Y tế thôn bản có vai trò rất quan trọng
Phó Thủ tướng đã trò chuyện, lắng nghe tâm tư của một số cộng tác viên y tế thôn bản. Chị H’lech cho biết thôn Wết nơi chị ở có 96 hộ, trung bình 2 ngày một lần chị đến các hộ gia đình để vận động, tuyên truyền các chương trình y tế, ghi chép thông tin sức khoẻ của người dân. Phụ cấp hằng tháng chị nhận được là hơn 600.000 đồng.
“Ở vùng sâu, vùng xa thì y tế thôn bản rất quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Bộ Y tế, địa phương cần có chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức y tế cho đội ngũ y tế thôn bản làm nòng cốt phổ biến các chính sách, chương trình y tế. Bên cạnh đó, cần bảo đảm chế độ, thu nhập để đội ngũ y tế thôn bản gắn bó với công việc”, Phó Thủ tướng nói.
Hiện nay trạm y tế xã Glar đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trên 9.400 người dân, sống tại 10 thôn bản, trong 98% là đồng bào dân tộc Bahna. Hằng năm, trạm khám, chữa bệnh cho trên 2.000 bệnh nhân, đồng thời triển khai các chương trình khám sàng lọc, thực hiện 2 lần/tuần bác sĩ ở trung tâm y tế huyện về khám cho người dân, luân chuyển bác sĩ dưới trạm lên huyện và ngược lại...
Đáng chú ý, hiện tỉ lệ người dân mua Bảo hiểm Y tế (BHYT) đạt khoảng 88%, đa phần là bảo hiểm tự nguyện.
Trạm trưởng Trạm Y tế xã Glar, bác sĩ Nay Blum mong muốn sẽ được giao nhiệm vụ quản lý bệnh nhân mãn tính như đái tháo đường, tim mạch, huyết áp... với phác đồ, thuốc điều trị tương đương các tuyến trên, “có như vậy người dân mới đến trạm nhiều hơn, bác sĩ cũng được làm việc nhiều hơn”.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến việc tin học hóa để giảm bớt gánh nặng cho cán bộ y tế xã, không thể để “có chục bệnh nhân đến khám mỗi ngày mà có hàng chục quyển sổ. Bộ Y tế phải có hướng dẫn thống nhất, tập huấn đồng loạt cho các trạm y tế xã”.
Cán bộ y tế xã có thêm thời gian thực hiện thêm nhiều công việc liên quan đến khám sàng lọc, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân, thậm chí đến từng hộ dân để nắm bắt tình trạng sức khoẻ cộng đồng.
Từ phản ánh của địa phương về một số bất cập trong áp dụng cứng nhắc quy định chuẩn quốc gia về y tế, Phó Thủ tướng cho rằng cần xem xét lại theo hướng quy định khung, có độ mở để địa phương áp dụng linh hoạt theo điều kiện cụ thể.
Bác sĩ Nay Blum cho biết thêm đồng bào dân tộc không quan niệm ngày nghỉ, thứ Bảy, Chủ nhật, nhưng cán bộ y tế xã khi khám, chữa bệnh cho người dân vào những ngày này thì không được BHYT thanh toán chi phí làm thêm giờ.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội cần khẩn trương phối hợp, bàn bạc, xử lý dứt điểm vấn đề này, bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh cho người dân, chế độ cho cán bộ y tế cơ sở.
Rà soát lại chính sách cán bộ y tế cơ sở
Báo cáo với Phó Thủ tướng trong cuộc làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Đoa, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Chính cho biết trên địa bàn huyện có trên 112.000 người dân, trong đó 57% là người dân tộc thiểu số, tỉ lệ người dân tham gia BHYT 87,2%. Hệ thống y tế chăm sóc sức khoẻ cho người dân gồm có một bệnh viện huyện, một ban y tế dự phòng, 15 trạm y tế xã, một trạm y tế thị trấn, một phòng khám đa khoa khu vực với 175 giường bệnh.
