Quản lý công trình thủy lợi: Tăng vai trò của nông dân

Quản lý công trình thủy lợi: Tăng vai trò của nông dân
Tại hội thảo về tổ chức quản lý thủy nông và đóng góp Dự thảo Đề án nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi (CTTL) do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 28/3, nhiều ý kiến đề xuất cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý CTTL. Đặc biệt, nhất thiết phải có sự tham gia của nông dân vào quản lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới (NTM).
 
Nhiều yếu kém
 
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), hiện nay, cả nước có 110 hệ thống thủy lợi lớn (diện tích phục vụ trên 2.000ha/hệ thống), hơn 10.000 trạm bơm lớn, 126.000km kênh mương các loại và hàng vạn công trình trên kênh. Tuy nhiên, hiệu quả bình quân của các hệ thống thủy lợi đều thấp hơn so với công suất thiết kế. Nhiều hệ thống kênh mương, nhất là kênh mương nội đồng chưa được hoàn thiện. Đến nay, chỉ có khoảng 33% chiều dài kênh mương được kiên cố hóa. 
 
 
 
Vận hành máy bơm tại Trạm bơm Thanh Điềm, huyện Mê Linh.Ảnh: Quang Thiện
 
 
 
Bà Nguyễn Thị Định, Giám đốc Sở NN&PTNT Tuyên Quang băn khoăn, hiện nay, toàn tỉnh mới kiên cố hóa được trên 2.000km kênh mương, đạt 60%. Nên đến nay, chiểu theo Bộ 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, hiện chỉ có 66% số xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí về thủy lợi. Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Trường Xuân, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV quản lý khai thác thủy lợi TP Hồ Chí Minh trăn trở: Tất cả các hệ thống thủy lợi đều áp dụng biện pháp tưới ngập, trong khi kênh mương nội đồng chưa hoàn chỉnh nên gây lãng phí nguồn nước nhưng hiệu quả sản xuất không cao.
 
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý CTTL (Tổng cục Thủy lợi) nhận định, nhiều CTTL đang xuống cấp nhanh do không được đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ CTTL còn diễn ra phổ biến như xây dựng công trình, nhà ở trên CTTL, xả thải không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường... Trong khi đó, việc xử lý của các địa phương còn thiếu kiên quyết. Đáng lo ngại, nhiều mô hình tổ chức quản lý thủy nông và CTTL đang bộc lộ nhiều yếu kém, lúng túng.
 
Đổi mới cơ chế quản lý
 
Theo Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, xã đạt chuẩn NTM phải có hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng được sản xuất, dân sinh và tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa đạt 50%. Trước yêu cầu đó, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Dự thảo Đề án nâng cao hiệu quả quản lý khai thác các hệ thống CTTL. Mục tiêu đến năm 2020, nâng hiệu suất sử dụng các CTTL đạt trên 80%, tăng 5% diện tích gieo trồng được tưới so với hiện nay, giảm 10% tiêu thụ năng lượng trên 1ha...
 
Để đạt được những mục tiêu trên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý hệ thống CTTL theo hướng tăng cường hình thức đặt hàng, đấu thầu, giảm cấp ngân sách trực tiếp cho các công ty thủy lợi. Đồng thời, tổ chức rà soát, tổ chức lại hoạt động của các tổ, HTX thủy nông, đảm bảo nguyên tắc xuất phát từ nguyện vọng và thu hút được sự tham gia của người nông dân. Đây là yêu cầu quan trọng của tiêu chí thủy lợi trong xây dựng NTM. Bộ NN&PTNT cũng đề xuất sửa đổi tiêu chí thủy lợi theo hướng "mềm dẻo" hơn về tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương cho các vùng miền.
 
TP Hà Nội hiện có 5 công ty thủy lợi quản lý 543 trạm bơm, 2.554 máy bơm, 1.872 tuyến kênh với chiều dài hơn 3.400km... phụ trách tưới tiêu cho khoảng 280.000ha. Ông Đào Quang Khải, Giám đốc Ban Quản lý dịch vụ thủy lợi Hà Nội cho biết, từ năm 2011, TP đã chuyển sang quản lý theo hình thức đặt hàng. Tuy nhiên, hiện nay mô hình tổ chức quản lý của nhiều công ty vẫn còn cồng kềnh, cần được tinh giản hơn để nâng cao hiệu quả...
 
 
Hiện nay, mô hình quản lý thủy lợi theo HTX ở Đồng bằng sông Hồng đang bộc lộ nhiều vấn đề yếu kém, lợi nhuận thấp nên nhân dân không tin tưởng tham gia. Chính vì vậy, cần đổi mới chế quản lý, giám sát để thu hút sự tham gia của người dân. - Ông Đào Ngọc Tuấn - Viện Quy hoạch thủy lợi  (Bộ NN&PTNT)
 
 
Thiên Tú
Theo ktdt.com.vn