Sá sùng - sản phẩm OCOP Hải Hà

Sá sùng - sản phẩm OCOP Hải Hà
Theo Trang Du lịch Hải Hà (dulichhaiha.vn) của UBND huyện Hải Hà, thì sá sùng Hải Hà đứng trong top 10 đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Sá sùng chứa nhiều chất dinh dưỡng và còn giúp trị chứng tâm hàn, bổ dưỡng khí. Sá sùng được huyện Hải Hà đưa vào danh mục những sản phẩm OCOP và được khách hàng ưa dùng tại các Hội chợ OCOP Quảng Ninh được tổ chức hàng năm tại TP Hạ Long.

Sá sùng được huyện Hải Hà đưa vào sản phẩm OCOP. Ảnh từ trang Du lịch Hải Hà.

Sá sùng sống lác đác ở hầu hết các xã có biển của Hải Hà, thế nhưng nơi có nhiều sá sùng nhất là bãi biển xã Quảng Minh. Hàng ngày từ sáng sớm tinh mơ, khi mặt trời vừa ló rạng, trên bãi biển đã thấy thấp thoáng người đào sá sùng. Riêng xã Quảng Minh có đến 80% các hộ gia đình làm nghề này, chưa kể số người sống ở các xã khác cũng đến đây để đào sá sùng. Ngư cụ để hành nghề của các thợ sá sùng cũng đơn giản, người đào chỉ cần sắm cho mình một chiếc mai chuyên dụng và một chiếc giỏ là có thể xuống bãi bắt sá sùng.

Sá sùng tươi được khai thác ở bãi biển xã Quảng Minh, Hải Hà.

Bà Lê Thị Nhung, thôn 3, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà là người có thâm niên 25 năm làm nghề đào sá sùng, cho biết: “Ngày xưa chẳng có mấy người làm nghề này đâu. Người bắt sá sùng chỉ để phục vụ bữa cơm gia đình mình nên họ cũng chỉ bắt đủ rồi về. Thời đó sá sùng nhiều lắm, chúng tôi chỉ cần một nhát xẻng cũng có khi được vài con. Từ cuối những năm 90, khi biên giới mở cửa thông thương, nhiều người đi bắt sá sùng hơn hẳn, vì sá sùng không phải chỉ để ăn mà còn để bán với giá rất cao. Bây giờ như Quảng Minh nhiều gia đình cũng chỉ đào sá sùng mà xây được nhà to, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền đấy”.

Sá sùng ít đi do người đào nhiều, nên bây giờ người làm phải có nghề, biết được mánh là lỗ nhỏ do sá sùng tạo ra dưới bãi khi thở. Người có nghề nhìn mánh biết được sá sùng mới đào, người không biết đào lên chẳng có gì. Người bắt sá sùng phụ thuộc vào con nước, tuần nước cạn, nước rút ra xa mới đào được. Những ngày này, nhiều người đi từ đêm, họ đeo thêm chiếc đèn pin trên trán giống như thợ lò, nước rút đến đâu đào đến đấy. Đến tầm trưa, người đào cũng bắt được khoảng 1kg sá sùng tươi trở lên. Giá bán sá sùng tươi ngoài bãi khoảng 200.000 đồng/kg, do vậy người làm nghề kiếm được từ vài trăm đến cả triệu đồng cho một buổi đi đào sá sùng.  

Sá sùng trước khi đưa vào lò sấy khô tại gia đình chị Nguyễn Thị Văn, thôn 4, xã Quảng Minh.

Chị Nguyễn Thị Văn, 40 tuổi, thôn 4, xã Quảng Minh từ năm 13 tuổi đã theo người nhà đi đào sá sùng. Nay chị Văn chuyển sang thu mua và chế biến sá sùng khô được khoảng chục năm. Hàng ngày, chị Văn thu mua khoảng vài chục cân đến 2 tạ sá sùng, sau đó đem về sấy khô, cứ khoảng 10 kg sá sùng tươi thì được 1kg sá sùng khô. Sá sùng khô Hải Hà được xuất sang Trung Quốc và sang cả các nước Âu, Mỹ khi theo chân các Việt kiều về quê ăn Tết. Các gia đình khá giả nhiều người cũng mua sá sùng về ăn vào dịp tết. Do vậy, giá sá sùng vào dịp Tết rất đắt, ngày thường giá sá sùng khô Hải Hà cũng đã hơn 3 triệu đồng/kg, những ngày giáp Tết lên từ 4 đến 5 triệu đồng/kg mà nhiều khi vẫn không đủ bán.

Theo Anh Vũ/quangninh.gov.vn