400 m so với mặt nước biển, được mệnh danh là miền tây thu nhỏ của Ninh Thuận.
Lâm Sơn có hơn 800 ha vườn trồng các loại cây ăn quả, trong đó, có 200 ha trồng các loại cây sầu riêng, măng cụt, chôm chôm hơn 20 năm tuổi; du khách thỏa sức đi dạo, chụp ảnh lưu niệm trong vườn; lựa chọn những quả chín thơm ngọt để thưởng thức, với giá sỉ: 10 nghìn đồng/kg chôm chôm; 35 nghìn đồng/kg măng cụt; 40 nghìn đồng/kg sầu riêng… Nhiều khu vườn đón hàng trăm lượt khách vào ngày cuối tuần.
Cách đây khoảng tám năm, nhiều chủ nhà vườn thường mời bạn bè đến tham quan vào mùa thu hoạch, giới thiệu giống cây ăn quả có nguồn gốc từ các tỉnh miền tây, khi trồng trên vùng đất nắng đang cho năng suất và chất lượng vượt trội nhiều hơn. Nhờ đó, thu nhập tăng gấp ba lần so với trồng lúa, vườn tạp. Tiếp đó, nhiều người truyền miệng nhau về các loại quả chín thơm ngọt, cùng việc các chủ vườn đầu tư nuôi gà thả vườn, có nhiều sáng tạo trong chế biến món ẩm thực độc đáo, như “gà nấu với chôm chôm”; “gà ướp sầu riêng nướng”; “gỏi gà trộn với măng cụt”… Và, mô hình du lịch vườn bắt đầu hình thành, thu hút du khách thập phương từ năm 2012.
Năm 1990, anh Phan Hữu Thành ở xóm 4, thôn Lâm Hòa, xã Lâm Sơn bỏ nghề phụ xe vận tải chạy đường dài, vào miền tây mua giống về trồng trên chín sào đất vườn của gia đình. Giờ, anh đã mở rộng lên 2,3 ha với 120 cây măng cụt, 90 cây sầu riêng, 100 cây bưởi da xanh và 60 cây chôm chôm. Anh Thành cho biết, hằng năm, việc thu hoạch diễn ra trong mùa hè. Nếu biết cách quản lý, chăm sóc trong quá trình đón tiếp, phục vụ du khách, vườn cây không bị hư hại nhiều và sinh trưởng rất ổn định; mỗi mùa vụ mang lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng.
Lý giải vì sao vườn cây luôn xanh tốt, thoáng mát và thu hút đông du khách, anh Thành nói: “Tôi không thu 40 nghìn đồng/du khách khi vào tham quan như các chủ vườn khác. Nếu thu khoản tiền ấy, coi như đã chấp nhận cho du khách thoải mái hái quả để thưởng thức. Bằng cách “ăn xổi”, mỗi ngày, các chủ vườn có thể thu vài triệu đồng, nhưng hệ lụy là tình trạng du khách vô tư hái cả quả chưa chín hoặc leo trèo làm gãy nhiều nhánh cây đang trĩu quả, cho nên có nhiều vườn cây bị hư hại chỉ sau vài tuần, mất khả năng thu hút nhiều lượt khách tham quan tiếp theo”.
Du khách đến tham quan vườn cây ăn quả của anh Thành thường gọi điện thoại đặt chỗ trước vài ngày hoặc một tháng trước mùa thu hoạch. Mỗi ngày, anh Thành chỉ đón và phục vụ khoảng 50 du khách, chủ yếu là các gia đình hay nhóm bạn thân rủ nhau đi dã ngoại. Chính anh làm hướng dẫn viên đưa từng nhóm du khách đi tham quan. Bằng cách đánh dấu những cây có quả chín để du khách tự hái hoặc chính anh hái quả, nên chất lượng quả chín để phục vụ du khách luôn thơm ngọt. Nhờ vậy, vườn cây không bị hư hại, quả chín luôn nối tiếp nhau cho đến hết mùa vụ. Với cách làm này, anh Thành vừa phục vụ chu đáo du khách, vừa ít tốn công dọn vệ sinh, bảo đảm cây luôn khỏe, sinh trưởng ngày càng tốt hơn.
Chị Nguyễn Thị Hòa ở phường 8, TP Đà Lạt tâm sự: “Cứ đến mùa thu hoạch, gia đình tôi thường đến tham quan vườn cây của anh Thành theo lịch hẹn trước để thưởng thức các loại quả sầu riêng, măng cụt cũng như các món thịt gà nấu với các loại trái cây, rồi mới vượt đèo Ngoạn Mục về lại Đà Lạt”.
