Phát triển ngành bò sữa: Đất không, vốn không!

Vài năm gần đây, nhu cầu tiêu dùng sữa tăng cao đã đưa ngành nuôi bò sữa trở thành một ngành có thu nhập khá. Mục tiêu chiến lược của ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam là đến năm 2020 sản lượng sữa sẽ đạt hơn 1 triệu tấn/năm, gấp 3 lần so với năm 2011. Tuy vậy, quy hoạch của ngành này chưa đâu vào đâu.

Phát triển nhanh vẫn không kịp nhu cầu

Ông Trần Thế Xường, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng của ngành bò sữa nói riêng nhanh hơn ngành chăn nuôi nói chung. Năm 2008, Việt Nam có 100 nghìn bò sữa, sản lượng sữa đạt 200 nghìn tấn, đến năm 2015 mục tiêu là đàn bò đạt khoảng 300 nghìn con, sản lượng đạt 700 nghìn tấn. Đến năm 2020, dự kiến đàn bò sữa cả nước đạt 500 nghìn con, sản lượng sữa đạt hơn 1 triệu tấn.

Mộc Châu (Sơn La) là một trong những vùng có tỷ lệ tăng trưởng tổng đàn bò sữa lớn nhất cả nước. Mấy năm trước chỉ có 4 - 5 nghìn bò sữa, sản lượng sữa khoảng 10 nghìn tấn, nhưng với quy hoạch phát triển vùng và việc đưa tiến bộ KHKT vào chăn nuôi (phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng KHKT cấy phôi phân định giới tính, phối giống cho đàn bò bằng tinh phân định giới tính, kết quả đạt được bê cái chiếm tỷ lệ gần 90%) đã giúp tăng đàn nhanh.

Năm 2012, đàn bò sữa Mộc Châu đã đạt hơn 8.000 con. Mộc Châu đang thực hiện tốt chương trình phát triển mở rộng quy mô sản xuất theo hướng kết hợp giữa phát triển chăn nuôi hộ gia đình và trang trại tập trung với quy mô 500 - 1.000 con/trại. Kết quả cho thấy, mô hình trên đã phát huy tối đa hiệu quả về quản lý và phát triển. Với mô hình này, năm 2011 sản lượng sữa đạt 35 nghìn tấn. Trong kế hoạch 2015 - 2020, đàn bò sữa đạt 17 nghìn con vào năm 2015 và 30 nghìn con vào năm 2020, sản lượng sữa lên tới 150 nghìn tấn. “Năm 2012, Mộc Châu đạt gần 40 nghìn tấn sữa/tổng lượng sữa 350.000 tấn cả nước (đóng góp hơn 10%), nhưng đến 2015 - 2020 khu vực này sẽ đóng góp hơn 15% sản lượng sữa cả nước, góp phần lớn vào tăng trưởng ngành chăn nuôi nói chung, bò sữa nói riêng”, ông Trần Công Chiến, TGĐ Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu, cho biết.

Tuy nhiên, theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi VN, nguyên Phó chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, nhìn trên bình diện cả nước, thì ngành chăn nuôi bò sữa mới đáp ứng được 26% nhu cầu sữa, số còn lại phải nhập khẩu. Kim ngạch NK, chỉ tính riêng năm 2012, là gần 1 tỷ USD. Ông Vang cho biết, ngành chăn nuôi bò sữa trong những năm gần đây phát triển tương đối nhanh, với tỷ lệ tăng bình quân khoảng 19 - 20%/năm. Nhưng vì nhu cầu tiêu dùng trong nước quá lớn nên khoảng cách giữa nguồn cung sữa và các sản phẩm từ sữa trong nước so với nhu cầu thực tế ngày càng cách xa nhau.

“Bình quân tiêu thụ sữa ở Việt Nam mới đạt 14 lít/người/năm, kém xa so với các nước trên thế giới. Trong mục tiêu phát triển tầm vóc người Việt mới được Thủ tướng phê duyệt đã nhấn mạnh đến yêu cầu nâng chiều cao bình quân của người Việt thêm 4 - 5 cm trong thập kỷ tới, thì việc nâng cao sản lượng sữa và phát triển nhanh đàn bò cho sữa là điều kiện hàng đầu”, ông Vang cho hay.

Không một mét đất cho chăn nuôi

Một câu hỏi được đặt ra là, với tiềm năng lớn, nhiều vùng có điều kiện phát triển bò sữa, thì việc phải bỏ ra cả tỷ USD/năm để NK sữa và các sản phẩm từ sữa là không thể chấp nhận được.

Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, nước ta có 2 vùng có điều kiện phát triển bò sữa thuận lợi nhất là Lâm Đồng và Sơn La. Tuy nhiên, 2 vùng này hiện chưa được tập trung khai thác triệt để. Ngược lại, một số tỉnh, TP như Nghệ An, TP Hồ Chí Minh lại phát triển rất nhanh tổng đàn bò, điển hình là TH Milk và Vinamilk. Với hai địa phương trên, khí hậu là điều kiện không thuận lợi cho bò sữa. Vì thế, chi phí để tạo ra sản phẩm sữa lớn hơn các vùng khác. Tuy vậy, bù lại đầu ra thuận lợi với thị trường tiêu thụ rộng lớn, các chính sách về đất đai, vốn… được ưu đãi hơn, nên DN mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất. “Ví dụ việc TH Milk đầu tư bò sữa ở Nghệ An thì Nhà nước nên khuyến khích hơn nữa, bởi ở một vùng đất khó khăn như thế mà DN còn dám đầu tư. Tôi chưa đánh giá là họ lỗ hay lãi, bởi mới có 3 năm thì chưa thể biết được, nhưng việc làm của TH Milk là cần được ủng hộ”, ông Vang nói.

Một trong những rào cản lớn nhất trong việc phát triển ngành chăn nuôi nói chung, bò sữa nói riêng, là chính sách đất đai và vốn. Trong quy hoạch sử dụng đất đai của cả Bộ TN-TM và Bộ NN-PTNT không có một mét vuông đất nào cho chăn nuôi, ngoại trừ hơn 44 nghìn ha đất cho đồng cỏ. Với vốn cũng vậy, hầu hết các DN đầu tư cho ngành sữa đều khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng, lãi suất cũng không được ưu đãi, trừ một số DN như TH Milk vay được vốn ưu đãi của Israel. Như vậy, có thể thấy, đất cho làm chuồng trại, đất trồng cỏ, vốn cho đầu tư công nghệ và đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất đều không có.

“Theo Bộ NN-PTNT, mục tiêu của chiến lược phát triển chăn nuôi là cho tới năm 2020, Việt Nam đạt 500 nghìn con bò sữa và sản lượng sữa 1 triệu tấn. Hiện nay do sự khuyến khích của Nhà nước, có nhiều công ty đang đầu tư lớn vào sản xuất sữa… Một số vùng nuôi bò sữa mới cũng đang hình thành, như Nghệ An, được đầu tư lớn... Mục tiêu của chúng ta là sau năm 2020, sẽ chỉ nhập khẩu một lượng sữa bột nhất định để phục vụ cho sản xuất bánh kẹo…, còn cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sữa trong nước”. Nguồn: Bộ NN-PTNT

Ngoài ra, một khó khăn nữa phải kể đến là rào cản về thuế. Nếu như ở khu vực Đông Nam Á, thuế giá trị gia tăng đối với TĂCN cho bò sữa là 0% thì ở nước ta là 5%. Thuế giá trị gia tăng đánh vào các mặt hàng sữa cũng cao hơn khu vực 10%. Như vậy, vô hình trung, giá thành đầu vào đối với người chăn nuôi cũng cao hơn, và giá sữa thành phẩm cũng cao hơn.

Theo Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, ngành nông nghiệp nước ta hướng tới mục tiêu một triệu lít sữa, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng sữa của người dân. Nghề chăn nuôi bò sữa ở các tỉnh phía Bắc nói riêng và ngành bò sữa nói chung đang ổn định và phát triển bền vững. Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao khẳng định: Mục tiêu 500 nghìn con bò sữa vào năm 2020 là hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực nếu chúng ta thực hiện được những giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ cho ngành bò sữa.

Trước hết, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên dành quỹ đất cho phát triển chăn nuôi, từng địa phương cũng chú ý vấn đề quy hoạch đất đai chăn nuôi, trồng cỏ cho bò sữa.

Thứ hai, để chủ động hơn về nguồn con giống, Nhà nước cần tháo gỡ những trở ngại về hiệp định thú y với quốc tế, tạo điều kiện cho các công ty nhập bò sữa cao sản có năng suất, chất lượng tốt, khắc phục tình trạng luôn thiếu giống bò.

Thứ ba, tiếp tục hướng dẫn chăn nuôi an toàn theo quy trình GAP; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong việc chấp hành tốt quy trình sản xuất sữa, thực hiện cam kết theo hợp đồng với nhà máy chế biến…

Theo nongnghiep.vn