Quan trắc môi trường: Vai trò thiết yếu

Quan trắc môi trường: Vai trò thiết yếu
Phát triển nuôi trồng thủy sản cần gắn với công tác quan trắc môi trường để có những cảnh báo sớm, giúp người nuôi có kế hoạch, chủ động trong công tác quản lý các yếu tố môi trường và phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả.
 

Quan trắc môi trường là một công cụ kiểm soát chất lượng môi trường nuôi thủy sản  Ảnh: Trần Út 

Vai trò

Hiện nay, tình trạng biến đổi khí hậu, El Nino và La Nina đang diễn biến ngày một phức tạp, thời tiết bất ổn thất thường gây ảnh hưởng đến động vật thủy sản. Ô nhiễm độc hại từ các khu định cư, khu công nghiệp, nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh và hệ quả của chúng sẽ thải ra nhiều chất thải gây nguy hiểm cho nuôi trồng thủy sản và cho cả sức khỏe của con người.

Quan trắc môi trường (QTMT) có vai trò đối với hệ thống quản lý môi trường: sản phẩm của quá trình quan trắc là các số liệu và thông tin về môi trường sẽ được các nhà quản lý môi trường kiểm tra, đánh giá, xem xét và trở thành căn cứ để đưa ra các biện pháp quản lý, quy hoạch, kế hoạch quản lý môi trường xũng như ngăn chặn, kiểm soát các vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường. PGS.TS Trang Sĩ Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang cho biết, tôm nuôi hiện nay ngày càng phát sinh nhiều bệnh nguy hiểm, chính vì vậy việc QTMT để ngăn chặn hiệu quả các loại dịch bệnh trên tôm là nhiệm vụ quan trọng quyết định đến đời sống của hàng vạn người nuôi trồng thủy sản (NTTS) và kim ngạch xuất khẩu. 

QTMT được hiểu là việc theo dõi một cách thường xuyên chất lượng môi trường với các trọng điểm, trọng tâm hợp lý để phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển môi trường bền vững

Các mục tiêu cụ thể của QTMT hướng đến gồm:

• Cung cấp đánh giá về diễn biến chất lượng của môi trường trên quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia, giúp cho việc xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường.

• Cung cấp đánh giá về diễn biến chất lượng của môi trường trên từng vùng trọng điểm được quan trắc, nhằm phục vụ các yêu cầu tức thời của các cấp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

• Cảnh báo kịp thời những diễn biến bất thường của môi trường hoặc nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường.

• Xây dựng lên cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường, phục vụ cho việc lưu trữ, cung cấp và trao đổi thông tin trong phạm vi quốc gia và phạm vi quốc tế.

• Đáp ứng yêu cầu công tác quản lý môi trường của các cơ quan Trung ương và địa phương.

Công tác thực hiện

Tổng cục Thủy sản cho biết, mạng lưới quan trắc môi trường thủy sản được hình thành dựa vào 4 trung tâm quan trắc tại các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, II, III và Viện Nghiên cứu Hải sản. Từ năm 2006 đến nay, hầu hết các tỉnh trọng điểm về NTTS đều đã có hoạt động QTMT do các Chi cục Thủy sản, Chi cục NTTS, Phòng NTTS hay Trung tâm giống Thủy sản quản lý, hình thành mạng lưới quan trắc môi trường NTTS, phục vụ chỉ đạo sản xuất có hiệu quả. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tham gia vào hoạt động quan trắc ở các Trung tâm đã được xây dựng và nâng cấp từ nhiều nguồn, dự án khác nhau. Nhân lực thực hiện quan trắc ở các Trung tâm được bổ sung, tập huấn, đào tạo để đáp ứng nhu cầu quan trắc. Một số địa phương đã xây dựng phòng thí nghiệm môi trường bệnh với đầy đủ trang thiết bị. Một số khác đã có những trang thiết bị QTMT cơ bản. Nhân lực quan trắc của các địa phương tuy là cán bộ kiêm nhiệm nhưng cũng tham gia công tác quan trắc môi trường NTTS nhiều năm nên cũng có nhiều kinh nghiệm.