Năm 1992, ông Phan Đình Ba ở thôn Lâm Bình, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn chuyển 1 ha đất vườn tạp năng suất thấp và hay bị mất mùa sang trồng chôm chôm, măng cụt, sầu riêng. Hơn chục năm qua, mỗi năm, ông Ba thu về 150 triệu đồng. Nay, gia đình ông đã khấm khá, có điều kiện nuôi các con học đại học, nhiều năm liền được xã bình bầu là hộ điển hình sản xuất giỏi.
Từ hiệu quả kinh tế mang lại, xã Lâm Sơn có thêm 210 hộ chuyển đổi 236 ha trồng ngô, lúa sang trồng cây ăn quả được bảy năm tuổi, đang mang lại thu nhập cao gấp bốn đến năm lần so với trồng lúa, ngô. Nhờ đó, tỷ lệ thoát nghèo ngày càng nhiều. Tình trạng học sinh bỏ học đi làm thuê không còn nữa; đời sống người dân ngày càng nhộn nhịp, bộ mặt của xã cũng đổi thay nhiều.
Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn Trương Thành Quyền cho biết, mô hình du lịch vườn đã góp phần tích cực cải thiện đời sống của người dân. Xã đang định hướng cho nông dân mở rộng diện tích tại các thôn Lâm Bình, Lâm Hòa, Lâm Phú... bằng cách đầu tư cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả. Hiện tại, xã đã hoàn tất thủ tục xây dựng thương hiệu trái cây Lâm Sơn và phát triển mô hình du lịch vườn; tiếp tục xây dựng các tuyến giao thông liên thôn, phát triển du lịch vườn theo hướng an toàn, bền vững, giúp nông dân vươn lên làm giàu.
Từ năm 2011 đến nay, mô hình trồng nho gắn với du lịch vườn tại huyện Ninh Hải không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nho, mà còn mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế ở địa phương. Mô hình đang phát triển mạnh tại xã Vĩnh Hải; địa phương cũng hình thành các điểm kết nối giữa du lịch văn hóa gắn với sản phẩm đặc thù.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lưu Xuân Hải, xã Vĩnh Hải có hơn 180 ha trồng giống nho đỏ (cardinal) và giống nho NH01-48, với khoảng 400 nhà vườn. Mô hình trồng nho gắn với du lịch vườn vừa giúp nông dân nâng cao thu nhập, tiết kiệm chi phí quảng bá vẫn thu hút nhiều du khách.
Thăm vườn nho của gia đình ông Phạm Văn Thu ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, ông Thu chia sẻ, cây nho được một vài hộ dân ở vùng đất này trồng cách đây khoảng 20 năm, cùng với những loại cây trồng truyền thống như hành, tỏi, ớt… Sau vài mùa vụ, thấy lợi nhuận từ cây nho mang lại khá cao, nhiều người mở rộng diện tích trồng. Với hơn năm sào nho, mỗi năm gia đình ông có thu nhập hơn trăm triệu đồng.
Du khách đến tham quan được chủ vườn chiêu đãi miễn phí vài ly mật nho, rượu nho, ít mứt nho chế biến theo quy trình sạch; thỏa thích chụp ảnh và thích chùm nho nào cứ cắt xuống, chủ vườn cân trọng lượng, tính tiền. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hải Đăng cho biết: “Nông dân không còn bị tư thương ép giá thu mua như trước. Bà con biết cách tạo cảnh quan vườn nho khi có quả chín, chế biến các sản phẩm khác từ nho, được du khách rất ưa thích. Toàn xã đang tập trung sản xuất theo quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm nho, xây dựng thương hiệu nho an toàn”.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận Châu Thanh Hải đánh giá, mô hình phát triển du lịch vườn trồng cây ăn quả đang được nhân rộng trên toàn tỉnh. Ngành đã phối hợp các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác quảng bá, thông tin xúc tiến du lịch và tổ chức nhiều đợt tập huấn nghiệp vụ về kỹ năng thuyết trình, giới thiệu sản phẩm cũng như cách tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, ẩm thực khi đón tiếp du khách đến tham quan cho hơn 400 chủ vườn. Cùng với đó, đơn vị đẩy mạnh kết nối các tua du lịch giữa các vườn cây ăn quả với các trang trại nuôi dê, bò, cừu... để nâng tầm du lịch sinh thái, gắn với các sản phẩm đặc thù trong những năm tiếp theo.
Mô hình du lịch vườn đã và đang mang lại thu nhập cao hơn sản xuất nông nghiệp khác cho hàng nghìn hộ nông dân ở Ninh Thuận, cho thấy các vùng nông thôn của tỉnh đã tìm được hướng đi để vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng làng quê ngày càng trù phú. Kết quả này đã góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển các loại hình du lịch với tiềm năng lợi thế sẵn có mà Ninh Thuận đã đề ra trong tương lai.