Rác thải nông thôn, bài toán cần tìm lời giải?

Rác thải nông thôn, bài toán cần tìm lời giải?
Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu mét khối nước thải và khoảng 7.500 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhưng hầu hết các địa phương vẫn loay hoay trong tình trạng… chưa biết xử lý cách nào (?!)

Việt Nam hiện có trên 60 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm hơn 73% dân số. Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu mét khối nước thải và khoảng 7.500 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhưng hầu hết các địa phương vẫn loay hoay trong tình trạng… chưa biết xử lý cách nào (?!)

Bài 1. Vệ sinh môi trường: Vấn đề nhức nhối

Việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn còn gặp nhiều khó khăn như: Chưa có chính sách hỗ trợ các hoạt động quản lý chất thải; tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn chưa đủ năng lực để giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề quản lý chất thải… Do đó, rất khó xử lý dứt điểm vấn đề rác thải. 

tr14.jpg
Nước rỉ rác từ nhà máy xử lý rác thải Bến Tre thấm qua các mương vườn gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu.
 

Thiếu khu xử lý

Mặc dù 100% số xã, thị trấn đã thành lập hợp tác xã vệ sinh môi trường, tổ, đội tham gia thu gom rác thải và tổ chức thu gom rác thải định kỳ; huyện cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc các địa phương thực hiện công tác thu gom xử lý rác thải, song mỗi ngày Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) vẫn có 126 tấn chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn phát sinh. Trong khi đó, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn trung bình cả huyện mới chỉ đạt khoảng 82,5%.

Thị trấn Thổ Tang, một trong những trung tâm phân phối hàng hóa nông sản lớn ở khu vực miền Bắc, trung bình mỗi ngày có khoảng 14-15 tấn rác thải từ kinh doanh và sinh hoạt thải ra môi trường. Trong khi đó,  thị trấn mới được đầu tư 1 lò xử lý rác, trung bình mỗi ngày chỉ đốt được hơn 50% lượng rác được thu gom, khoảng 8 tấn; số rác thải còn lại được địa phương phun thuốc khử trùng và cho máy thu gom lại một chỗ khiến rác thải chất cao như núi, để lâu ngày bốc mùi hôi tanh, ruồi nhặng bu đầy, không khí nơi đây luôn ngột ngạt, khó chịu. 

Vì chưa có điểm tập kết rác quy mô lớn, với hơn 30 bãi rác thải có quy mô nhỏ (300 - 2.000m2), hầu hết đều trong tình trạng quá tải lại được chôn lấp khá thủ công, thô sơ, chưa đảm bảo các quy định, yêu cầu về bảo vệ môi trường nên công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn.

Nằm sát Tỉnh lộ 304 giao với Quốc lộ 2C, lò đốt rác tập trung xã Đồng Văn (Yên Lạc - Vĩnh Phúc) rộng hơn 2.000m2, được xây dựng từ năm 2015. Ngoài nhiệm vụ thu gom rác thải sinh hoạt của gần 3.200 hộ dân, lò đốt rác còn phải nhận một số lượng lớn rác thải công nghiệp của các hộ kinh doanh phế liệu, “mổ” máy móc công trình đã qua sử dụng.

Bà Ngô Thị Kim Thêu, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Lạc, cho biết, toàn huyện có 65 bãi xử lý rác thải đang hoạt động với diện tích gần 60.000m2, trong đó có 9 lò đốt tác thải sinh hoạt bằng khí tự nhiên. Tuy nhiên, các bãi rác chủ yếu xử lý bằng phương thức đốt, chôn lấp lộ thiên chưa đảm bảo theo đúng quy định của Bộ Xây dựng. Hiện, mỗi ngày đêm trên địa bàn huyện có khoảng 130 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tại bãi rác phố Nối – phố Bần, thuộc thị trấn Bần Yên Nhân  (Mỹ Hào - Hưng Yên) cũng vậy, mặc dù chính quyền địa phương đã vào cuộc để xử lý vấn đề ô nhiễm và ngăn chặn các hành vi đổ trộm, đốt rác tại đây, tuy nhiên, với lượng rác quá tải hằng ngày được thu gom từ các nơi về, thì ngày ngày, người dân sinh sống ở gần khu vực này vẫn phải sống chung với những loại mùi không mấy dễ chịu.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường và Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Hưng Yên, trên địa bàn tỉnh hiện có 512 điểm tập kết tạm thời và bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt; 3 khu xử lý chất thải tập trung.

Trong hoạt động vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, đa số các địa phương tự thành lập các tổ vệ sinh đi thu gom từ các hộ dân đến điểm tập kết đã được quy hoạch và thuê Công ty cổ phần Môi trường đô thị Urenco 11 thu gom, xử lý. Tuy nhiên, với lượng rác phát thải trên địa bàn toàn tỉnh trung bình vào khoảng 500 tấn/ngày đêm thì hiện nay, nhiều bãi rác đã rơi vào tình trạng quá tải, thậm chí là ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Phát sinh 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt

Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu mét khối nước thải và khoảng 7.500 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Hiện, sự phát triển các khu đô thị và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại khu vực nông thôn hay các vùng lân cận đã làm giảm diện tích đất trồng trọt, thay đổi đáng kể diện mạo mô hình nông thôn truyền thống.

Trong trồng trọt, việc sử dụng ngày càng tăng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học đang ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Đối với cây lúa, hàm lượng sử dụng phân lân và kali khá cao (gấp trên 6 lần so với mức khuyến cáo). Trong khi đó, quá trình hấp thụ phân bón trong trồng trọt cho thấy, hầu hết các cây trồng chỉ hấp thụ được khoảng 40-50% lượng phân bón. Do vậy, việc không kiểm soát được dư lượng phân bón hóa học đã ảnh hưởng không nhỏ gây ô nhiễm nguồn nước, phú dưỡng hóa môi trường thủy sinh và làm thoái hóa môi trường đất. 

Việc thâm canh mùa vụ làm tăng nhanh khối lượng phế phụ phẩm sau thu hoạch như rơm, rạ, trấu, cám, lõi ngô. Ví dụ như Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích canh tác lớn (7,5 triệu hecta đất chuyên canh trồng lúa), ước tính chất thải nông nghiệp là rơm, rạ hàng năm lên tới 76 triệu tấn. Biện pháp xử lý đối với loại chất thải này hiện nay chủ yếu là đốt ngoài  đồng ruộng, tạo nên các luồng khói chứa CO, CO2, NOx, bụi mịn, Aldehyt… ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí.

Về chăn nuôi, cả nước có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung, hoạt động chăn nuôi chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Cùng với sự gia tăng đàn và số lượng vật nuôi thì tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi ngày càng tăng. 

Các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, một số địa phương đã đẩy mạnh việc thành lập đơn vị thu gom rác sinh hoạt sinh hoạt. Hiện, có  hơn 40% số thôn, xã hình thành các tổ thu gom rác tự quản thu gom rác trong khu dân cư, vận chuyển đến địa điểm tập kết, sau đó doanh nghiệp thu gom vận chuyển về khu xử lý tập trung của huyện, thành phố. Tuy nhiên, hiện chưa có chính sách hỗ trợ cho các hoạt động quản lý chất thải nông thôn.

Việc thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền địa phương. Công tác quy hoạch, lựa chọn điểm chôn lấp rác chưa hợp lý, gây tốn kém quỹ đất; công nghệ lò đốt chưa phù hợp; kinh phí hoạt động cho công tác bảo vệ môi trường còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Nhận thức của người dân tại các khu vực nông thôn về vấn đề môi trường chưa cao, nhất là việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, xả rác thải không đúng nơi quy định và chưa tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường tại khu vực mình sinh sống.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, cả nước có gần 5.000 nhà máy chế biến nông sản thực phẩm với quy mô công nghiệp, còn lại là các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm do tư nhân làm chủ.

Hàng năm, các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm thải vào môi trường với khối lượng khá lớn chất thải ở cả 3 dạng rắn, lỏng và khí. Đặc trưng chất thải rắn của các cơ sở này là chất hữu cơ phân hủy và bốc mùi hôi thối ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn. Tính riêng trong sản xuất đường, mỗi năm dư thừa khoảng 1 triệu tấn bã mía và 600.000 tấn rỉ mật.

Bài 2. Hiểm họa từ rác thải nhựa

Theo Vân Nhi/kinhtenongthon.vn