Phủ xanh tường ngoài giúp cách nhiệt, giảm tiêu thụ năng lượng cho công trình
- Thứ năm - 04/06/2015 03:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo TS. KTS Trần Văn Sơn, bề mặt cứng của bê tông và kính làm tăng dòng chảy của nước mưa vào hệ thống thoát nước. Trong khi đó, cây giữ nước trên bề mặt lá của chúng lâu hơn VLXD. Các quy trình thoát hơi nước và bay hơi của lá cây bổ sung nước vào không khí. Quá trình này đem lại một bầu không khí dễ chịu hơn trong khu vực đô thị.
KTS Sơn cho biết: Giữa mặt tiền và các lớp màu xanh lá cây thẳng đứng dày đặc (cả loại cắm rễ vào đất và loại không cắm rễ vào đất) có một lớp không khí tĩnh. Lớp không khí tĩnh này có tác dụng cách nhiệt. Do đó mặt tiền xanh có vai trò như một lớp cách nhiệt thứ hai cho công trình.
Các thảm thực vật còn ngăn ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp lên mặt tiền công trình, đảm bảo cho nhiệt độ trong nhà thấp hơn bên ngoài. Vào mùa Đông, hệ thống này làm việc theo chiều ngược lại, bức xạ nhiệt của các bức tường bên ngoài bị ngăn bởi thảm thực vật xanh.
Ngoài ra, những tán lá dày đặc sẽ làm giảm tốc độ gió dọc theo mặt tiền, do đó cũng giúp những bức tường luôn mát.
Kết quả các nghiên cứu cho thấy, khi nhiệt độ không khí bên trong giảm 0,5 độ C sẽ làm giảm việc sử dụng điện cho điều hòa không khí lên đến 8%.
Tường xanh và mái sẽ làm giảm nhiệt độ không khí cục bộ theo hai cách khác nhau. Đầu tiên là bề mặt phủ xanh hấp thụ năng lượng nhiệt từ mặt trời ít hơn. Thứ hai, tường xanh và mái nhà sẽ làm mát không khí thông qua sự bốc hơi của nước.
Cũng theo KTS Sơn, bề mặt xanh với thảm thực vật để ngăn các bức xạ có thể làm giảm sự nóng lên của bề mặt cứng, đặc biệt là ở khu vực đô thị đông đúc.
Trong khu vực đô thị, tác động của sự thoát hơi nước và bóng cây sẽ làm giảm đáng kể lượng nhiệt có thể được tái bức xạ bởi mặt tiền công trình và các bề mặt cứng khác. Bên cạnh đó lớp thực vật xanh cũng sẽ làm giảm lượng ánh sáng tia cực tím chiếu vào VLXD.
Vì ánh sáng tia cực tím phá hoại VLXD và đặc tính cơ học của lớp phủ, sơn, nhựa… nên lớp thực vật có một tác dụng có lợi, tạo ảnh hưởng tốt đến chi phí bảo trì tòa nhà. Lớp phủ xanh càng dày thì hiệu quả càng cao.
Theo các chuyên gia, việc phủ xanh bề mặt công trình có tác dụng có lợi trên các tính chất cách nhiệt của các tòa nhà thông qua điều chỉnh nhiệt độ bên ngoài.
Giá trị cách nhiệt của bề mặt phủ xanh theo chiều dọc có thể được tăng lên bằng nhiều cách. Duy trì một lớp không khí bên trong tán lá cây, bề mặt tòa nhà sẽ được làm mát vào mùa Hè và ấm vào mùa Đông. Phủ thảm thực vật lên bề mặt công trình, cái nóng mùa Hè bị ngăn không cho tác động lên công trình và vào mùa Đông thì nhiệt bên trong bị ngăn chặn thoát ra ngoài, do gió làm giảm hiệu quả năng lượng của một tòa nhà tới 50%. Lớp phủ xanh sẽ hoạt động như một bộ đệm, ngăn gió không di chuyển dọc theo bề mặt công trình.
Nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Delft (Đức) nhằm phân loại những lợi ích nhiệt của mặt tiền phủ xanh hoặc các hệ thống trồng cây được thực hành trong điều kiện giới hạn cũng cho thấy: Các dữ liệu thu được có thể được sử dụng trong các công cụ kỹ thuật cho các KTS, chủ đầu tư… để tính toán sử dụng tường xanh như một lớp cách nhiệt bổ sung.
Dẫu vậy, các KTS cũng cho rằng, một mái nhà trồng cây góp phần vào sự cách nhiệt của một tòa nhà nhưng nó không thể thay thế lớp cách nhiệt.