Quy định kiểu “đánh úp”

Quy định kiểu “đánh úp”
Từ 3.9, nhiều cơ sở thu gom, kinh doanh trứng có thể phải... đóng cửa do các quy định mới về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong Thông tư số 34 của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn.

Nhiều hộ hết đường kiếm sống

Thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, trung bình mỗi năm nước ta sản xuất ra khoảng 4,1 tỷ quả trứng gia cầm các loại. Việc tiêu thụ số trứng gia cầm nói trên chủ yếu được thực hiện qua hệ thống thu gom nhỏ lẻ, rồi phân phối đến các chợ, cơ sở kinh doanh trứng.

Nếu thực hiện theo Thông tư 34, sẽ có nhiều cơ sở kinh doanh trứng phải đóng cửa

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), Bộ NNPTNT đã ban hành thông tư “Quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở thu gom, bảo quản và kinh doanh trứng gia cầm ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm” và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 3.9 tới.

Theo quy định của thông tư này, các cơ sở kinh doanh trứng gia cầm phải có địa điểm riêng biệt với khu dân cư, có thiết bị xử lý trứng, bảo quản trứng ở nhiệt độ lạnh thích hợp, thiết bị vệ sinh, xử lý chất thải…

Theo ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, việc ban hành Thông tư 34 là cần thiết, song những quy định cụ thể tại thông tư sẽ khó triển khai thực hiện vì tính khả thi không cao. “Cần phải có những ý kiến từ nhiều địa phương dựa trên điều kiện thực tế để những văn bản ban hành đi vào cuộc sống. Trước mắt cần xem xét lại những quy định để sớm có những điều chỉnh, bổ sung hợp lý”- ông Đăng cho biết.

Hữu thông

Trước thông tin này, nhiều hộ kinh doanh đã rất bất ngờ khi cho rằng, việc quy định này quá vội vàng, chưa có sự chuẩn bị trước. Ghi nhận của PV NTNN tại chợ Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) cho thấy, việc tổ chức kinh doanh buôn bán trứng ở đây hoàn toàn là thủ công. Cả chợ có hơn chục quầy kinh doanh trứng gà, vịt, hầu hết các quầy đều đựng trứng bằng khay trứng để bán (1 khay 30 quả), hộ ít có 5-6 khay, hộ nhiều 15 - 20 khay.

Bà Nguyễn Thị Khanh, ở số 14 Yên Phụ hơn 2 năm buôn bán trứng ở chợ, nói: “Nhà tôi mỗi ngày cả trứng gà, vịt chỉ bán được khoảng 8 khay, mỗi quả trứng chỉ lãi 150 - 200 đồng, nhưng còn phải chi tiền túi nylon, rồi trứng vỡ, hỏng. Giờ lại phải đầu tư thêm cái tủ làm lạnh mấy triệu đồng để bảo quản trứng vừa tốn, vừa không có chỗ để”.

Anh Hoàng Văn Hùng, một người bán trứng lâu năm ở chợ Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) lý giải: “Trứng là sản phẩm ít bị nhiễm bệnh, nhiễm khuẩn hơn các loại thực phẩm khác. Theo kinh nghiệm, trứng bảo quản ở điều kiện tự nhiên là tốt nhất, bởi nó không bị biến thể các chất dinh dưỡng trong quả trứng. Nếu các hộ mua ít quả về dùng để trong tủ lạnh, tủ mát thì được, chứ bán nhiều mà để trong tủ mát, vài ngày không bán hết là loãng lòng trứng và bị thối”.

Hệ thống phân phối sẽ sập?

Trước quy định mới này, Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh đã có cuộc họp để thông báo đến 77 cơ sở kinh doanh trứng trên địa bàn. Theo lãnh đạo Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh, nếu áp dụng theo các điều kiện trên thì cả thành phố chỉ có 5 cơ sở có thể đáp ứng yêu cầu. Trong đó, chỉ có 3 cơ sở là đạt 100% những tiêu chuẩn này, 72 cơ sở kinh doanh trứng gia cầm còn lại trên địa bàn phải đóng cửa, hoặc chuyển sang mô hình kinh doanh khác.

Mặc dù là một trong số ít cơ sở có đủ điều kiện kinh doanh trứng, song ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt thừa nhận: “Về sản lượng trứng cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh, 5 cơ sở còn lại, có thể đảm bảo được, nhưng về hệ thống phân phối, thì không thể hoàn thiện ngay được. Bởi mạng lưới chân rết của 72 cơ sở kinh doanh trứng đã phân phối đến từng ngõ ngách của thành phố, điều mà những nhà sản xuất trứng lớn như chúng tôi chưa thể hoàn thiện ngay được”.

Cũng theo ông Thiện, nếu bắt buộc các cơ sở kinh doanh trứng phải đóng cửa, người chịu thiệt đầu tiên sẽ là các trang trại nuôi gà đẻ trứng của nông dân TP. Hồ Chí Minh, cũng như các tỉnh lân cận. Bởi lẽ, các cơ sở xử lý trứng chủ yếu làm công tác thu gom trứng từ nông dân về xử lý và phân phối ra thị trường. Nếu họ đóng cửa, trứng cũng sẽ tắc đầu ra ngay lập tức. Do đó, theo ông Thiện, đảm bảo ATTP là đúng, nhưng chúng ta cần có lộ trình để thực hiện như phải tập huấn về vệ sinh ATTP trước, rồi mới nên triển khai.

Còn bà Nguyễn Thị Huân – Giám đốc Công ty TNHH trứng sạch Ba Huân cho biết: “Việc ra đời của Thông tư 34 về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở thu gom, bảo quản kinh doanh trứng gia cầm nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ những cơ sở làm ăn chân chính.

Bởi hiện có nhiều cơ sở kinh doanh, thu gom trứng chỉ làm theo phương thức thủ công, rửa trứng bằng xút, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng, nhưng vẫn gắn mác “trứng sạch”. Vì thế, theo tôi các cơ quan chức năng cần phải xử lý thích đáng những đơn vị làm ăn chụp giật, chứ không nên đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh trứng”.

Rất khó thực hiện quy định

So với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội hiện có hàng trăm cơ sở kinh doanh trứng, tiêu thụ hàng triệu quả trứng mỗi ngày. Do đó, theo TS Nguyễn Đức Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), trong điều kiện như ở nước ta hiện nay, việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh trứng ở ngoài chợ thực hiện theo thông tư này là rất khó. Bởi chúng ta không thể đủ lực lượng để giám sát hết các cơ sở này thực hiện đúng, đủ theo yêu cầu của quy định như ở Thông tư 34. “Tôi có trao đổi với lãnh đạo Cục Thú y- cơ quan soạn thảo Thông tư và được biết, ngành thú y sẽ phải thay đổi một số nội dung trong Thông tư 34 cho phù hợp” - TS Trọng nói.

Nguồn:danviet.vn