Vào tháng 10 âm lịch, sau những cơn mưa ngắn bất chợt, thời tiết hơi nóng ẩm, khó chịu là khi mùa nấm mối ở các địa phương vùng núi như Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn... (Hà Tĩnh) bắt đầu.
Ở Hà Tĩnh, mỗi năm có 2 mùa nấm mối, là vào tháng 5 và tháng 10 âm lịch. Mùa nấm mối rất ngắn, thường chỉ kéo dài khoảng 10 – 15 ngày.
Nấm mối xuất hiện chủ yếu ở các địa phương vùng núi như Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn...
Nấm mối có thân màu trắng, mặt ngoài màu nâu xám, hơi giống màu cành, lá khô, khi nở, nấm xòe ra giống hình cây ô (dù). Nhiều người có cơ hội thưởng thức hương vị nấm mối khẳng định, đây là giống nấm ngon nhất. Theo y học, nấm mối có giá trị dinh dưỡng rất cao, có khả năng phòng ngừa ung thư, chống lão hóa…
Đến mùa nấm, không phải ngày nào cây cũng mọc mà theo kinh nghiệm người dân, phải gặp ngày có mưa thì đêm đó nấm mới nở. Bởi vậy, người dân vẫn thường gọi những cơn mưa ngắn, bất chợt tháng 10, không đủ làm ướt đất là mưa nấm.
Nấm mối rất khó tìm, chúng thường mọc nơi đất tơi xốp, độ ẩm cao như phía trên các tổ mối hoặc nơi có nhiều lá mục và cũng thường xen lẫn trong cỏ hay bụi rậm.
Để săn được nấm, người dân thường phải dậy sớm và đặc biệt cần có duyên, may mắn, bởi thời gian sống của nấm mối cũng rất ngắn, đến trưa, chiều, cây đã bắt đầu tàn hoặc bị một số động vật, côn trùng ăn.
Có người tìm đến đỏ mắt không thấy, nhưng có người không đi tìm vẫn gặp, bởi vậy, người dân săn nấm thường đi tay không, nếu gặp nấm, họ đựng vào những chiếc lá to.
Hiện tại, nấm mối chưa thể trồng được nên người dân vẫn thường coi đây là đặc sản trời cho. Chính vì thế, mỗi khi tìm được nấm, phần lớn người dân dành ăn chứ ít khi bán. Mặc dù ở các vùng khác, giá nấm mối có thể lên tới 1 triệu đồng/kg.
Nấm mối có vị ngọt đặc trưng, thơm, cọng nấm dai, khi thưởng thức khó lẫn với loại nấm khác. Nấm mối có thể nấu nhiều món, thông thường nhất vẫn là cháo nấm mối, hoặc cũng có thể xào độc lập, xào với nhút, một số loại rau hay nấu canh...