Sản xuất hàng hóa trong xây dựng NTM

Sản xuất  hàng hóa trong xây dựng NTM
Quảng Ninh đang thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, gọi tắt là OCOP- QN trong Chương trình xây dựng NTM của tỉnh này, giai đoạn 2013-2015. Đây được kỳ vọng là hướng đi mới cho SX nông sản hàng hóa của nông dân trong tỉnh.

 

Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”, tiếng Nhật Bản gọi là Isson, Ippin (tiếng Anh là One village One product Movement - OVOP) hình thành và phát triển đầu tiên tại Nhật Bản do GS. Morihiko Hiramatsu, Tỉnh trưởng tỉnh Oita khởi xướng vào cuối thập kỷ 70 thế kỷ trước. Phong trào OVOP được coi là chính sách phát triển nông thôn chủ yếu của tỉnh Oita.

Qua trên 30 năm, sự thành công và kinh nghiệm của phong trào đã lôi cuốn không chỉ các địa phương trên khắp Nhật Bản mà còn rất nhiều các quốc gia khác quan tâm tìm hiểu và áp dụng, đến nay đã có trên 40 quốc gia ở các châu Á, Phi và Mỹ Latinh đang triển khai thực hiện.

Tại Việt Nam, chương trình OVOP đã được nghiên cứu từ cuối những năm 2000 qua các cuộc hội thảo trong các trường đại học ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Thanh Hóa. Qua thực tiễn, OVOP tỏ ra rất phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và là chìa khóa để các nước đang phát triển phát triển khu vực nông thôn và xây dựng NTM.

Thực tiễn hiện nay đã có một số mô hình nhỏ lẻ thực hiện việc xây dựng, kinh doanh sản phẩm từ nội lực cộng đồng như Cty SapaNapro chuyên SX sản phẩm thuốc tắm của người Dao đỏ ở Lào Cai, Cty DK Natura chuyên SX thuốc chữa bệnh đái tháo đường ở tỉnh Thái Nguyên,.. theo mô hình OVOP, song chưa có địa phương nào triển khai chính thức chương trình OVOP như chính sách phát triển nông thôn.

Vậy OVOP là gì, tại sao có sức sống và lan tỏa lớn đến như vậy? Đó chính là hướng đi phát triển làng nghề, phát triển sản phẩm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, truyền thống văn hóa của mỗi địa phương trong chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, chính sách XK hàng hóa, trong đó Nhà nước tạo sân chơi và làm “bà đỡ” chính sách, người dân tham gia “sân chơi” SX và tiêu thụ hàng hóa theo quy chuẩn, nhu cầu của thị trường.

Trong hoạt động này, hàng hóa được SX với chất lượng ngày càng được nâng cao, hạ tầng kỹ thuật phục vụ SX được chính người dân đầu tư thông qua tổ chức của họ (tổ hợp tác, HTX, DN) và văn hóa, trình độ, năng lực của người dân ngày càng được nâng cao, đi theo hướng phát triển nông thôn nội sinh, phát triển từ chính nội tại của mỗi địa phương, mỗi cộng đồng dân cư.


Nuôi bồ câu Pháp tại huyện Hoành Bồ, một trong những mô hình OCOP-QN đang phát huy hiệu quả

Xuất phát từ đó, Ban chỉ đạo Xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh và UBND tỉnh đã thống nhất chỉ đạo triển khai chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP-QN)” trong Chương trình xây dựng NTM của tỉnh, giai đoạn 2013-2015 với sự tham gia tư vấn của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT, Trường Đại học Dược Hà Nội và Đại học Chiang Mai – Thái Lan.

Mục tiêu triển khai của Chương trình OCOP-QN nhằm thực hiện việc nâng cao thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho dân cư nông thôn và giảm nghèo thông qua việc phát triển SX, kinh doanh các sản phẩm truyền thống (nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ,..) có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn Quảng Ninh theo hướng phát triển nông thôn nội sinh và gia tăng giá trị hàng hóa.

Đặc biệt thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức SX” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM. Thông qua việc phát triển SX tại các địa bàn nông thôn góp phần hạn chế việc giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.

Phạm vi về địa lý của OCOP-QN được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, từ đô thị đến nông thôn, từ miền núi đến ven biển và hải đảo; về sản phẩm, chương trình phát triển tất cả các sản phẩm truyền thống (sử dụng công nghệ, vật liệu truyền thống) có tiềm năng phát triển thành hàng hoá, chưa được phát triển hoặc được phát triển ở giai đoạn sơ khai...

Kết quả mong đợi vào thời điểm kết thúc chương trình (12/2015), tỉnh Quảng Ninh có một hệ thống hỗ trợ các cộng đồng trong tỉnh phát triển và thương mại hoá sản phẩm truyền thống, từ cấp tỉnh, huyện đến xã theo chu trình thường niên; có 50-60 cộng đồng được huấn luyện về phương pháp, kỹ năng phát triển sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm truyền thống của mình; Có 40-60 sản phẩm được phát triển/nâng cấp và thương mại hóa thành công, tạo doanh thu 200 tỉ đồng/năm.

Để triển khai Chương trình OCOP-QN đạt kết quả, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành, đặc biệt là các địa phương, trước hết là khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, làm cho người dân hiểu rõ vai trò, vị trí chủ thể của mình khi tham gia thực hiện chương trình.

 Vai trò “bà đỡ” của Nhà nước giai đoạn đầu không chỉ hỗ trợ các địa phương và cộng đồng cư dân về chính sách mà còn cần hỗ trợ cả về những nguồn lực tài chính, vật chất như là những “chất mồi”, “cú hích” đầu tiên cho các dự án địa phương phát triển.

Là chương trình dự án mới với tỉnh Quảng Ninh nhưng đi sau nhiều quốc gia đã thực hiện nên bài học kinh nghiệm của những mô hình OVOP đã được các quốc gia, địa phương trong nước đã thực hiện cần được đúc rút và tranh thủ được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế liên quan để triển khai OCOP-QN có hiệu quả.

Triển khai Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" là một nội dung quan trọng trong giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh của tỉnh Quảng Ninh nói chung và Chương trình xây dựng NTM nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng phát triển bền vững.

Ngô Tất Thắng
Theo nongnghiep.vn