Quảng Nam: Nhà nông rủ nhau đi học tiếng Anh

Hàng chục nông dân ở các xã miền núi của huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đang hăng say với những buổi học tiếng Anh trong khi mùa vụ cũng đang khiến họ bận rộn không kém.

 

Dù đã bước qua tuổi trung niên, có người đã lên ông, lên bà, họ vẫn đang chuẩn bị cho mình hành trang tốt nhất cho kế hoạch đón du khách về nhà mình.

Phát âm bảng chữ cái - đó là bài học đầu tiên mà những người nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn, đầu tắt mặt tối ở vùng núi Mỹ Sơn, xã Duy Phú - nơi có khu di tích Mỹ Sơn - biết đến khi đi học tiếng Anh. Với người trẻ, học tiếng Anh đã khó, với những người nông dân đã qua cái tuổi trung niên, lần đầu tiên học ngoại ngữ lại càng khó bội phần.

Lớp học tiếng Anh cho nông dân vùng núi Mỹ Sơn.

Ở cái tuổi lên ông, lên bà, ai nấy đều ngọng nghịu với thứ ngôn ngữ mới, nhưng không ai nản chí. Trái lại, họ đã hăng say và miệt mài lắng nghe, miệt mài học, miệt mài phát âm ngay từ ngày đầu tiên vào lớp vì một quyết tâm duy nhất là học cho được tiếng Anh giao tiếp cơ bản. Bà Hồ Thị Mười - một trong những học viên cao tuổi nhất lớp phấn khởi nói:

“Lần đầu tiên tôi đi học lớp tiếng Anh, thấy lớp học rất bổ ích cho nhân dân vùng này làm du lịch, giao tiếp với nước ngoài trong làm ăn, buôn bán...”.

Còn học viên Trần Sáu thì có cảm nhận khác: “Tôi đi học thấy tiếng Anh rất khó, nhưng sẽ cố gắng vượt qua cái khó này để có điều kiện làm du lịch, phát triển kinh tế gia đình và cộng đồng...”.

Lớp học có hơn 30 người, đại diện cho 30 hộ nông dân của làng theo học. Đây là những hộ dân nằm trong dự án làng du lịch cộng đồng do Tổ chức Lao động thế giới phối hợp với Ban quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn triển khai. Không lâu nữa, sẽ có những đoàn du khách nước ngoài đến đây trải nghiệm tour homestay (du lịch lưu trú tại nhà dân). Họ phải biết tiếng Anh để giao tiếp với du khách ở nhà mình.

Ngoài tiếng Anh, bà con nông dân ở vùng núi Mỹ Sơn còn được trang bị kiến thức về kỹ năng kinh doanh, kiến thức về sơ cấp cứu, cứu hộ cứu nạn, phương thức làm du lịch cộng đồng...

Ông Nguyễn Công Hường- Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn cho biết: Lớp đầu tiên mới tổ chức được cho 30 người học, nhưng nhu cầu của bà con thì rất lớn. Trong tương lai, căn cứ vào thực tế việc khai thác du lịch cộng đồng ở đây, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng và dạy thêm, đáp ứng nhu cầu bà con...

Từ những bài học đầu tiên, chỉ sau vài tuần, những học viên nông dân lớn tuổi ở làng Mỹ Sơn đã bắt đầu quen với mặt chữ và phát âm tiếng Anh. Thầy giáo của lớp thì tin tưởng: Dù tiếp thu có chậm, lại còn nhanh quên nữa, nhưng tinh thần ham học của bà con sẽ giúp họ vượt qua trở ngại, có thể giao tiếp cơ bản được với du khách bằng tiếng Anh...

Theo danviet.vn