Quyết bảo vệ đất nông nghiệp, “trảm” dự án treo

Ngày 28/2, Bộ TN-MT đã tổ chức họp báo công bố kế hoạch triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và công bố những nội dung điều chỉnh, bổ sung cơ bản của Dự thảo luật.

Tăng hạn mức chuyển nhượng và thời hạn giao đất nông nghiệp

So với Luật Đất đai năm 2003, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể hóa chủ trương giữ đất nông nghiệp của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là đất trồng lúa.

Về thời hạn sử dụng đất, so với Luật Đất đai năm 2003, dự thảo luật quy định theo hướng điều chỉnh tăng thời hạn giao đất trong hạn mức sử dụng cho các hộ gia đình, cá nhân lên 50 năm đối với các loại đất nông nghiệp nhằm khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đất đai và yên tâm đầu tư SX. Quy mô sử dụng đất nông nghiệp cũng được dự thảo luật sửa đổi nhằm tạo điều kiện cho việc tích tụ ruộng đất phục vụ SX lớn. Theo đó, dự thảo quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân với mức tối đa tới 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân (Điều 125).

Đối với đất trồng lúa, dự thảo luật điều chỉnh nhằm tăng cường bảo vệ đất lúa, hạn chế tối đa việc chuyển đất lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp; hỗ trợ các vùng quy hoạch SX lúa có năng suất, chất lượng cao... Với các dự án lấy đất lúa, ngoài các quy định theo hướng tăng cường hỗ trợ đền bù, các chủ đầu tư buộc phải có phương án sử dụng lớp đất mặt và bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa đã bị mất.


Nông dân xã Lai Vu, Kim Thành, Hải Dương khai hoang KCN Tàu thủy Lai Vu - một “đại dự án treo” điển hình

Đối với đất rừng, dự thảo luật bổ sung theo hướng tăng cường hiệu quả sử dụng rừng và đảm bảo quyền sở hữu đất rừng của Nhà nước. Theo đó, dự thảo luật quy định Nhà nước chỉ giao đất rừng SX có rừng tự nhiên cho tổ chức quản lý - bảo vệ phát triển rừng, thay vì quy định Nhà nước cho thuê đất rừng như hiện hành.

Về việc thu hồi đất và bồi thường khi thu hồi đất, ngoài các quy định hiện hành, dự thảo luật bổ sung quy định căn cơ hơn theo hướng tăng cường quyền lợi cho người bị thu hồi đất nông nghiệp. Theo đó, dự thảo bổ sung chi tiết và chặt chẽ hơn quy định về nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp SX NN gồm hỗ trợ ổn định đời sống và SX, hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm mới...

Quyết “trảm” dự án treo

Trước tình trạng thu hồi đất tràn lan, tùy tiện, nhiều dự án treo gây lãng phí tài nguyên đất, đặc biệt là đất nông nghiệp trong những năm qua, dự thảo luật điều chỉnh, bổ sung theo hướng thắt chặt điều kiện đối với các dự án đầu tư. Theo đó, các dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà không đưa vào sử dụng trong vòng 12 tháng liên tiếp, hoặc tiến độ sử dụng chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án thì sẽ bị thu hồi.

Các “dự án treo” quá thời gian quy định cũng sẽ hết đường chuyển nhượng lòng vòng để trốn tránh bị thu hồi, khi dự thảo luật quy định rõ: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ được phép chấp thuận cho phép dự án chậm tiến độ một lần, và chậm tiến độ không quá 12 tháng. Điểm mới nữa, đó là các “dự án treo”, dự án vi phạm khi bị thu hồi, thì chủ đầu tư sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và tiền giá trị đầu tư tài sản trên đất, tài sản gắn liền với đất còn lại (khác với Luật Đất đai 2003 quy định: Chủ đầu tư được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và tiền giá trị đầu tư tài sản trên đất, tài sản gắn liền với đất còn lại khi bị thu hồi đất). Điều này có nghĩa, các “dự án treo” sẽ bị thu hồi thẳng tay mà không vấp phải rắc rối nào về tài chính với chủ đầu tư như hiện nay.

Về giá đất, tại cuộc họp báo hôm 28/2, ông Nguyễn Mạnh Hiển - Thứ trưởng Bộ TN-MT khẳng định: Dự thảo luật điều chỉnh theo hướng sát hơn với thị trường. Theo đó, khung giá đất các loại sẽ được Chính phủ quy định định kỳ 5 năm một lần. Khi giá đất thị trường tăng hoặc giảm trên 20% so với khung giá đất thì Chính phủ sẽ điều chỉnh lại khung giá đất.

Về nguyên tắc định giá và điều chỉnh giá đất, ông Hiển cho biết dự thảo luật sẽ điều chỉnh theo hướng sử dụng các phương pháp mà thế giới đang áp dụng, thường xuyên có sự cập nhật điều chỉnh. Việc điều chỉnh khung giá đất sẽ phải hài hòa với giá thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất.

Cũng về việc thu hồi đất, dự thảo luật quy định Nhà nước sẽ chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất để tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất “sạch”, sau đó mới giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư phát triển KT-XH. Quy định này sẽ giúp cho cơ quan nhà nước chủ động hơn trong việc giao đất, cho thuê đất, thay vì phải phụ thuộc theo kiểu “mượn trước” tiền thuê đất, tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư như trước đây.  

Tại cuộc họp hôm qua, Bộ TN-MT đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ bắt đầu tư ngày 1/2/2013 và kết thúc vào ngày 31/3/2013.

Toàn văn Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) hiện được đăng tải trên: Báo Nhân dân, báo Lao động, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, trang thông tin điện tử của Bộ TN-MT, Tổng cục Quản lí đất đai, trang thông tin điện tử của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến. Đối tượng lấy ý kiến đóng góp gồm: HĐND, UBND các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội; các DN, viện nghiên cứu, các tầng lớp nhân dân...

Các ý kiến đóng góp được lấy thông qua các hình thức gồm: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; thảo luận tại hội nghị, hội thảo; góp ý thông qua các báo, trang mạng nêu trên.

Trên cơ sở kết quả tổng hợp ý kiến nhân dân, Chính phủ sẽ tiếp thu, chính lý hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và sẽ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII.

 
Theo nongnghiep.vn