Quy định về thu phí qua đò, phà của Bộ Tài chính: Gánh nặng đè vai người nghèo

Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy… qua phà đều phải nộp phí. Đó là nội dung Thông tư 04/2013/BTC của Bộ Tài chính (Thông tư 04) vừa có hiệu lực. Tuy nhiên, thông tư này “quên” không đưa các đối tượng được miễn giảm phí cầu phà theo các điều luật, pháp lệnh khác.

 

Quên nhiều đối tượng

Thông tư 04 hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí qua phà quy định người nộp phí qua phà bao gồm người đi bộ, người điều khiển phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, phương tiện cơ giới đường bộ và các loại xe tương tự.

Mức thu cụ thể cho từng bến phà do Bộ Tài chính quyết định (đối với bến phà thuộc Trung ương quản lý) hoặc HĐND cấp tỉnh quyết định (đối với bến phà thuộc địa phương quản lý). Thông tư này cũng nói rõ: “Việc miễn, giảm phí qua phà được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Nghị định số 24/2006/NĐ-CP”.

Việc thu phí qua phà bỏ quên các đối tượng chính sách, học sinh gây nhiều bức xúc.

Tuy nhiên, khoản 6, Điều 1 chỉ quy định 9 loại xe được miễn phí qua phà mà không có quy định về các đối tượng được miễn phí. Như vậy, cơ quan thuế sẽ “mặc định” hiểu: Nếu người đi đò, phà là công an, cán bộ quân đội, đối tượng chính sách (người tàn tật, thương bệnh binh…) mà không đi 9 loại xe được quy định miễn phí thì sẽ không được miễn phí.

Khoản 6 điều 1, Nghị định 24 thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí quy định miễn phí sử dụng cầu, đường bộ, đò, phà đối với: Xe cứu thương, bao gồm cả các loại xe khác chở người bị tai nạn đến nơi cấp cứu; xe cứu hoả; xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp gồm: máy cày, máy bừa, máy xới, máy làm cỏ, máy tuốt lúa; xe hộ đê; xe làm nhiệm vụ khẩn cấp về chống lụt bão; xe chuyên dụng phục vụ quốc phòng, an ninh chở lực lượng vũ trang đang hành quân; xe, đoàn xe đưa tang; đoàn xe có xe hộ tống, dẫn đường...
Theo ông Nguyễn Văn Mách – chủ bến đò Tân Thành (nối cù lao Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ qua Lai Vung, Đồng Tháp) cho biết:

“Thương bệnh binh, người già… họ đi thường xuyên, thường chỉ đi bộ, xe đạp, xe máy… Nếu chỉ miễn cho 9 loại xe mà không miễn cho họ khi đi xe cá nhân thì họ sẽ rất thiệt thòi. Thực tế hiện nay, không riêng gì thương binh, đối với người già, người tàn tật, nhiều chủ đò như tôi cũng không lấy tiền.

Có trường hợp thương binh đi chân giả, mang giày, nếu phát hiện, chúng tôi vẫn chủ động không thu tiền đò. Họ ngồi ở trên làm chính sách, cứ nghĩ những đối tượng này không đi lại hay sao? Học sinh, thương binh, người già, người tàn tật… tiền đâu mà thu?”.

Tuy nhiên, ông Mách cũng rất lo lắng chuyện “thu phí” sẽ trở thành hiện thực vì cơ quan thuế cứ căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Tài chính để thu, trong khi các bến đò đều phải đấu giá để hoạt động. Nếu hội đồng đấu giá đưa “nguồn thu” này vào mức giá để đấu thì các chủ đò trước sau gì cũng phải tận thu học sinh, thương binh để có tiền nộp ngân sách.

Ông Nguyễn Thái Cử - Trưởng phòng Công Thương huyện Tân Hưng (Long An) cho biết, cả 15 bến đò hoạt động trên toàn huyện đều miễn phí đối với cán bộ công chức, thầy cô giáo và học sinh, chỉ thu phí vào ngày nghỉ, khi họ không đi công tác. Sau khi Thông tư 04 có hiệu lực, các bến đò vẫn chưa thu phí.

Gánh nặng đè người dân

Ông Trần Văn Trung, nhà ở Đồng Tháp cho biết, ngày nào vợ chồng ông và 2 đứa con cũng qua phà Cao Lãnh đi làm, đi học. Trong khi đó, hai đứa con ông ngoài học chính khóa còn học phụ đạo, học thêm, nếu bị thu phí mỗi ngày mất mấy chục ngàn đồng sẽ không kham nổi.

“Thu phí đò, phà của học sinh, cha mẹ nó chở nó đi học cũng bị thu. Cứ mỗi lượt qua phà là 6.000 đồng, mỗi ngày gia đình tôi tốn vài chục ngàn đồng, tiền đâu mà đóng!” – anh Trung nói.

“Hiện nay việc thu phí giao thông nói chung có nhiều bất công. Nếu Thông tư 04 của Bộ Tài chính không đề cập tới việc miễn, giảm phí qua cầu cho các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế như người tàn tật, trẻ nhỏ... là chưa thực sự đúng theo tinh thần của văn bản pháp luật quy định. Uỷ ban sẽ chịu thực hiện kiểm tra giám sát, đánh giá tác động để góp ý cho Bộ Tài chính nhằm điều chỉnh Thông tư 04 theo hướng hợp tình, hợp lý hơn".

Nhiều giáo viên ở vùng Đồng Tháp Mười (Long An) cho biết, đối với học sinh nghèo, các khoản thu đầu năm chỉ vài chục ngàn đồng có phụ huynh còn phải nợ lên nợ xuống vì không có tiền. Nay không bổ sung đối tượng được miễn phí đò sẽ đẻ ra việc thu phí, và đó sẽ là gánh nặng lên đầu nông dân nghèo.

Tại huyện Tân Hưng, Long An, nhiều năm nay các bến đò đều miễn phí với học sinh, sinh viên và cán bộ, công chức làm việc ở cấp xã, cấp huyện. Thậm chí, cán bộ công tác ở ấp cũng được miễn luôn tiền đò, bởi nếu thu thì tiền trợ cấp hàng tháng bảo đảm không đủ trả tiền đò.

Thầy Trần Ngọc Bảo - giáo viên Trường THCS Tân Hưng (huyện Tân Hưng, Long An) nói: “Học trò trường tôi nhiều em khó khăn lắm, 2.000 đồng để ăn xôi còn không có. Nay bày chuyện thu phí, chẳng khác nào kêu các em nghỉ học ở nhà cho sớm!”.

Hơn nữa, Việt Nam có hàng ngàn bến đò, phà nhỏ. Tại các bến đò, phà nhỏ, không có loại xe ô tô nào qua được mà chỉ có xe máy, xe đạp qua, nếu không miễn phí cho đối tượng, thì 100% người, xe qua phà phải nộp phí. Ông Nguyễn Văn Hoàng, lái đò qua sông Ngàn Phố (Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết: “Nhiều người đi đò tôi biết là học sinh, thương binh nên không lấy tiền, chúng tôi chỉ căn cứ vào họ là ai để miễn, chứ không căn cứ vào quy định của Nhà nước, hay quy định đi xe này, xe kia” - ông nói.

Thực tế, việc không quy định đối tượng nào được miễn phí khi qua phà (mà chỉ quy định xe nào được miễn phí) vô hình trung đã vi phạm nhiều điều luật khác như: Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em (miễn nhiều loại phí cho trẻ dưới 6 tuổi); Luật Người khuyết tật (Nghị định 28 hướng dẫn luật này còn quy định miễn, giảm cả phí tàu, xe, vé máy bay cho người tàn tật); Pháp lệnh Người có công (miễn nhiều loại phí cho thương, bệnh binh, người có công với cách mạng…).

Ông Nguyễn Duy Kiên - Trưởng phòng Chính sách 1 (Cục Người có công, Bộ LĐTBXH): Bộ Tài chính nên xem xét lại thông tư

Thực tế lâu nay không có quy định nào nói là miễn thuế qua cầu đường bộ cho thương bệnh binh, thế nhưng vì không có văn bản nào đề cập nên cũng không ai nói. Nhưng giờ, nếu Bộ Tài chính mặc định đối tượng này cũng phải nộp phí, lệ phí thì ắt sẽ tạo nên những phản ứng trái chiều từ người dân.

Xét về lý, chính sách của Nhà nước chỉ là mặt sàn chung, các địa phương phải tuỳ thuộc vào tình hình thực tế ở địa phương mình để có cách áp dụng cho phù hợp. Ví dụ, với những tỉnh, thành có điều kiện thì việc thực hiện chế độ chính sách cho người có công rất tốt. Kể cả thông tư có quy định hay không quy định thì các đối tượng này đều được ưu đãi. Vì thế việc quy định thu phí với tất cả phương tiện và đối tượng là phù hợp. Nếu xét về tình, việc thu phí với các đối tượng chính sách, đối tượng có công, trẻ em và người già là không thật hợp tình, cần phải bổ sung đối tượng này vào diện miễn giảm phí, nhất là phí đò, phà. Vì hiện nay, chúng ta đang có rất nhiều chế độ chính sách hỗ trợ các nhóm đối tượng này, vì thế không thể có chuyện thu phí với họ được.

Đối với người dân thôn quê, qua sông lụy đò đã là điều thiệt thòi bởi không có đường sá chạy băng băng như người thành thị. Chúng tôi qua đò, phà có mấy khi đi ô tô, toàn chạy xe máy, xe đạp, nếu không có quy định miễn, giảm cho các loại xe này, cho từng đối tượng người dân cụ thể thì chắc chẳng ai được hưởng ưu đãi miễn phí cầu phà.
Nông dân Nguyễn Văn Hùng (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, Long An)

Tôi là thương binh 2/4, bị viêm dây thần kinh ngoại biên nên rất khó đi lại, đi đâu cũng phải có người nhà chở đi, qua cầu, phà vẫn bị thu phí bình thường. Tôi nhận thấy, thương binh như tôi, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, miễn phí nhiều dịch vụ, vậy thì tại sao không miễn phí cầu phà để chúng tôi và gia đình đi lại thuận tiện hơn?

Ông Bùi Như Lạc - cựu chiến binh ở xã Đại Thịnh (Mê Linh, Hà Nội)