Phó Cục trưởng Cục BVTV Ngô Tiến Dũng: Quản lý chặt khâu sản xuất và tiêu thụ

Phó Cục trưởng Cục BVTV Ngô Tiến Dũng: Quản lý chặt khâu sản xuất và tiêu thụ
Phát triển sản xuất rau an toàn (RAT) cung cấp cho thị trường Thủ đô không chỉ là mối quan tâm của thành phố Hà Nội mà còn là một trong những định hướng chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV).

Từ năm 2009, Hà Nội đã triển khai Đề án sản xuất và tiêu thụ RAT giai đoạn 2009 - 2015. Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện đề án trên?

- Đến nay, trên địa bàn TP đã hình thành các HTX sản xuất, tiêu thụ RAT và các mô hình quản lý RAT dựa vào cộng đồng. Ngoài ra, TP cũng rất quan tâm đưa kỹ thuật mới và chế phẩm sinh học vào sản xuất RAT, thay thuốc BVTV, đảm bảo chất lượng cho rau. Đồng thời, vận động doanh nghiệp bắt tay với nông dân để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Mặc dù vậy, kết quả triển khai của đề án vẫn chưa đạt như mong muốn. Nguyên nhân là do chúng ta chưa quản lý chặt sản xuất và đăng ký sản xuất an toàn với các hộ nông dân. Vai trò quản lý thuốc BVTV tại địa phương hầu như vẫn bị bỏ ngỏ. Ngoài ra, khâu quản lý thị trường tiêu thụ chưa tốt. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đã có các cửa hàng giới thiệu, bán RAT nhưng người dân vẫn đi mua rau ở nơi khác.

Có một thực tế hiện nay là RAT sản xuất ra bán với giá tương đương rau thông thường, thậm chí không bán được, trong khi người nông dân phải bỏ ra nhiều công sức hơn. Nguyên nhân của thực trạng này là do đâu, thưa ông?

- Nguyên nhân chính là do người tiêu dùng vẫn còn thói quen mua rau tại các chợ cóc, hàng bán rong. Ngoài ra, do chúng ta chưa quản lý chặt tại các chợ bán rau đầu mối, rau không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán tràn lan. Mặt khác, giá bán rau từ nơi sản xuất tới tay người tiêu dùng còn cao do phải qua nhiều khâu trung gian. Sự ách tắc trong quá trình lưu thông cũng làm đội giá sản phẩm...

Để đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ RAT trên địa bàn Hà Nội, cần những giải pháp gì, thưa ông?

- Trước hết, phải bắt buộc các hộ gia đình sản xuất RAT đăng ký sản xuất an toàn, cam kết đảm bảo chất lượng. Để làm được điều này phải tổ chức cho các hộ dân được tập huấn kỹ thuật và cấp chứng chỉ đủ điều kiện sản xuất RAT...

Trong 9 tháng đầu năm 2012, Chi cục BVTV Hà Nội đã lấy 450 mẫu rau để kiểm tra và phát hiện 21 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép, chiếm 4,7%. Ngoài ra, kết quả kiểm tra tại chợ đầu mối cho thấy có 8% số mẫu rau từ các tỉnh đưa về có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép.  

Thứ hai, quản lý tốt thị trường đầu ra tại các chợ. Rau muốn đưa vào các chợ phải rõ nguồn gốc, chứng minh được xuất xứ. Từ đó tạo môi trường buôn bán rau lành mạnh và đầu ra thuận lợi. Hai việc này làm càng sớm, chương trình sản xuất RAT càng sớm đạt được mục tiêu.

Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tổ chức phối hợp sản xuất, cung cấp rau quả an toàn giữa Hà Nội và các tỉnh. Chương trình này được triển khai đến đâu, thưa ông?

- Sản lượng rau của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, muốn có đủ sản phẩm RAT thì Hà Nội phải liên kết với các địa phương lân cận. Hiện nay, Cục BVTV đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội và 15 tỉnh phía Bắc bàn bạc, thống nhất nội dung, cách thức triển khai để tăng cường quản lý RAT theo chuỗi từ sản xuất tới bàn ăn. Về phần mình, Cục BVTV sẽ tiếp tục hỗ trợ liên kết với các tổ chức quốc tế để nâng cao năng lực sản xuất và giám sát an toàn thực phẩm trên rau.

Xin cảm ơn ông!

Theo ktdt.com.vn