Theo bác sĩ Chính, hệ thống cơ sở vật chất đã cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Công tác tin học hoá được triển khai và đạt được một số kết quả bước đầu như thực hiện kết nối, chuyển dữ liệu thanh toán BHYT ngay trong ngày; áp dụng phần mềm quản lý bệnh không lây nhiễm, tiêm chủng mở rộng…
“Bên cạnh một số khó khăn về cơ sở, vật chất, Trung tâm Y tế huyện Đắk Đoa hiện đang thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn cao. Đội ngũ y tế thôn bản chưa được đào tạo theo chương trình chuẩn của Bộ Y tế, chế độ phụ cấp còn rất thấp. Công tác quản lý bệnh không lây nhiễm chưa được triển khai rộng và thường xuyên. Trung tâm y tế huyện vẫn chưa được hướng dẫn thanh toán chi trả gói dịch vụ y tế cơ bản thuộc lĩnh vực y tế dự phòng”, Bác sĩ Chính cho hay.
Trao đổi về một số kiến nghị của Trung tâm y tế huyện Đắk Đoa, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc quản lý bệnh không lây nhiễm, một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Bộ Y tế đã xây dựng hướng dẫn quản lý, điều trị dự phòng bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở. “Bệnh nhân có thể lên tuyến huyện khám và nhận thuốc, khám định kỳ tại trạm y tế xã”.
Bên cạnh đó, việc áp dụng phần mềm quản lý bệnh không lây nhiễm, tiêm chủng mở rộng sẽ tạo nền tảng để triển khai xây dựng hồ sơ sức khoẻ cho từng người dân.
“Định hướng ngân sách y tế sẽ có 40% dành cho y tế cơ sở, 30% dành cho y tế dự phòng. Tới đây Bộ Y tế sẽ rà soát lại chính sách đối với cán bộ y tế cơ sở, y tế thôn bản để có các chế độ tốt hơn cho anh chị em cả về thu nhập lẫn đào tạo, chuẩn hoá”, Thứ trưởng Long cam kết.
Quy định, hướng dẫn cần sát thực tế vùng sâu, vùng xa
Đồng tình với các đề xuất của địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành các danh mục kỹ thuật, y tế dự phòng để làm cơ sở cho các trạm y tế biết và thực hiện, địa phương bố trí nguồn lực, ngân sách. Đồng thời, tính đến đặc thù của công tác y tế dự phòng tại vùng sâu, vùng xa không chỉ là tiêm chủng, phòng dịch mà còn kiên trì tuyên tuyền, vận động bà con có những thói quen sinh hoạt, ăn uống có lợi cho sức khoẻ, chú trọng phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em.
“Chúng ta phải rất chú ý đến đội ngũ cán bộ y tế. Không thể đòi hỏi những địa phương như Gia Lai có ngay cán bộ y tế trình độ cao nhưng các đồng chí cần có chương trình đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ, cộng tác viên y tế là người địa phương. Không chỉ miễn học phí mà còn phải hỗ trợ kinh phí, thu nhập cho những đối tượng này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và đánh giá cao sự linh hoạt, chủ động của Trung tâm Y tế huyện Đắk Đoa trong thực hiện luân chuyển cán bộ y tế.
Điểm thứ ba Phó Thủ tướng nhắc nhở Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn khung về chuẩn quốc gia dành cho y tế cơ sở trên tinh thần rất đổi mới để các địa phương có cơ sở chủ động, sáng tạo.
Mặc dù tỉ lệ BHYT của Đắk Đoa đạt cao song Phó Thủ tướng cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa bởi “BHYT là nền tảng để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người dân”.
“Phải làm sao để bà con thấy đóng BHYT rồi thì nếu có bệnh sẽ yên tâm được phát hiện, điều trị sớm. Vừa rồi chúng ta đã có nhiều chính sách để y tế xã, y tế huyện có nhiều thuốc hơn, thực hiện được nhiều kỹ thuật hiện đại hơn, sắp tới sẽ phải thực hiện quyết liệt hơn nữa”.
Điểm cuối cùng Phó Thủ tướng mong muốn là việc thực hiện tin học hóa y tế cơ sở ở Đắk Đoa, ở Gia Lai cần xác định rõ hai mục tiêu lớn nhất. Thứ nhất là tin học hoá để khắc phục tình trạng mỗi trạm y tế xã đang quản lý tối thiểu 30-40 quyển sổ gắn với các chương trình y tế khác nhau.
Sau khi tin học hóa, các thông tin về sức khoẻ, bệnh tật của người dân sẽ làm cơ sở dữ liệu quan trọng để lập hồ sơ sức khoẻ, phân tích mô hình bệnh tật, tạo thuận lợi cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, triển khai y tế dự phòng cũng như thực hiện liên thông, chuyển tuyến.