Rau cần VietGAP sang Hàn Quốc làm kim chi

Với ưu điểm đầu tư thấp, lợi nhuận cao, đầu ra ổn định, xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã xây dựng thành công thương hiệu “Rau cần Hoàng Lương”. Rau cần ở đây được sản xuất theo quy trình VietGAP và đã xuất khẩu sang Hàn Quốc.

rau can vietgap sang han quoc lam kim chi hinh anh 1
Anh Nguyễn Văn Tự, thôn Thanh Lâm, xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa, Bắc Giang) vui vẻ khi mô hình cá – cần thu một vốn 4-5 lời.  Ảnh:  V.T

Ông Nguyễn Văn Quế – Chủ tịch UBND xã Hoàng Lương nói: “Năm nay bà con làm mô hình cá – cần đón… Tết sớm”. Mô hình cá – cần ở xã có từ 20 năm nay, chỉ 10 năm gần đây mới thực sự phát triển thành mô hình điểm của huyện, tỉnh cả về quy mô, hiệu quả kinh tế. “Cách đây 10 năm, rau cần được du nhập về, lúc đầu chỉ vài sào, thấy trồng dễ và tiêu thụ thuận lợi, lợi nhuận gấp 4–5 lần trồng lúa, bà con nhân lên vài mẫu và hiện giờ cả xã có gần 200ha, đạt 500 triệu đồng/ha/năm”– ông Quế cho biết.

Xếp những bó rau cần xanh mướt, cuống trắng nõn lên xe máy đi tiêu thụ, anh Nguyễn Văn Tự (thôn Thanh Lâm) - đang trồng 1,3 mẫu cho biết, anh gắn với cây rau cần gần 10 năm nay nhưng chưa bao giờ rau cần lại được giá như hiện nay: “Giá cần bán  tại ruộng 12.000 đồng/kg, trung bình 1,5 tấn/sào, 1 vụ cá đạt 60–70 triệu đồng/năm/sào. Hiện tôi thầu 2,5 triệu đồng/sào/năm, cộng với các chi phí khác khoảng 10 triệu đồng, như vậy chẳng 1 vốn… 4 lời là gì”.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, tháng 5.2013, UBND huyện Hiệp Hòa thành lập “Hội sản xuất và tiêu thụ rau cần” và ông được bầu làm chủ tịch hội. Lúc đầu Hội có 128 hộ, với 248 thửa ruộng (120ha), được sản xuất theo quy trình an toàn, VietGAP. Đầu năm 2014, rau cần Hoàng Lương đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, với thương hiệu “Rau cần Hoàng Lương”.

Ông Dũng cho biết, năm ngoái 1 doanh nghiệp đã xuất 2 container sang Hàn Quốc làm kim chi- bước khởi đầu để đối tác thử hàng. “Đã có một số doanh nghiệp Hàn Quốc sang đặt vấn đề để khảo sát chất đất, khí hậu, nguồn nước và chất lượng rau cần để hợp tác sản xuất, tiêu thụ. Chủ trương của huyện là đẩy mạnh phát triển mô hình cá – cần, theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, hướng đến cánh đồng 1 tỷ đồng/ha/năm. Khi sản phẩm có chất lượng tốt sẽ có thị trường xuất khẩu”– ông Dũng nhấn mạnh.

Hiện ở Hoàng Lương có hàng chục đại lý thu mua rau cần, mỗi ngày xã cung cấp khoảng 40 tấn rau; mùa lạnh nhu cầu ăn lẩu nhiều, có ngày tiêu thụ đến 60 tấn cần.
Ông Ngô Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho hay, hàng năm xã, huyện tổ chức tập huấn về quy trình sản xuất rau an toàn, VietGAP. Mỗi năm xã chi 100 triệu đồng cho công tác đào tạo. Huyện hỗ trợ 180.000 đồng/sào, 75.000 đồng/sào cho phân bón, thuốc BVTV, sổ theo dõi…
 
Theo Danviet.vn