Sân chơi GlobalGAP cho gạo Việt: Ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia
- Thứ tư - 20/03/2013 06:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thời gian gần đây ngày càng có thêm nhiều đơn vị đẩy mạnh đầu tư xây dựng thương hiệu GlobalGAP cho gạo Việt.
Năm vừa qua, ngoài Công ty ADC Cần Thơ, Bảo vệ thực vật An Giang…, Trung tâm Chứng nhận Quacert đã cấp giấy chứng nhận cho 60,3ha lúa đông xuân của 60 hộ nông dân tại huyện Đức Huệ, Long An liên kết với Công ty CP Đầu tư - Nghiên cứu và Xuất khẩu gạo thơm ITA – Rice đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Đây là dự án sản xuất gạo sạch nhằm nâng cao thương hiệu gạo Việt Nam ở thị trường gạo cao cấp nước ngoài mà Công ty ITA – Rice đã bỏ tiền đầu tư từ năm 2007.
Với mô hình này, nông dân ở mỗi khu vực sẽ tập hợp lại ký hợp đồng với công ty và được cấp cùng một loại giống, thuốc trừ sâu, phân bón và hướng dẫn sản xuất cùng một quy trình. Cuối vụ bán lại sản phẩm cho công ty với giá cam kết cao hơn thị trường 10 – 15%.
Cách làm này giúp nông dân giảm bớt khâu trung gian khi tiếp cận vật tư nông nghiệp hoặc bán sản phẩm, không bị áp lực bán lúa ngay đầu vụ trả nợ. Theo GS Võ Tòng Xuân - Chủ nhiệm dự án, kết quả sản xuất lúa theo GlobalGAP năng suất lúa tăng từ 6 tấn/ha lên hơn 8 tấn/ha, hạt lúa chắc mẩy, sáng đẹp hơn. Quan trọng nhất là sản phẩm lúa sạch, chất lượng gạo đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Giá lúa do công ty bao tiêu cũng cao hơn 1.500 đồng/kg so với giá thị trường, ở mức 5.500 đồng/kg lúa tươi. “Trồng theo chuẩn GlobalGAP, 1.000 tấn lúa thu được có thể làm ra 650kg gạo 5% tấm, tăng gần 200kg so với bình thường. Đây là khoản lời của doanh nghiệp thu mua nên họ có thể an tâm đầu tư thu mua lúa với giá cao hơn cho nông dân”.
Với những thành công đó, trong vụ đông xuân năm nay, công ty đã mở rộng thêm 1 vùng trồng lúa GlobalGAP nữa, rộng 45ha ở huyện Bến Lức (Long An). Mô hình cũng sẽ tiếp tục nhân rộng trong những năm tới.
Tương tự, Công ty Gentraco (Cần Thơ) cũng đang đẩy mạnh chương trình quảng bá cho sản phẩm gạo chất lượng cao và thân thiện với môi trường sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Theo bà Lưu Thị Lan - Phó Giám đốc Gentraco, mô hình cánh đồng GlobalGAP với giống lúa thơm đặc sản ST13 mà công ty thực hiện tại tỉnh Sóc Trăng đang được nhân rộng qua từng năm, từ 21ha năm 2009 lên 150ha trong năm 2012 và hướng đến 800ha năm 2015. Sản phẩm gạo thơm xuất khẩu hiện mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng xuất khẩu của Gentraco.
Nhưng việc Gentraco cùng 4 công ty khác vừa được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng trao quyền sử dụng nhãn hiệu "Gạo thơm Sóc Trăng" thời hạn 3 năm, được xem là tiền đề để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, tiến xa hơn trên con đường xây dựng và phát triển lúa gạo chất lượng cao.
Theo danviet.vn