Quản lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi: Vẫn còn kẽ hở

Quản lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi: Vẫn còn kẽ hở
Hiện nay, thị trường thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đa dạng nhiều loại sản phẩm khác nhau do các công ty trong và ngoài nước sản xuất. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi cho hoạt động chăn nuôi phát triển. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra vấn đề về tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi đối với các ngành chức năng.

Tìm hiểu về vấn đề kinh doanh thức ăn chăn nuôi, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh hàng hóa của các công ty có mặt lâu năm trên thị trường, xây dựng được thương hiệu, uy tín thì có không ít sản phẩm của các công ty nhỏ, sẵn sàng trộn lẫn nhiều chất phụ gia theo kiểu lập lờ để thu lợi. Hiện nay, nhiều hãng cám, nhất là những hãng nhỏ, chưa có thương hiệu trên thị trường thường có chiêu tặng kèm thêm một gói phụ gia để trộn vào cám cho lợn nhanh lớn, đẹp mã, dễ bán. Nếu người dân không có kiến thức, ham rẻ rất dễ dính mua phải các loại cám không đảm bảo chất lượng, có những chất phụ gia không nằm trong danh mục được phép dùng.

Trường hợp của gia đình anh Lương Thanh Đài, ở xóm Thanh Thế, xã Yên Đổ (Phú Lương) là một trong những ví dụ điển hình. Trang trại của gia đình anh thường xuyên nuôi trên 400 con lợn thịt. Tháng 4/2016, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra, phát hiện 3 mẫu nước tiểu đàn lợn của gia đình anh đều có tồn dư chất cấm Salbutamol vượt ngưỡng từ 20 - 30 lần cho phép. Anh Đài cho biết: Gia đình tôi chăn nuôi quy mô lớn nên có khá nhiều nhân viên tiếp thị của các hãng cám đến giới thiệu sản phẩm. Khi giao hàng, họ còn hướng dẫn tôi tự phối trộn để cho lợn ăn mau lớn, đẹp mã và cho uống nước điện giải để lợn giải nhiệt mùa hè. Tin tưởng nên tôi làm theo, không ngờ lại bị dính chất cấm. Gia đình tôi chăn nuôi nhiều năm nay, luôn giữ chữ tín với khách hàng để còn làm ăn lâu dài chứ không vì hám lợi trước mắt mà làm việc trái với lương tâm.

thuc-an-chan-nuoi

Lực lượng chức năng của tỉnh kiểm tra chất lượng cám do Công ty De Haus Việt Nam sản xuất.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thắng, chủ cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi ở xã Thanh Ninh (Phú Bình) cho biết: Nhà tôi hiện nay đang bán cám cho 2 hãng là Dabaco và Anco. Vậy nhưng hàng tuần đều có nhân viên tiếp thị của các công ty khác đến chào hàng, đề nghị tôi dừng bán cám của 2 công ty trên để bán hàng cho họ với mức hoa hồng cao hơn. Tuy vậy, nghe thông tin trên báo, đài có nói chất cấm trong cám, tôi chẳng biết thế nào nên cứ tin tưởng, chỉ bán cám của 2 công ty nói trên.

Theo khảo sát của chúng tôi, chủ cơ sở kinh doanh cám đa phần chỉ nhận nguyên bao từ các nhà máy đem về kinh doanh đơn thuần chứ không phối trộn các loại phụ gia vào thức ăn để bán. Các chất phụ gia trong cám thương phẩm bán trên thị trường hầu như đều nằm trong danh mục. Còn các loại phụ gia có chất cấm thường là do nhân viên thị trường “lén lút” bán lẻ tới tay người dân. Các chất phụ gia này thường được đóng gói nhỏ tầm 1 kg, không có nhãn mác, không có địa chỉ cơ sở sản xuất, ngày sản xuất. Chính điều này cũng gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi truy xuất nguồn gốc cám.

Trên thực tế, việc quản lý các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi hiện nay còn khá lỏng lẻo. Toàn tỉnh hiện có hàng trăm đại lý, cơ sở kinh doanh từ lớn đến nhỏ, từ thành phố đến các thôn, xóm ở vùng sâu, vùng xa. Việc kinh doanh thức ăn chăn nuôi không thuộc dạng kinh doanh có điều kiện; giấy phép kinh doanh do cơ quan quản lý cấp huyện, thành, thị cấp. Việc thanh, kiểm tra do lực lượng liên ngành địa phương thực hiện định kỳ, chủ yếu là xem có hoạt động đúng với giấy phép đăng ký kinh doanh không. Anh Trần Đình Bảy, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lương cho biết: Chúng tôi luôn tham gia đầy đủ vào các Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện nhưng để phát hiện cám có chất cấm hay không, chúng tôi không có đủ phương tiện, thiết bị để kiểm tra.

Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý vi phạm của các công ty thức ăn chăn nuôi còn rất hạn chế. Được biết, trong năm 2015, Thanh tra Sở NN&PTNT đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra 74 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, 20 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, lấy 41 mẫu thức ăn thức ăn chăn nuôi kiểm tra chất chính và chất cấm. Kết quả, có 4 mẫu thức ăn vi phạm, trong đó có 3 mẫu vi phạm về chất chính và 1 mẫu vi phạm có chất Salbutamol. Còn từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh cũng đã lấy 15 mẫu thức ăn chăn nuôi để phân tích định lượng, kết quả xét nghiệm có 13 mẫu thức ăn dương tính với chất Salbutamol. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, lực lượng chức năng mới chỉ xử phạt được 1 đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi là Công ty cổ phần Nam Việt, trụ sở tại phường Phố Cò (T.P Sông Công) do có các bao chứa chất tạo màu cho sản phẩm thức ăn hỗn hợp nhãn hiệu Natural Pigmet Leades do nước ngoài sản xuất đã hết hạn sử dụng với số tiền trên 36 triệu đồng.

Thiết nghĩ, để đảm bảo phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững, tỉnh cần có các biện pháp quản lý ngay từ khâu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là các chất phụ gia. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, nếu phát hiện vi phạm kiên quyết xử lý nghiêm. Cùng với đó, ngành chức năng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và người dân nâng cao ý thức, kiên quyết nói không với chất cấm; không ham rẻ, sử dụng các loại cám kém chất lượng hoặc tự phối trộn phụ gia do nhân viên tiếp thị hướng dẫn.

 
 

Khánh Thiện

Nguồn: Báo Thái Nguyên