Chiều 25/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã làm việc với tỉnh Hậu Giang về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế tập thể, sắp xếp các công ty nông, lâm trường.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng kinh tế của Hậu Giang vẫn còn khó khăn, số lượng doanh nghiệp còn ít, cần tập trung phát triển mạnh số lượng doanh nghiệp trong thời gian tới theo mục tiêu của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Hậu Giang tiếp tục quan tâm đầu tư phòng, chống ngập mặn, không để xảy ra tình trạng ngập mặn diện rộng như năm 2016.
Về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về phát triển kinh tế tập thể, Phó Thủ tướng đánh giá Hậu Giang đã phát triển mạnh mẽ các mô hình hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác trên địa bàn với các cách làm bài bản.
Tuy nhiên tại Hậu Giang, Phó Thủ tướng đề nghị địa phương quan tâm truyền thông về HTX kiểu mới dựa trên các lợi ích kinh tế và phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế hộ trong nền kinh tế thị trường mà không triệt tiêu vai trò của kinh tế hộ gia đình.
Ngoài ra, nhiều quy định mới trong Luật HTX sửa đổi đã và đang tạo ra sức bật mới cho hoạt động của HTX trong cả nước. “Từ thực trạng HTX hoạt động yếu kém, khi Trung ương ban hành nghị quyết thì nay cả nước đã có 60% tổng số HTX hoạt động hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói, đồng thời yêu cầu Hậu Giang tập trung thực hiện các Đề án phát triển 15.000 HTX hiệu quả vào năm 2020 và Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Chính phủ gắn với xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, Hậu Giang xác định HTX là hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, huy động nguồn lực để phát triển kinh tế, gia tăng giá trị sản phẩm, đóng góp vào thu nhập của khu vực kinh tế tập thể, đóng góp tích cực cho tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Trong điều kiện kinh tế khó khăn, các HTX vẫn duy trì tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ hỗ trợ thiết thực cho thành viên. Một số HTX mở rộng kinh doanh sang mô hình quản lý chợ đã đạt kết quả đáng kể, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ thành viên, thực hiện chung sức xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, Hậu Giang có 190 HTX đang hoạt động với 4.466 thành viên, 7.774 lao động; vốn hoạt động trên 139,461 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp: 149 HTX, chiếm 78,42% tổng số HTX với 3.341 thành viên, 5.871 lao động với số vốn 76,136 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Đồng Văn Thanh cho rằng các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX thiếu tính đồng bộ; các chính sách hỗ trợ HTX tuy nhiều nhưng chưa đủ mạnh, có nhiều điểm chưa phù hợp, thiếu những cơ chế, chính sách mang tính đột phá để hỗ trợ mạnh mẽ và thiết thực.
Một bộ phận người dân còn tâm lý lo ngại về mô hình HTX kiểu cũ, chưa hiểu biết đầy đủ về mô hình HTX mới, không muốn vào hoặc đã vào nhưng không tích cực tham gia góp vốn, ỷ lại và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Trên địa bàn tỉnh không còn các nông, lâm trường quốc doanh, do đã giải thể hoặc sắp xếp đổi mới; tỉnh hiện có 3 đơn vị chủ rừng do Nhà nước quản lý, với tổng diện tích 4.374 ha, vốn là các nông, lâm trường quốc doanh.
Các công ty nông, lâm nghiệp đã thực hiện chức năng bảo vệ và phát triển rừng, giữ vững diện tích rừng hiện có, góp phần gìn giữ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Theo kinhtenongthon.vn