Công tác QTMT đã thể hiện được vai trò trong phục vụ NTTS ở nhiều địa phương, nhất là những địa phương quan trắc đầu tư kinh phí cao với tuần suất quan trắc từ 1 tuần/lần, 2 tuần/lần và 1 tháng/lần tại nhiều vùng nuôi trọng điểm. Tại các địa phương để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, bảo vệ sản xuất nuôi tôm; vừa qua, UBND các tỉnh đã ban hành công văn về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất và phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi từ những con số mà công tác quan trắc, cảnh báo môi trường đưa ra.

Cơ chế xử lý, báo cáo

Đơn vị QTMT có trách nhiệm thực hiện quan trắc cần thu thập các thông tin NTTS, tình hình dịch bệnh động vật thủy sản và kết quả QTMT từ các bộ phận khác để đánh giá, tổng hợp và bổ sung kết quả QTMT.

Thực hiện đo, phân tích, tổng hợp, xử lý số liệu, báo cáo kết quả quan trắc và biên soạn bản tin quan trắc theo kế hoạch QTMT. Trong vòng 3 ngày kể từ khi thu mẫu, đơn vị QTMT phải gửi báo cáo và bản tin QTMT đến Chi cục Thủy sản.

Chi cục Thủy sản có trách nhiệm cung cấp thông tin hoạt động NTTS, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện của đơn vị QTMT; trong vòng 1 ngày kể từ khi nhận kết quả quan trắc, gửi báo cáo kết quả cho Tổng cục Thủy sản, cơ quan quản lý thủy sản cấp huyện, UBND xã vùng quan trắc và các đơn vị liên quan.

Khi phát hiện môi trường có diễn biến bất lợi hoặc có nguy cơ bất lợi cho sản xuất, NTTS tại một địa phương, đơn vị QTMT báo cáo ngay cho Chi cục Thủy sản ra quyết định cảnh báo và ứng phó kịp thời; đồng thời, báo cáo Tổng cục Thủy sản, thông báo cho Cục Thú y, Chi cục Thú y và các đơn vị liên quan phối hợp xử lý.

Chi cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, đơn vị QTMT thực hiện kế hoạch QTMT đã được phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra, triển khai các biện pháp khắc phục, báo cáo Tổng cục Thủy sản và các đơn vị liên quan kết quả QTMT của địa phương.

Chủ cơ sở NTTS theo dõi, giám sát môi trường tại cơ sở nuôi; ghi chép đầy đủ thông tin, số liệu thu thập, các biện pháp xử lý môi trường vượt ngưỡng cho phép theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản và đơn vị thực hiện quan trắc; cung cấp thông tin, số liệu về QTMT, phòng bệnh động vật thủy sản nuôi khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý triển khai thực hiện hoạt động QTMT kịp thời, hiệu quả.

Hiện đang trong thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến bất thường (đặc biệt là chênh lệch nhiệt độ, ôxy hòa tan ngày và đêm), kèm theo dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ tại vùng nuôi làm gia tăng tác nhân gây bệnh đốm trắng và hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính cho tôm nuôi, ngao (nghêu)… Để hạn chế tối đa thiệt hại do môi trường và dịch bệnh đối với tôm và ngao (nghêu), Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương ven biển triển khai nhiều giải pháp nhằm đạt hiệu quả vụ nuôi năm 2018.


>> Hiện nay, ngoài tôm nước lợ, các đối tượng nuôi khác như cá tra, nhuyễn thể hai mảnh vỏ (nghêu, sò) cũng đang phát triển khá mạnh nên nhu cầu về quản lý môi trường cũng cần được quan tâm. Mặt khác, hiện tượng nghêu, sò chết hàng năm cũng như dịch bệnh nghiêm trọng và phức tạp trên cá tra là những vấn đề đang đặt ra không chỉ cho người nuôi mà còn cho cả nhà quản lý.
Phương Đông/thủy sản việt nam