Rét buốt lội bùn săn ngao to bự, béo ngậy, kiếm 500 ngàn/ngày
- Thứ hai - 09/12/2019 19:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mới tờ mờ sáng, nước thủy triều chưa rút hết nhưng trên bờ đã có khá nhiều người đi bắt ngao ngồi chờ sẵn ở đây. Sau khi chuẩn bị hết đồ nghề và tranh thủ lúc nước triều đang rút người thì bàn tán rôm rả về chuyện bắt ngao và thu nhập của buổi săn ngao hôm trước, người thì vội vàng ăn thêm chiếc bánh mì lót dạ.
Nhờ đi bắt ngao béo ngậy trốn dưới bùn mà nhiều chị em ở ven biển huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) có thu nhập lên tới nửa triệu mỗi ngày.
Loại ngao mà những người ở đây đi săn bắt là một loài ngao to, con to chừng bằng nắm tay người lớn. Dân địa phương ven biển Nga Sơn vẫn hay gọi loài ngao với nhiều cái tên như ngao đồng, ngao xanh... Đây là một loại ngao sống tự nhiên ở cái bãi sình lầy ven các cửa sông lớn giáp biển, thịt chắc thơm ngon và có giá trị kinh tế cao.
Những người chuyên đi bắt loại ngao xanh này cho phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN biết, muốn bắt được ngao thì phải chờ thủy triều xuống làm lộ các bãi bùn lầy mà chúng đang ẩn náu. Sau đó dùng một chiếc cào nhỏ, cào xuống lớp bùn sình đó khi nào cào trúng thì con ngao sẽ theo chiếc cào lên mặt bùn. Công việc cứ thế cho đến khi nào nước thủy triều lên trở lại thì mới kết thúc.
Ngao xanh ẩn náu ngay dưới lớp bùn nhão ở các bãi bồi ven biển huyện Nga Sơn, chỉ cần cào nhẹ lớp bùn là có thể bắt được chúng.
Trung bình, một người đi săn bắt loại ngao xanh mỗi ngày có thể bắt được 50 kg, có những người trúng mánh thì có thể bắt được từ 80 -100kg. Sau khi đưa ngao lên bờ, ngao được bán với giá từ 10.000 -14.000 đồng/kg tùy loại, tính ra mỗi ngày một người đi bắt ngao xanh có thu nhập từ 400.000 - 800.000 đồng từ công việc này.
Bà Nguyễn Thị Hoa (50 tuổi) ở xã Nga Tân, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), không nhớ cái nghề săn ngao xanh đã theo mình bao lâu, chỉ biết nhờ công việc đi bắt ngao này đã giúp gia đình bà có được khoản thu nhập kha khá, đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày.
"Trung bình mỗi ngày tôi có thể bắt được khoảng trên dưới 50kg ngao xanh, cá biệt có những ngày trúng mánh có thể bắt được lên tới gần 1 tạ ngao. Ngày ít thì cũng được 300-400.000 ngàn đồng, ngày nhiều thì kiếm được tiền triệu. Mấy hôm nay thời tiết giá rét về đêm và sáng sớm, nhưng chúng tôi vẫn chịu khó đi bắt bao để có thêm thu nhập...Lội bùn một hồi, coi như không thấy rét nữa, chỉ cảm giác cóng ở 2 bàn tay bởi phải ngâm nước, bám bùn...”, bà Hoa tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Đây là một loại ngao sống tự nhiên nhiều ở các khu sình lầy ven cửa sông, biển, hay rừng sú vẹt... thịt thơm ngon và nấu được nhiều món ăn ngon.
Để bắt được nhiều ngao xanh, cần nắm được lịch thủy triều lên xuống, chuẩn bị đồ nghề đơn giản, gồm một đôi tất chân, một chiếc cào nhỏ và túi cước để đựng, sau đó khoác thêm áo dài tay, cầm theo chai nước là có thể đi hành nghề được. Nghe qua thấy nhẹ nhàng, nhưng phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN có theo chân người săn ngao xanh mới biết nghề này cũng gian nan, vất vả khi phải “lội bì bõm dưới bùn lầy, chui luồn qua những khóm vẹt, chưa kể không may bị hà xẻ chân hay bị sâu róm đốt...
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, bà Phạm Thị Mận một người chuyên đi bắt loại ngao xanh này ở ven biển huyện Nga Sơn cho hay, công việc săn bắt ngao tuy vất vả nhưng đổi lại cho thu nhập gọi là tốt, hơn tất cả các công việc làm thuê khác ở địa phương. Chịu khó lấm lem vất vả, chịu rét, chịu lạnh tay lạnh chân vài tiếng đồng hồ những lúc nước thủy triều cạn cũng có thể kiếm được mấy trăm ngàn đồng.
Bà Phạm Thị Mận nói với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN biết: Nhờ công việc săn bắt ngao, bà và nhiều người khác ven biển Nga Sơn có thu nhập mỗi ngày lên tới vài trăm ngàn đồng. Những khi thủy triều rút vào ban ngày, mặc dù thời tiết giá rét, nhưng những người như bà Hoa vẫn chịu khó mưu sinh ngoài bãi sình lầy ven biển.
“Ngao xanh sau khi bắt lên được bán với giá từ 10-14.000 đồng/kg tùy loại. Vì đây là loại ngao tự nhiên, không nuôi nấng chăm bẵm gì, lại có kích thước lớn nên nhiều người ưa thích. Trước nay ở đây bà con dùng ngao xanh chế biến thành nhiều món như nấu canh, hấp, nướng...Còn người ta mua buôn, mua gom mang đi bán ở thành phố để chế biến ra món gì chúng tôi không biết, chỉ biết cứ bắt được đến đâu là bán hết đến đó”- bà Mận tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Theo lời bà Mận, bà Hoa và nhiều người bắt ngao xanh ven biển, việc bắt loại ngao này khá dễ nhưng phải phụ thuộc vào thủy triều. Nếu thủy triều nước rút vào ban ngày mới bắt được, còn vào ban đêm thì không thể bắt được.
"Hiện loại ngao này cũng đang ít dần trong tự nhiên, nên những người đi bắt ngao như chúng tôi phải đi xa, thậm chí phải sang tận những cánh rừng vẹt bên huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đi săn bắt....', bà Nguyễn Thị Hoa cho hay.
Theo Phạm Anh/danviet.vn