Rau quả sạch, vất vả tìm đầu ra
- Thứ hai - 07/01/2013 04:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sạch vẫn khó bán Ông Trần Văn Hợt, Chủ nhiệm HTX ngã ba Giồng, Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) cho biết, mỗi ngày xã viên ở đây có thể sản xuất khoảng 15-20 tấn rau xanh nhưng lượng hàng có hợp đồng đưa vào siêu thị Co.opMart, Maximark, Metro chưa tới 1 tấn/ngày. Tại HTX rau an toàn Nhuận Đức, tình trạng cũng tương tự. Ông Trần Quang Liêm, Chủ nhiệm HTX cho biết, mỗi ngày, nông dân ở khu vực ấp Đình, xã Tân Phú Trung và xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi) sản xuất 20-25 tấn rau sạch, nhưng chỉ có khoảng 2-3 tấn được hợp đồng bán cho hệ thống siêu thị. Số còn lại bà con phải tự mang ra chợ bán với giá chỉ cao hơn rau bình thường 1.000 - 2.000 đồng, thậm chí bằng và thấp hơn (vì kém bắt mắt hơn rau thường). Theo ông Mai Xuân Phú, Giám đốc Công ty Nông phẩm xanh, hiện nhiều cơ sở sản xuất rau có đủ khả năng để đáp ứng quy trình VietGAP, nhưng mỗi ngày chỉ có 5-6 tấn rau được đưa vào các siêu thị, bếp ăn tập thể, 30-35 tấn còn lại phải bán ra chợ đầu mối với giá rẻ hơn rau thường. Cũng vì lý do này, rau sạch của Nông phẩm xanh chỉ sản xuất để xuất khẩu và bán theo hợp đồng cho một vài khách sạn. Ông Phú cho biết thêm, khi bán rau cho các siêu thị phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe trong khi khâu thanh toán chậm, vì vậy, công ty không “mặn mà” với việc trồng rau bán cho các siêu thị. Cần ưu đãi DN làm phân phối Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, việc tiêu thụ RAT gặp khó khăn là do kênh phân phối còn yếu, sản phẩm chưa có dấu hiệu để nhận diện và ít được NTD biết đến. Sâu xa hơn, do nông dân còn sản xuất manh mún, chưa đảm bảo tốt về số lượng, chất lượng nên bên cung và bên cầu khó gặp nhau. Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX Thỏ Việt cho rằng, nguồn cung của RAT không thiếu nhưng NTD lại chưa thấy được giá trị của mặt hàng này. Đầu ra bị hạn chế sẽ không kích thích được sản xuất, nông dân không còn ham muốn trồng RAT. Theo bà Ngọc, thời gian qua, HTX Thỏ Việt cũng đã đưa rau VietGAP của HTX ra bán ở chợ truyền thống nhưng không khả quan vì giá sang sạp quá cao. Chẳng hạn tại chợ Bình Tây, chợ Bình Điền, giá sạp lên tới 350 triệu đồng. Đại diện các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Co.op Mart,… cho biết, dù rất muốn bày bán thực phẩm an toàn sản xuất trong nước nhưng vì bài toán lợi nhuận họ chưa thể ưu ái cho các mặt hàng này. Đại diện một siêu thị ở TP.Hồ Chí Minh cho biết, mỗi quầy kệ đều được quy ra tiền, mặt hàng có mãi lực tăng đương nhiên có vị trí đẹp, mặt hàng có doanh số bán ra thấp phải chấp nhận ở vị trí khiêm nhường. Ngay trong siêu thị, hàng thực phẩm sạch vốn đã yếu thế lại càng lép vế hơn. Đây cũng là lý do không thúc đẩy được sản xuất sạch phát triển. Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh nhìn nhận, thực phẩm an toàn chưa thể đến tay NTD là do phần đông người tiêu dùng chưa nhận thức hết giá trị của sản phẩm, trong khi nhà sản xuất chưa đủ tiềm lực để quảng bá, nhà phân phối lại đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Những năm qua, ngành Công Thương thành phố đã liên kết với nhiều địa phương triển khai chương trình sản xuất sạch hơn, tạo nguồn hàng chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ NTD. Tuy nhiên, bà Đào cũng cho rằng, về lâu dài phải có chính sách ưu đãi cho DN, đơn vị phân phối sản phẩm nông sản sạch; kích cầu tiêu dùng hàng VietGAP để tạo ra sự đồng thuận của NTD. “Nếu bỏ tiền tỷ đầu tư sản xuất thực phẩm an toàn nhưng lại không đến tay NTD thì chương trình chỉ thành công một nửa và sẽ khó bền vững. Vì vậy, việc liên kết giữa nhà sản xuất, đơn vị cung ứng, phân phối là rất quan trọng”, bà Đào nhìn nhận. Thạch Bình Nguồn:kinhtenongthon.com.vn |