Sản phẩm làng nghề hồi sinh
- Chủ nhật - 27/08/2017 19:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại triển lãm hàng Việt ở Thái Lan mới đây, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, lụa tơ tằm của các doanh nghiệp (DN) Việt không những được người tiêu dùng xứ chùa vàng yêu thích mà các nhà mua hàng cũng đánh giá cao, đặt vấn đề hợp tác mua bán. Điều thú vị là trước khi đến Thái, những mặt hàng này đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính ở châu Âu, châu Á.
Đem tre, cói, gáo dừa… đi Tây
Ra về sau 4 cuộc tiếp xúc với các nhà mua hàng Thái Lan, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Thiên Lộc, hào hứng cho biết mời các nhà mua hàng tham khảo website công ty và hứa sẵn sàng đa dạng hóa mẫu mã, thay đổi thiết kế phù hợp với yêu cầu đặt hàng. "Sơn mài khảm trai đã bán sang nhiều thị trường, trong đó có các thị trường lớn như Úc, Nhật, Mỹ, Pháp, Ba Lan…, đã đến lúc quay về thị trường khu vực" - bà Hương nói vui. Xuất thân trong gia đình 4 đời làm sơn mài khảm trai Chuyên Mỹ (Phú Xuyên, Hà Nội) có tuổi thọ trên 1.000 năm, từng "lên bờ xuống ruộng" vì sản phẩm làm ra không bán được cho ai, năm 2010, bà Hương quyết thành lập công ty trực tiếp xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Vậy mà thành công. Những chiếc bát (chén) dừa, khay trà, hộp khăn giấy, bình hoa… khảm sơn mài tinh tế được thị trường nước ngoài đón nhận. Đặc biệt, hộp khăn giấy bằng gỗ tự nhiên đang rất được thị trường Trung Quốc ưa chuộng, mỗi tháng công ty xuất khoảng 3 container theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Sản phẩm lụa tơ tằm Việt Nam đang được ưa chuộng
Bà Hương là một trong rất nhiều doanh nhân đã góp phần hồi sinh và đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề Việt Nam ra thế giới. Với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ tre, bèo, cói, sừng… vốn đã gắn với thương hiệu Việt Nam từ nhiều năm nay, việc mở rộng thị trường xuất khẩu có phần dễ dàng hơn. Bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Vietnam Handicraft - chuyên sản xuất các sản phẩm từ tre, bèo, cói… ở Hà Nội, cho biết thị trường trong nước và khu vực không chuộng dòng sản phẩm này nhưng Pháp, Đan Mạch, Áo, Nhật Bản… lại rất quan tâm. Doanh số xuất khẩu hằng năm của công ty khoảng 900.000 USD.
Khát khao khẳng định thương hiệu Việt
Sở hữu sản phẩm thông dụng hơn các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, Hanhsilk (chuyên các sản phẩm về đũi, lụa ở xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) phát triển tốt thị trường xuất khẩu lẫn trong nước. Nhìn làng nghề nuôi tằm, dệt vải hơn 400 năm đang chết dần trong khi phong trào sử dụng các sản phẩm từ tự nhiên tăng nhanh, Hanhsilk bỏ vốn đầu tư gần 10 tỉ đồng để trồng dâu nuôi tằm, mở xưởng dệt, nhuộm và xưởng sản xuất thành phẩm. Các sản phẩm lụa, đũi thương hiệu Hanhsilk với chất lượng tốt, độ tinh xảo cao dần được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Đơn hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Hà Lan… lần lượt được ký kết. Ba năm nay, đều đặn mỗi tháng Hanhsilk xuất 1.000 khăn mặt làm bằng đũi sang Nhật. Khăn choàng xuất sang Hàn Quốc, châu Âu ngoài các mẫu thông thường còn có mẫu vẽ tay với hình vẽ trừu tượng, nhận được phản hồi rất tích cực. Không hài lòng với thành quả hiện tại, Hanhsilk tích cực tìm cơ hội bán hàng ra nước ngoài thông qua các hội chợ, triển lãm và chương trình xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức. "Làng nghề lụa Nam Cao từng xuất khẩu lụa thô đi nhiều nước, hiện Hanhsilk vẫn duy trì xuất khẩu sản phẩm thô nhưng muốn đẩy mạnh xuất thành phẩm mang thương hiệu mình vì so với sản phẩm thô, giá bán thành phẩm cao gấp nhiều lần. Ngay cả với thành phẩm, khăn vẽ hoa văn bán được giá hơn khăn trơn 2-3 lần. Người Việt Nam mình rất khéo tay nhưng lười suy nghĩ, ít sáng tạo, chỉ cần khắc phục hạn chế này thì sẽ phát triển tốt hơn" - bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc Hanhsilk, cho biết.
Cũng như các mặt hàng tiêu dùng khác, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề Việt Nam còn yếu về bao bì nhãn mác, thương hiệu. "Nếu đầu tư thêm nhãn mác, làm được thương hiệu thì thị trường các nước sẽ chấp nhận chúng tôi nhanh hơn. Chúng tôi vẫn vừa làm vừa học, mục tiêu lớn nhất là vực dậy làng nghề và khẳng định thương hiệu Việt" - bà Hạnh cho biết.