Phát triển nông nghiệp bền vững không thể thiếu dự báo thị trường
- Chủ nhật - 27/05/2018 01:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tình trạng bất cập trong dự báo thị trường nông sản đã được chính ngành Công Thương thừa nhận khi cho rằng, so với các sản phẩm công nghiệp, công tác dự báo thị trường nông sản chưa được như kỳ vọng.
Do thiếu thông tin sản xuất nông nghiệp nên đa số nông dân vẫn đang đi theo quy trình ngược. Thay vì tìm kiếm thông tin về thị trường rồi mới đầu tư sản xuất, thì họ lại sản xuất theo kiểu phong trào, nghe được giá rồi chờ thương lái thu mua khi đến vụ thu hoạch.
Không biết rõ nơi tiêu thụ, sản xuất theo phong trào nên điệp khúc “được mùa mất giá” diễn ra dai dẳng mà nông dân luôn là người chịu thiệt. Việc tiêu thụ nông sản của tỉnh cũng vẫn thực hiện theo phương thức giới thiệu những mặt hàng mình có, trong khi mặt hàng đó thị trường có cần không, cần bao nhiêu, thời điểm nào cần, tiêu chuẩn như nào thì lại không có đủ thông tin.
Nhiều năm qua, chính phủ và các bộ ngành liên quan đã nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề này và sớm có phương án tái cơ cấu, xử lý căn bản hơn trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt chú ý đến sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị hàng hóa.
Chú ý đến nâng cao các giải pháp, thu hút doanh nghiệp chế biến nông sản để xuất khẩu. Đặc biệt phải giải quyết cho được nút thắt là tích tụ ruộng đất cho sản xuất hàng hóa lớn.
Việc áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và sản xuất gắn với chuỗi giá trị, gắn kết tốt hơn với thị trường, nhiều sản phẩm giá trị có mặt ở những thị trường khó tính trên thế giới đã mở ra triển vọng tươi sáng cho nền nông nghiệp.
Tuy nhiên, sản xuất trong nông nghiệp còn mang tính tự phát theo phong trào mà chưa theo quy hoạch, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người nông dân còn nhiều vướng mắc, nhất là việc cùng cấp thông tin thị trường, quy hoạch và quản lý quy hoạch, tiếp cận tín dụng. Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đã đi đúng hướng và cần có tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới nhưng tình trạng thương lái của một số quốc gia, nhất là các nước láng giềng đã sử dụng các thủ thuật có những dấu hiệu tiêu cực nhằm phá hoại nền sản xuất nông nghiệp nước ta, gây bất ổn cho sản xuất nông nghiệp nước ta.
Sẽ không công bằng khi chúng ta cứ mãi đổ lỗi cho người nông dân là vì lợi ích trước mắt và đầu tư sản xuất tự phát, thiếu kế hoạch dẫn đến sản phẩm dư thừa, cung vượt cầu, sản xuất không gắn với thị trường, mà nên có một thái độ tích cực hơn là Chính phủ, chính quyền các cấp, ngành nông nghiệp cần phải thấy rõ và nhận lãnh trách nhiệm của mình trước nhân dân, là trung tâm định hướng, kết nối, hành động, dẫn dắt, hỗ trợ thiết thực cho người dân trong làm ăn kinh tế, không để mặc cho nông dân tự bươn chải vô định trong vòng luẩn quẩn này.
Công tác dự báo thị trường về nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản cần phải được triển khai sâu rộng hơn nữa. Các báo cáo số liệu liên quan đến thị trường tiêu thụ nông sản hiện nay không đồng nhất, bản thân nhu cầu thị trường nông sản cũng thay đổi liên tục nên rất khó dự đoán.
Công tác thông tin, dự báo thị trường đang thiếu nhiều dữ liệu thông tin căn bản về thị trường và các ngành hàng, chưa bố trí được ngân sách để thực hiện công tác thông tin, dự báo thị trường và chưa có cán bộ chuyên trách có năng lực chuyên môn nghiệp vụ theo dõi diễn biến, các biến động của thị trường để phân tích, dự báo thị trường nông sản trên địa bàn.
Dù được đánh giá là thị trường nông sản khó dự báo hơn thị trường công nghiệp rất nhiều, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy hoạch, thời tiết, khí hậu, dịch bệnh, năng suất.
Do đó, để hạn chế tình trạng “vỡ trận” một số sản phẩm nông nghiệp như thời gian qua, cần phải làm tốt hơn khâu thông tin thị trường và dự báo thị trường.
Với vai trò là cơ quan cung cấp thông tin về thị trường, trong thời gian tới, các bộ ngành cần tăng cường cùng doanh nghiệp, địa phương nắm bắt nguồn cung, kết hợp với các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại để tìm hiểu nhu cầu thị trường đối với các mặt hàng nông sản.
Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ để triển khai chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp một cách đồng bộ từ việc thông tin cụ thể về quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trong nông nghiệp, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ về tín dụng; tạo điều kiện cho người nông dân có đủ thông tin về quy hoạch, thị trường.
Ngoài việc cung cấp đầy đủ thông tin về dự báo thị trường, xây dựng quy hoạch sản xuất hợp lý, để các mặt hàng nông sản không còn cảnh “dội chợ”, chính người nông dân phải sớm thay đổi cung cách sản xuất.
Thay vì nuôi, trồng tự phát theo phong trào, nông dân phải tuân thủ quy hoạch, cũng như cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh tình trạng chạy theo sản lượng.
Theo Huyền Thu/congluan.vn