Tỉnh Bình Định là một trong những địa phương có diện tích mì nguyên liệu lớn tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, trong thời gian gần đây, diện tích mì trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng mạnh. Cụ thể, năm 2005, diện tích mì toàn tỉnh là 12.000ha, đến năm 2007 tăng lên 13.161ha, sang năm 2008 tiếp tục tăng lên 13.943ha; năm 2009 tăng cao nhất với 14.032ha; năm 2010 là 13.342ha; năm 2012 là 13.302ha. Diện tích mì hiện có đã vượt xa so với diện tích quy hoạch của tỉnh (quy hoạch 10.000 - 12.000ha mì).
|
Nguy cơ khủng hoảng thừa mì nguyên liệu tại nhà máy là rất cao nếu diện tích mì trồng ngoài quy hoạch ngày càng tăng trong những năm tới. Ảnh: Hoàng Nguyên. |
Theo lý giải người nông dân, nghề trồng mì khác với một số ngành trồng trọt khác không đòi hỏi quá nhiều về nguồn vốn, chi phí đầu tư để phát triển cây mì thấp, các khâu kỹ thuật chăm sóc mì lại khá đơn giản, dễ thực hiện. Trong khi đó, đầu ra và giá thu mua mì nguyên liệu đang khá thuận lợi nên nhiều bà con đã thay đổi chế độ mùa vụ, cơ cấu cây trồng.
Thậm chí, không ít nông dân tại một số địa phương trong tỉnh đang trồng bạch đàn, keo lai hay cây điều… thấy trồng mì có lãi nên đã đồng loạt chặt phá, đốn hạ cây để chuyển sang trồng mì. Cũng theo bà con, việc người dân ồ ạt phát triển mì nguyên liệu như hiện nay nguy cơ phá vỡ quy hoạch là rất cao, hậu quả lúc đó sẽ rất khó lường.
Để giảm thiểu thiệt hại cũng như ổn định lại vùng quy hoạch nguyên liệu mì trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định vừa đưa ra khuyến cáo về quy hoạch lại diện tích trồng mì và định hướng phát triển mì thâm canh bền vững trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo đó, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh chỉ phát triển diện tích mì ổn định ở mức từ 10.000 - 12.000ha. Trong đó, quy hoạch vùng trồng mì nguyên liệu thâm canh 4.400ha, phục vụ nguyên liệu cho Nhà máy Chế biến tinh bột sắn của tỉnh. Vùng nguyên liệu tập trung thâm canh được xây dựng trên địa bàn 21 xã, thuộc 3 huyện Phù Mỹ, Phù Cát và Tây Sơn, năng suất bình quân từ 35-40 tấn/ha. Giảm diện tích trồng mì trên đất nương rẫy, đất có độ dốc trên 150 để trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái…