Sản xuất lúa gạo: Cần loại bỏ lợi ích nhóm
- Thứ năm - 31/01/2013 04:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông dân... vẫn thua
Bốn năm qua (từ năm 2008-2012), sản lượng gạo xuất khẩu của nước ta tăng lên hơn 65%, bình quân tăng 16%/năm, trong khi tổng doanh thu từ xuất khẩu gạo chỉ tăng 29,5%, xấp xỉ 7,5%/năm, như vậy là mức chênh lệch gấp hơn 2 lần so với bình quân tăng xuất khẩu hàng năm. Điều đó chứng tỏ, giá trị gia tăng của sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam còn thấp và đối tượng gánh chịu hệ lụy đó không phải là doanh nghiệp (DN) mà là người nông dân.
Thực tế thấy, gạo xuất khẩu có giá thấp thì đương nhiên khi mua thóc của nông dân, DN cũng mua ở mức thấp. Trong cùng thời điểm và sản phẩm có phẩm cấp như nhau, thế mà chẳng hiểu vì sao gạo Việt Nam xuất khẩu luôn có giá thấp hơn các đối thủ khác.
Nhìn lại năm 2012, Việt Nam xuất khẩu 7,72 triệu tấn gạo, tăng 615.000 tấn so với năm 2011 nhưng tổng doanh thu lại thấp hơn tới hơn 200 triệu USD. Khoản tiền bị “âm” khổng lồ đó đã làm hàng triệu người dân trồng lúa trở thành nạn nhân của xuất khẩu gạo giá thấp. Như vậy, hiệu quả kinh tế mà xuất khẩu gạo năm 2012 đã lộ rõ sự thụt lùi so với trước.
Sở dĩ có điều này chủ yếu là do các DN xuất khẩu gạo mải mê chạy theo số lượng hơn là tạo ra hiệu quả cho người trồng lúa. Nên biết rằng trong năm 2012, Thái Lan chấp nhận mua lúa của dân và để tồn kho gần 13 triệu tấn gạo chứ không tham xuất khẩu bằng mọi giá. Trước đây cũng như hiện nay, trong xuất khẩu gạo, Thái Lan luôn vì mục tiêu tạo lợi nhuận cho người trồng lúa, nhằm đảm bảo cho đời sống của họ - một bộ phận chiếm phần đông dân số.
Cần loại bỏ dần lợi ích nhóm
Vừa qua, hãng tin Reuters dẫn số liệu cho thấy, gạo trắng loại 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 410 - 415 USD/tấn, giảm so với mức 420 USD/tấn của tuần đầu tiên trong tháng 1/2013.
Trước thực tế đó, các chuyên gia đã chỉ ra ít nhất 3 yếu tố khiến giá gạo không “ngoi” lên được, đó là chất lượng gạo Việt Nam chưa cao, gạo Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế và sự cạnh tranh của các cường quốc gạo khác. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ chốt nhất và có lẽ là “cội nguồn” của 3 nguyên nhân trên chính là một “mắt xích thừa” trong quy trình sản xuất, cung ứng lúa gạo ở Việt Nam, đó là lợi ích nhóm của thương lái, đặc biệt là thương lái Trung Quốc.
Hiện nay, nhiều thương lái đang hoạt động trên tất cả các cánh đồng lớn nhỏ ở Việt Nam, trong đó có một bộ phận không nhỏ thương lái Trung Quốc có ý định đầu cơ gạo khi các vụ mùa về. Thực trạng này phản ánh mức độ liên kết yếu kém giữa DN và nông dân nước ta, đồng thời cho thấy sự hạn chế trong vai trò quản lý, điều phối chung của Nhà nước ở mô hình liên kết “4 nhà”. Và thương lái cũng là yếu tố khiến chất lượng, thương hiệu và sức cạnh tranh của gạo Việt giảm, trong đó hệ luỵ cuối cùng là giá thu mua lúa gạo của nông dân thấp.
Đầu tiên phải kể đến là các chiêu “phá hoại” của thương lái Trung Quốc khiến gạo Việt mang “tiếng xấu”, đó là mua gạo được sản xuất từ các giống lúa cũ, lạc hậu, năng suất thấp với giá cao, nhằm kích thích người dân quay về các giống lúa vốn đã bị Nhà nước đưa vào danh sách loại bỏ. Nhiều trường hợp thương lái Trung Quốc còn mua “gạo độn” tạp nham với giá cao, sau đó xuất khẩu ra nước ngoài với nhãn mác gạo Việt, khiến thương hiệu gạo Việt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và khi đó, sức cạnh tranh của gạo Việt với các sản phẩm gạo có tiếng như Thái Lan sẽ trở nên yếu kém.
Ngoài ra, khi thương lái Trung Quốc xuất hiện, nhóm lợi ích trung gian này sẽ thu một lượng thặng dư không nhỏ từ mức chêch lệch giá khi bán cho DN xuất khẩu. Vô hình trung, liên kết DN-nông dân không chỉ bị đứt gãy mà cả 2 “nhà” đều mất đi lượng chi phí trung gian không cần thiết cho thương lái, đồng thời còn tạo kẽ hở cho gạo Việt “chảy máu” liên tục. Ngay cả khi Chính phủ ban hành quy định thu mua lúa gạo tăng 30% về giá thì bản chất của một nền nông nghiệp giá rẻ vẫn chưa có gì thay đổi.
Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc xem lại việc triển khai thực hiện liên kết “4 nhà” nhằm đảm bảo lợi ích tối đa cho nền sản xuất lúa gạo trong dài hạn.
Tại Hội nghị tổng kết sản xuất lúa năm 2012, kế hoạch năm 2013 và đẩy mạnh phát triển cánh đồng mẫu lớn tổ chức tại Kiên Giang mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, năm 2012, diện tích sản xuất lúa của cả nước đạt khoảng 7,760 triệu hecta, tăng 117.000ha so với năm 2011. Tổng sản lượng ước đạt khoảng 43,96 triệu tấn, tăng 1,64 triệu tấn. Sau 2 năm thực hiện chương trình cánh đồng mẫu lớn, các địa phương trong cả nước đã triển khai được hơn 78.600ha lúa, trong đó các tỉnh phía Nam đạt 59.800ha. Qua đánh giá thấy, lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT định hướng xây dựng cánh đồng mẫu lớn thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xuất khẩu quy mô 1 triệu hecta; xây dựng thương hiệu lúa gạo theo VietGAP. |
Trần Trọng Triết
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn