Quanh chuyện gia hóa tôm tại Việt Nam
- Thứ bảy - 13/04/2013 08:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ nhu cầu thực tế...
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện cả nước có 1.529 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 185 cơ sở sản xuất giống TTCT (tập trung ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Cà Mau, Kiên Giang). Năm 2012, các cơ sở này sản xuất được hơn 37 tỷ con tôm sú giống và gần 30 tỷ TTCT giống, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thả nuôi của cả nước.
Gia hóa tôm bố mẹ cần có lộ trình cụ thể và quản lý chặt chẽ - Ảnh: Nam Anh
Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguồn giống tôm bố mẹ, đặc biệt là TTCT, phải nhập khẩu gần như hoàn toàn, với số lượng hàng năm tương đối lớn. Theo Tổng cục Thủy sản, để sản xuất đủ lượng tôm giống lớn trong nước, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 100.000 cặp tôm bố mẹ đạt tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, việc nhập khẩu tôm bố mẹ lại đối mặt với nhiều rủi ro. Tuy đều có chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định (sạch bệnh, có nguồn gốc xuất xứ...) từ Mỹ, Thái Lan, Singapore... nhưng trên thực tế chất lượng tôm bố mẹ vẫn rất khó kiểm soát. Hơn nữa, giá thành nhập khẩu cao và chênh lệch giữa các nguồn cung, dao động từ 26 đến 69 USD/con, dẫn tới việc các cơ sở sản xuất giống không chủ động được giá thành, giá bán tôm giống vì thế cũng biến động, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc phát triển của ngành tôm thiếu bền vững. Bởi theo nhiều nhận định, trong nuôi tôm, con giống quyết định ít nhất 50% thành công vụ nuôi. Do vậy, yêu cầu đặt ra của ngành là phấn đấu “tự cấp” con giống. Tuy nhiên trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, vấn đề này vẫn còn cần thêm thời gian.
... đến cơ sở thực tiễn
Theo ông Trương Hữu Thông - Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận: Gia hóa tôm là một vấn đề rất hệ trọng, vì trong nghề nuôi tôm, tôm giống quyết định đến hơn 50% thành công vụ nuôi. Việc gia hóa phải được thực hiện bài bản, theo một quy trình nghiêm ngặt và được giám sát chặt chẽ về nguồn gốc để tránh trùng huyết, lai chéo. Ở Việt Nam, gia hóa tôm đã rất cần thiết; tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa đủ điều kiện để thực hiện, nhất là chưa có một khu vực an toàn tuyệt đối với dịch bệnh. Ngay tại Mỹ, việc gia hóa tôm giống cũng gần như chỉ thực hiện ở đảo Hawaii, bởi nơi đây có đầy đủ các yếu tố cần thiết, như quy hoạch tách biệt với đất liền sẽ dễ cách ly và kiểm soát dịch bệnh. Do vậy, việc gia hóa của Công ty TNHH Việt - Úc vừa qua theo chủ trương thì không sai, nhưng cái sai của họ là không làm theo đúng quy trình pháp lý, không được cơ quan chức năng giám sát.
Còn theo ông Võ Hồng Ngoãn (Bạc Liêu), gia hóa tôm cần phải cẩn trọng, tôm bố mẹ phải có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh, bởi nếu không thì lượng con giống kém chất lượng xuất hiện và tràn ra ngoài, hậu quả sẽ vô cùng lớn. “Tôi nuôi tôm sú chứ không thả nuôi TTCT, nhưng tôi cũng muốn nói ý kiến của mình, vì tôi thấy mấy vụ vừa qua, người nuôi tôm “chết” nặng quá và tệ hại hơn là dịch bệnh trên tôm đã ảnh hưởng nặng nề đến môi trường”. Do vậy mà thực hiện gia hóa tôm cần có giải pháp, có lộ trình và phải minh bạch, chứ kiểu “tiền trảm hậu tấu” thì thật không ổn.
Tại hội nghị quản lý chất lượng tôm giống tổ chức tại Bạc Liêu tháng 11/2012, Tổng cục Thủy sản khẳng định: Bộ NN&PTN cho phép các doanh nghiệp tự tạo đàn bố mẹ TTCT phục vụ việc sản xuất tôm giống và cung cấp cho một số vùng theo đăng ký với cơ quan thẩm quyền để theo dõi hiệu quả nuôi thương phẩm. Quy mô sản xuất Tổng cục Thủy sản sẽ quyết định dựa trên kết quả theo dõi cho từng giai đoạn. Như vậy là không có việc cho phép tôm giống được sản xuất này bán tự do ra thị trường.
Theo nhiều người trong cuộc khẳng định, đến thời điểm này họ vẫn chưa nhìn thấy văn bản nào cho phép các đơn vị trong nước được gia hóa tôm giống bố mẹ thẻ chân trắng.
>> Theo Bộ NN&PTNT, đến năm 2015 sản xuất được lượng tôm bố mẹ thay thế nhập khẩu cho khoảng 30% tổng nhu cầu và nâng dần lên 70 - 80% trong giai đoạn 2015 - 2020. Nếu cơ sở tôm giống tự tạo được đàn tôm bố mẹ thì giá thành sản xuất giống sẽ giảm và giá tôm giống cũng giảm mạnh. |