Sa Pa: 220 ha nông nghiệp CNC, mỗi ha hoa ly thu 3-3,5 tỷ/năm
- Thứ bảy - 22/09/2018 09:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sa Pa có 17 xã và 1 thị trấn, dân cư chủ yếu là đồng bào người dân tộc thiểu số như: Mông, Dao, Tày, Giáy. Trình độ dân trí thấp, canh tác nông nghiệp theo hướng truyền thống, thu nhập thấp, dẫn đến khó khăn trong việc huy động nguồn lực của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Mùa đông ở Sa Pa thường có các hiện tượng tuyết rơi, băng giá, mưa đá, sương muối gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.
Bởi vậy, để tháo gỡ khó khăn trong tiêu chí thu nhập cho người dân, đồng thời khắc phục được những khó khăn do thời tiết gây ra, những năm gần đây huyện Sa Pa đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến về trồng trọt, chăn nuôi cho bà con. Để người nông dân nhận thức được và từng bước thay đổi hướng canh tác lạc hậu theo hướng tăng giá trị sản lượng, chất lượng, giảm chi phí sản xuất bằng cách ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất như: Trồng rau, hoa, cây ăn quả... trong nhà lưới, nhà màng; áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt...
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Sa Pa góp phần tăng giá trị sản phẩm nông sản và nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây
Trong 6 tháng đầu năm, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn huyện là 171,6 ha. Trong đó, hoa 110 ha; rau trong nhà công nghệ là 21,6ha; cây chè 31ha; cây ăn quả 9ha (1ha dâu tây, 8ha cây lâu năm). Đến hết tháng 8, số diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tăng lên 220 ha.
Trao đổi phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sa Pa, cho biết: Tính đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 220 ha. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp từ 4 – 5 lần, thậm chí từ 9 – 10 lần so với sản xuất nông nghiệp bình thường.
Trang trại trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của ông An Xuân Phùng ở xã Tả Phìn, cho sản lượng 30 tấn quả mỗi năm, giải quyết việc làm 3 – 4 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 3 – 4 triệu/tháng.
Ông Phùng cho hay: Giống dưa lưới này được nhập từ Nhật Bản với Hà Lan, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước và hạn chế thất thoát chất dinh dưỡng cho cây. Khâu kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân cho cây được được kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy trình.
Cũng theo ông Thành, diện tích trồng hoa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Sa Pa là 115 ha. Đối với hoa ly, 1ha cho thu từ 3 – 3,5 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí lãi từ 600 triệu – 900 triệu đồng/ha.
Theo ông Thành, trước đây, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chủ yếu tập trung ở thị trấn Sa Pa. Nhưng từ hiệu quả kinh tế đem lại mà đến nay số diện tích ứng dụng công nghệ cao đã ngày càng mở rộng và chuyển sang các xã vùng cao như: Xã Sa Pả, Tả Phìn, Bản Khoang.
Ông Đỗ Minh Trí - Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, chia sẻ: Thu nhập thực sự là một trong những tiêu chí rất khó để hoàn thành. Hết năm 2017, thu nhập bình quân đầu người ở Tả Phìn đạt 23,86 triệu đồng/người/năm, để đạt tiêu chí thu nhập phải trên 30 triệu đồng/người/năm. Theo kế hoạch, hết năm nay, xã Tả Phìn sẽ cán đích nông thôn mới. Do đó, ngay từ đầu năm 2018, để hoàn thành tiêu chí thu nhập, xã đã triển khai nhiều dự án trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và chăn nuôi như: Phát triển rau tăng vụ trên đất ruộng lúa một vụ vùng cao; trồng 0,1ha dâu tây cho 1 hộ dân tộc thiểu số tại thôn Giàng Tra bằng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dự án sản xuất hoa địa la bằng phương pháp tách chồi... Vì vậy, đến tháng 9 này thu nhập bình quân đầu ngưởi ở Tả Phìn đã tăng lên 31,93 triệu đồng/người/năm.
“Trong thời gian tới, cùng với các cơ quan chuyên môn, chúng tôi sẽ tăng cường, tuyên truyền, tấp huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con trong sản xuất, chăn nuôi phù hợp với thế mạnh của địa phương để tăng thu nhập cho người nông dân góp phần hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM ở Sa Pa ” – ông Thành cho biết thêm.
Như các huyện miền núi khác, thực hiện tiêu chí thu nhập (tiêu chí số 10) trong Bộ tiêu chí xây dựng Nông thôn mới đối với Sa Pa (Lào Cai) cũng là một bài toán khó. Để tháo gỡ khó khăn này, Đảng bộ, chính quyền huyện Sa Pa đã chọn giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để tăng thu nhập bền vững cho người dân.
Theo danviet.vn