Quảng Ngãi phát triển gần 1.000 ha vùng chuyên canh sản xuất cây dược liệu

Quảng Ngãi phát triển gần 1.000 ha vùng chuyên canh sản xuất cây dược liệu
​Chủ tịch UBND tỉnh vừa phê duyệt kế hoạch​ phát triển các vùng chuyên canh sản xuất cây dược liệu có giá trị kinh tế cao trên địa bàn 06 huyện:Mộ Đức, Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng, Tây Trà và Sơn Tây.
 
 ​Theo kế hoạch, từ đến năm 2020, trên cơ sở xác lập vùng trồng cây gỗ lớn trong Quy hoạch rừng sản xuất và rừng phòng hộ được giao khoán cho các hộ dân theo Quyết định số 2480/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh sẽkết hợp trồng các loài cây dược liệu dưới tán rừng cây gỗ lớn và rừng tự nhiên.
 
Lập kế hoạch vùng trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng sinh thái mỗi địa phương như Quế, Đinh lăng, Gừng, Nghệ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, trồng thử nghiệm các loại cây dược liệu như: Ba kích, Đảng sâm, Sâm Ngọc Linh, Sa nhân để đánh giá chất lượng và khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại vùng trồng.
 
Dự kiến, tổng diện tích trồng các loại cây dược liệu đến năm 2020 khoảng 989,1 ha. Cụ thể,14,5 ha Đinh lăng, Kim tiền thảo, Gừng, Nghệ, Ba kích tại các xã Đức Lân, Đức Hòa, thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức); 15 ha Ba kích, Sa nhân tại các xã và thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ); 46,6 ha Đinh lăng, Ba kích ở xã Sơn Thành, Sơn Cao (Sơn Hà).
 
Phát triển 155 ha Đinh lăng, Gừng, Sả, Nghệ, Ba kích, Đảng sâm, Sâm Ngọc Linh, Quế tại các xã: Trà Bình, Trà Phú, Trà Sơn, Trà Thủy, Trà Lâm, Trà Giang, Trà Tân, Trà Bùi và thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng); 604 ha Gừng, Quế tại xã Trà Quân, Trà Lãnh, Trà Nham (Tây Trà); 154 ha Sa nhân, Ba kích, Đảng sâm, Nghệ, Gừng, Đinh lăng, Quế trên địa bàn xã: Sơn Lập, Sơn Long, Sơn Bua, Sơn Màu, Sơn Liên (Sơn Tây).
 
Định hướng đến năm 2025 tiếp tục mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục trồng thử nghiệm (Kim tiền thảo, Ba kích, Cà gai leo, Lô hội, Đảng sâm, Sa nhân, Sâm Ngọc Linh) và trồng cải tạo, bổ sung, thay thế diện tích cây dược liệu đã khai thác; duy trì, phát triển có hiệu quả diện tích cây dược liệu hiện có trên địa bàn tỉnh.
 
Xây dựng 1 - 2 vườn nhân giống cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, với quy mô đáp ứng khoảng15%-20% nhu cầu giống tại chỗ (tùy chủng loại); đồng thời, phát triển và quản lý hệ thống thu mua, chế biến, tiêu thụ. Cụ thể, xây dựng vườn ươm, nhân giống, với quy mô 1,0ha, tại xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà và quy mô 0,5ha, tại xã Trà Phong, huyện Tây Trà.

http://www.quangngai.gov.vn/Pages/qnp-quangngaiphattriengan1000-qnpnd-50508-qnpnc-94-qnpsite-1.html
 
Theo P.V/quangngai.gov.vn