Quản lý chất cấm trong chăn nuôi: Phải tạo chuyển biến từ thực tiễn

Quản lý chất cấm trong chăn nuôi: Phải tạo chuyển biến từ thực tiễn
Quản lý việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, các cơ sở giết mổ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là những vấn đề trọng tâm được bàn thảo tại cuộc họp về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 5/4, tại Hà Nội.

Theo nhận định của Bộ trưởng Cao Đức Phát, mức độ sử dụng chất cấm còn ở mức cao nhưng qua những biện pháp xử lý gần đây của các đơn vị chức năng cũng đã cho thấy một vài chuyển biến tích cực.

  Làm rõ mức độ vi phạm

  Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, sau khi phát hiện một số cơ sở sản xuất chăn nuôi ở Đồng Nai có sử dụng chất cấm, Cục đã yêu cầu các địa phương trên cả nước khẩn trương tổ chức các biện pháp quản lý và lấy mẫu kiểm tra, nhất là các chất thuộc nhóm Beta Agonist trong thức ăn chăn nuôi, nước tiểu lợn và sản phẩm chăn nuôi như thịt, gan lợn.

Theo báo cáo nhanh từ 9 phòng thí nghiệm gửi về Cục Chăn nuôi, kết quả phân tích chất cấm trong 3 tháng đầu năm cho thấy, đã phát hiện dương tính đối với 13/268 mẫu thức ăn chăn nuôi (chiếm 4,8%); 8/179 mẫu thịt, gan lợn (chiếm 4,4%) và 7/108 mẫu nước tiểu lợn (chiếm 6,4%). Cùng với đó, Cục Chăn nuôi cũng đã thành lập 2 đoàn kiểm tra lấy 90 mẫu tại 15 tỉnh miền Bắc và duyên hải Nam Trung Bộ, qua phân tích chỉ phát hiện có 3 mẫu dương tính tại Hòa Bình, Bắc Ninh và Hải Dương. Như vậy số lượng mẫu dương tính ở khu vực phía Bắc và duyên hải Nam Trung bộ là khá thấp.

“Tình hình sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta Agonist trong chăn nuôi có giảm và sát với mức độ thực tế. Tuy nhiên vẫn còn nhiều phức tạp và tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát trở lại, nhất là khi vấn đề này đã trở thành kế sinh nhai và làm giàu của một số đối tượng kinh doanh và chăn nuôi”, ông Nguyễn Xuân Dương nói. Ông Dương cũng cho biết thêm, đối với 11 cơ sở chăn nuôi vi phạm ở Đồng Nai đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý, trong khi tại 2 trại chăn nuôi vi phạm ở Bình Dương đã áp dụng mức phạt là 25 triệu đồng.

Liên quan tới việc 2/18 (chiếm hơn 11%) mẫu thuốc thú y có phát hiện dương tính với chất cấm, ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Cục Thú y khẳng định, Cục không cho phép loại thuốc có chất tạo nạc trong lĩnh vực thú y, nếu có thì là thuốc thú y giả, ngoài luồng và cần xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh vi phạm.

Mục tiêu là trị tận gốc

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, dù còn một số hạn chế nhưng các đơn vị đã làm rõ được tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để báo cáo Chính phủ và nhân dân được biết. Tuy nhiên, phân tích được mẫu dương tính rồi, thì phải truy xuất nguồn gốc ở đâu, ai buôn bán sử dụng chất cấm để xử lý tận gốc chứ không phải chỉ thống kế số liệu giải quyết phần ngọn. “Trong tháng 4, các đơn vị tiếp tục lấy mẫu kiểm tra làm cơ sở để truy lại những nơi đã vi phạm trong các tháng trước. Đảm bảo các vi phạm phải được khắc phục để tạo chuyển biến thật sự trong thực tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các đơn vị cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; hướng dẫn, kiểm tra cao độ trong thực tiễn đối với những vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm như: chất cấm trong chăn nuôi, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc kháng sinh và an toàn giết mổ. Đối với các cơ sở giết mổ cần chú trọng tới việc kiểm tra giám sát để việc phân loại cơ sở có hiệu quả, đối tượng cố tình vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định. Bộ trưởng cũng lưu ý Cục Thú y kiểm tra những các cơ sở kinh doanh buôn bán thuốc thú y để giải quyết triệt để tình trạng thuốc thú y có chứa chất tạo nạc.

Theo kiến nghị của ông Nguyễn Xuân Dương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan cần tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi ở tất cả các khâu từ nhập khẩu qua biên giới đến các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cơ sở chăn nuôi, giết mổ và buôn bán, chế biến thực phẩm./.

(Theo TTXVN)