Săn châu chấu kiếm tiền triệu mỗi ngày
- Thứ sáu - 01/12/2017 18:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mờ sáng, trên các cánh đồng ngô ở xã Xuân Hòa (Nam Đàn), những người săn châu chấu ở xã Quỳnh Trang (TX Hoàng Mai) đã có mặt để làm nghề. Họ mang theo những chiếc vợt lớn làm từ nilon, màn tuyn, vừa đi vừa vợt, dọc theo các con mương. Khi trong vợt đã nhiều châu chấu thì họ tập kết vào các bì lưới và di chuyển bằng xe máy trên các cánh đồng.
Theo những người đi săn, bây giờ là mùa săn chấu cốm - loại chấu non, chưa có cánh, thường sinh sống, chạy nhảy trên các bờ mương. Châu chấu cốm được bắt để làm thức ăn cho các loại chim cảnh. Mỗi năm có 2 vụ săn châu chấu cốm: vụ Xuân vào tháng 3 - 4 và vụ Đông vào tháng 11 - 12.
Thường thì người làm nghề săn châu chấu gần như đi săn quanh năm, hết vụ châu chấu cốm lại đến vụ châu chấu thịt, chỉ nghỉ 2 tháng trước và sau Tết Âm lịch.
Người dân xã Quỳnh Trang (TX Hoàng Mai) săn châu chấu cốm trên đồng ngô ở xã Xuân Hòa (Nam Đàn). Ảnh: Huy Thư |
Dụng cụ săn châu chấu là vợt và lưới, tùy thuộc vào từng loại châu chấu, từng mùa vụ mà đánh bắt bằng các phương tiện thích hợp. Săn châu chấu thịt vào mùa Hè thường dùng 2 chiếc vợt cột vào đuôi xe máy, chạy trên các cánh đồng, còn săn vào mùa Đông thì giăng lưới.
Riêng săn châu chấu cốm, do chúng chưa có cánh để bay lên, nên mùa nào cũng chỉ dùng vợt tay, vợt quanh các đồng lúa, các bãi ngô non, các con mương đầy cỏ.
Anh Hồ Đức Thắng (30 tuổi) ở xóm 7 xã Quỳnh Trang cho biết, xã anh có khoảng vài trăm lao động từ 25 - 60 tuổi đi săn châu chấu, tập trung ở các xóm 3,7, 8, 9. Có nhiều gia đình cả hai vợ chồng cùng làm nghề này.
Họ thường đi theo tốp 3 - 5 người, có khi 10 người, săn khắp các địa phương trong trong tỉnh như Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Đô Lương, Thanh Chương, Con Cuông, Qùy Hợp… có khi ra tận Tĩnh Gia (Thanh Hóa), hay vào cả Nghi Xuân, Đức Thọ, Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Dù đi xa, người săn châu chấu cũng thu xếp về trong ngày để kịp xử lý số chấu đã bắt được khi đang còn tươi, sống.
Chấu sau khi bắt trên ruộng được tập kết trong các bì lưới thưa, thoáng. Mùa châu chấu thịt, mỗi người có thể kiếm 500 - 700 trăm nghìn đồng/ngày, có khi tiền triệu, còn mùa châu chấu cốm chỉ kiếm được 200 - 300 nghìn đồng là nhiều. Ảnh: Huy Thư Ảnh: Huy Thư |
Châu chấu thịt - loại có cánh, dùng làm mồi nhậu ở các nhà hàng, khách sạn, sau khi bắt về được nhập cho các đại lý với giá 50 - 80 nghìn đồng/kg. Họ sơ chế (luộc, vặt cánh, sấy) rồi mới chuyển đi Hà Nội, Hải Phòng…
Còn châu chấu cốm thường được người đi săn ở Quỳnh Trang mang về nhà đóng gói (mỗi gói khoảng 30 - 35 con còn sống) rồi gửi cho các xe khách chuyển vào Đà Nẵng. Tùy vào mùa vụ mà giá châu chấu cốm dao động từ 3 - 5 nghìn đồng/gói.
Anh Nguyễn Đình Phùng (48 tuổi) ở xóm 8, xã Quỳnh Trang cho biết, nhà anh đông nhân khẩu nhưng chỉ có vài sào ruộng, do đó phải làm thêm nghề săn châu chấu để trang trải chi tiêu.
Làm nghề này phải đi nhiều, đi xa hàng chục, có khi hàng trăm cây số mỗi ngày, nhiều khi gặp mưa thì phải về không. Tuy vất vả, nhưng nhìn chung nghề săn châu chấu cũng cho thu nhập khá, đều. Mùa châu chấu thịt, mỗi người có thể kiếm 500 - 700 trăm nghìn đồng/ngày, có khi tiền triệu, còn mùa châu chấu cốm chỉ kiếm được 200 - 300 nghìn đồng là nhiều.
Châu chấu rang lá chanh - Món ngon dân dã. Ảnh minh họa |
Những năm qua, từ khi châu chấu trở thành một đặc sản, một loại thực phẩm sạch được người tiêu dùng ở các thành phố ưa chuộng, cùng với đó là phong trào nuôi chim cảnh phát triển ở khắp mọi nơi, nhu cầu về châu chấu tăng mạnh, khiến người dân một số xã ở Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu… nghề săn chấu nhanh chóng lan rộng, không chỉ tạo việc làm cho nhiều người, mà còn góp phần tiêu giảm được một loại thiên địch nguy hiểm đối với mùa màng.
Anh Phùng chia sẻ: “Ở Quỳnh Trang, chúng tôi đi săn chấu gần như quanh năm. Ai đã theo nghề thì không bao giờ muốn dừng. Nghề săn châu chấu tuy là nghề phụ, chi phí đầu tư ít, nhưng đã đem lại thu nhập chính cho nhiều gia đình”.
Theo nghean24h.vn