Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Thu hồi đất như thế nào để giảm khiếu kiện?
- Thứ hai - 19/11/2012 20:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai 2003 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang, dự thảo lần này đặt ra các mục tiêu sau: Thứ nhất là đất phải được sử dụng hiệu quả hơn, việc 20.000ha đất đang bỏ trống hiện nay sẽ bàn phương án để xử lý. Thứ hai là trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, người dân có lợi hơn; hài hòa lợi ích giữa người có đất, Nhà nước và doanh nghiệp. Thứ ba là giảm khiếu kiện và tham nhũng về đất đai.
Giao quyền nhưng phải giám sát
Theo ĐB Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, là vấn đề rất lớn, liên quan đến tất cả các thành phần kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và liên quan đến tất cả các đối tượng là người già, người trẻ, người đã mất và người đang còn sống. Cho nên nó có một vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng vừa cấp bách, vừa cơ bản cả trước mắt và lâu dài. Theo ông Cự, cần phải có chế tài mạnh quy định nghiêm túc kiên quyết xử lý 4 cái sai hiện nay: một là sai quy hoạch, hai là cấp đất sai thẩm quyền, ba là sử dụng đất sai mục đích, bốn là gắn trách nhiệm của cấp xã, phường vào việc quản lý đất đai.
ĐBQH Võ Kim Cự (đoàn Hà Tĩnh) phát biểu thảo luận Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). |
Còn ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) xoáy vào những nút thắt trong giải quyết khiếu tố về đất đai. Ông cho rằng, việc bồi thường khi giải phóng mặt bằng không chỉ phải đảm bảo bảo tồn được tài sản cho người dân mà còn phải tính toán công bằng về sinh kế tương đương cho họ như trước khi phải di dời. Về nguyên tắc và phương pháp định giá đất tại Điều 98 Mục 2 Chương VIII. Theo quy định hiện hành, giá đất do Nhà nước quy định sát với giá thị trường, nhưng trên thực tế bảng giá đất công bố tại các địa phương chỉ bằng 30 - 60% giá thị trường. Mức cao nhất trong bảng giá đất Hà Nội và TP.HCM chỉ là 81 triệu đồng/1m2 cũng là mức tối đa trong khung giá đất của Chính phủ. Trong khi giá chuyển nhượng trên thị trường là vài trăm triệu đồng/1m2. Sự chênh lệch ấy cho thấy ngân sách nhà nước đã thất thu và tạo ra cảm nhận cho người bị thu hồi đất là một sự thiệt thòi quá mức. Vì vậy, khi dùng mức giá thấp này để tính toán bồi thường cho người dân thì thường bị phản ứng và khiếu kiện.
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng: “Vai trò của nhân dân và cơ quan dân cử còn chung chung, mờ nhạt và thiếu cơ chế cụ thể để thực hiện việc giám sát hữu hiệu, từ đó dẫn tới lạm quyền. Theo tôi, đây chính là nguyên nhân của tham nhũng, nguyên nhân của khiếu kiện về đất đai đã không ngừng gia tăng trong thời gian vừa qua”. ĐB Hùng kiến nghị: “Việc giao thẩm quyền thu hồi đất cho UBND các cấp vẫn thiếu một cơ chế giám sát chưa thể hiện được vai trò của chủ sở hữu, của nhân dân về đất đai. Theo tôi, cần quy định cơ chế giám sát ngay từ việc ra chủ trương thu hồi đất có đúng quy hoạch không? Có thực sự cần thiết không, có hiệu quả không và có khách quan không?”.
“Nóng” vấn đề thu hồi đất
Nhóm vấn đề về thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến. ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) nêu vấn đề, các dự án phát triển kinh tế xã hội mà doanh nghiệp phải tự bỏ chi phí giải phóng mặt bằng thì có được trừ lại tiền này vào tiền thuê đất hay không? Trong khi có khá nhiều ý kiến thống nhất với quan điểm không nên quy định nhà đầu tư tự thỏa thuận với dân để nhận chuyển nhượng đất, thì đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) có quan điểm mềm dẻo hơn: “Nên chăng, với dự án sử dụng đất có quy mô nhỏ và vừa, Luật nên cho phép nhà đầu tư tự thỏa thuận với dân, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng”. Lưu ý rằng một tỷ lệ lớn khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai phát sinh từ việc đo đạc, thống kê, ĐB Lù Thị Lừu (Lào Cai) đề nghị Dự luật bổ sung một điều về thẩm tra, giám sát kết quả đo đạc, thống kê trước khi chi trả đền bù.
ĐB Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) cũng thống nhất với ý kiến của nhiều ĐB phát biểu rằng, thu hồi đất cần phải phù hợp với tiến độ thi công dự án tránh để lãng phí. Đáng lưu ý, ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) đề nghị “dự luật xác định rõ hơn nữa khái niệm về các loại đất, tiến tới thiết lập quy chuẩn sử dụng đất thống nhất trên toàn quốc”.
Cần sự chia sẻ lợi ích nhân dân, Nhà nước và nhà đầu tư PV: Thảo luận tại hội trường, có nhiều ý kiến của ĐBQH dùng khái niệm trưng, trưng mua thay cho thu hồi đất, ông nghĩ gì về quan điểm này? ĐB Đinh Xuân Thảo: Ở đây, đối với đất đai, người chủ đích thực là toàn dân nhưng người đại diện hợp pháp cho người dân đó là Nhà nước. Đã có nhiều đại biểu cho rằng không nên dùng khái niệm thu hồi, khái niệm thu hồi chỉ dùng cho mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia. Còn đối với lợi ích kinh tế thì không nên dùng khái niệm thu hồi, nên dùng khái niệm trưng thu, trưng mua. Vấn đề đặt ra ở đây là không thể quy định như thế được, bởi lẽ bản chất ở đây là vấn đề sở hữu, Nhà nước thay mặt cho người dân coi như Nhà nước thay mặt cho người chủ sở hữu thì không thể nào chủ một tài sản lại giao cho người khác mượn, sử dụng mà lại thu về cho bản thân mình bằng hình thức trưng mua, trưng dụng. Mặc dù đất giao cho cá nhân, tập thể sử dụng lâu dài, kể cả như đất ở vẫn chỉ là có quyền sử dụng, không thể trưng mua, trưng dụng.
PV: Vậy theo ông nên dùng khái niệm nào cho hợp lý? ĐB Đinh Xuân Thảo: Thu hồi nhưng không thể trường hợp nào cũng như nhau. Có thể tách các loại thu hồi như: mang tính chất lợi ích quốc gia và lợi ích phát triển kinh tế phải có những mức giá khác nhau. Để theo nguyên tắc ba bên cùng có lợi: Nhà nước có lợi, nhân dân có lợi và nhà đầu tư có lợi. PV: Khái niệm đền bù “sát giá thị trường” theo ông đã thực sự hợp lý chưa? ĐB Đinh Xuân Thảo: Đây là vấn đề còn nhiều yếu tố tác động, nếu để Nhà nước đặt ra thì Nhà nước là người thay mặt cho “ông chủ” đi thu hồi, nếu định ra giá thì đương nhiên sẽ muốn có lợi hơn. Từ đây sẽ dẫn tới việc gây ra sự móc ngoặc giữa người được thu hồi và người đi thu hồi. Cần xác định mục đích thu hồi đất để làm gì, nên nói rõ và nên đưa ra đấu giá để từ đó hình thành sự chia sẻ về lợi ích giữa: người dân, Nhà nước và nhà đầu tư. PV: Xin cảm ơn ông! Anh Tuấn (thực hiện) |