Sản xuất muối 2012: Niềm vui nhỏ, nỗi lo lớn
- Thứ sáu - 16/11/2012 04:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Diện tích, sản lượng tăng
“Từ đầu vụ giá nhích lên 1.100-1.200 đồng/kg muối. Đến chính vụ giá tiếp tục nâng lên và đạt 1.700-1.800 đồng/kg ở cuối vụ. Tính trung bình giá muối cả vụ Công ty thu mua cho diêm dân là 1.650 đồng/kg. So với giá thu mua ở các tỉnh khác, giá muối cho diêm dân Hà Tĩnh đã cao hơn 200/kg đồng.” - Giám đốc Công ty CP Muối & Thương mại Hà Tĩnh Lê Minh Thành cho biết.
Giá muối tăng khá trong năm 2012, phần nào đã bù đắp được nỗi vất vả của bà con diêm dân |
Trong bối cảnh hoạt động khó khăn chung của DN, bước vào mùa sản xuất muối năm nay, Công ty CP Muối & Thương mại Hà Tĩnh có được nguồn hỗ trợ từ chính sách cho vay HTLS (4%/năm) của tỉnh. Số tiền hỗ trợ này đã giúp đơn vị bù đắp một phần chi phí, đưa giá muối lên cao hơn. Ông Thành bày tỏ: “DN khó nhưng diêm dân càng vất vả hơn. Nhiều năm qua, một số diện tích đồng muối bị bỏ hoang cũng vì giá muối so với công sức bỏ ra của diêm dân quá thấp. Bởi vậy, chúng tôi đã quyết định dùng số tiền được tỉnh hỗ trợ cho DN để giúp diêm dân có thu nhập cao hơn”.
Nắm vai trò chi phối thị trường muối (sản lượng thu mua mỗi năm chiếm hơn 60% tổng sản lượng toàn tỉnh), mức giá mà Công ty đưa ra đã góp phần quan trọng cho một mặt bằng muối khá hơn cho mùa muối năm 2012.
Về làng muối Châu Hạ (Thạch Châu), trong muôn câu chuyện vất vả, cực nhọc mà diêm dân vẫn thường kể, vụ sản xuất này bà con đã vui hơn bởi những chuyển biến mới về giá muối.
Ông Phan Văn Ty - Xóm trưởng xóm Châu Hạ cho biết: “Ở làng muối này, người dân bao năm vẫn sống với nghề nên dẫu giá cả có thăng trầm đến mấy, 14 ha đồng muối mùa sản xuất nào cũng kín bóng người. Đặc biệt năm nay giá tăng cao và giữ được khá ổn định suốt cả vụ muối, cộng với ngày nắng khá dài nên Châu Hạ có mùa bội thu. Sản lượng cả vụ đạt 2.450/2.400 kế hoạch, với giá bình quân trên 1.600/kg, mỗi ha sau 8 tháng lao động mang lại thu nhập gần 280 triệu đồng”.
Xóm có 12 hộ có diện tích sản xuất từ 3 sào trở lên trong vụ muối này sản xuất được khoảng 30 tấn, thu nhập 40-45 triệu đồng, điển hình như hộ: Lê Văn Phương, Lê Ngọc Chất, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thái Bình.
Thời điểm này vẫn còn một lượng muối khá lớn được cất trữ, bởi nhiều người dân cho rằng, giá muối vẫn có thể tăng cao trong thời gian tới |
Vựa muối Kỳ Hà (Kỳ Anh) đã khép lại một mùa bội thu với sản lượng đạt 95.000 tấn, tăng 500 tấn so với năm 2011. Xóm trưởng xóm Nam Hà 2 Nguyễn Xuân Sính cho biết: “Vụ muối năm nay, giá muối cao hơn nên bà con trong xóm mượn thêm một số xóm không sản xuất để tăng diện tích. Với hơn 10 ha đồng muối, toàn xóm đạt sản lượng trên 1.400 tấn, giá trị thu nhập hơn 2,2 tỷ đồng. So với làm ruộng, làm muối vất vả hơn nhiều nhưng cũng mang đến nguồn thu lớn hơn.”
Giá muối tăng đã kéo hàng trăm diêm dân trở lại sản xuất sau nhiều năm bỏ quên nghề. Năm nay, diện tích muối Thạch Bàn tăng từ lên 15 ha (năm 2011- 12 ha), Hộ Độ đạt khoảng 30 ha (tăng 5 ha so với năm 2011). Bà Nguyễn Thị Châu - năm nay trên 70 tuổi ở xóm Trung Châu chia sẻ: “Giá muối năm nay đã động viên tôi cố gắng bám 1,5 sào đất để sản xuất. Dù chỉ mình tôi là lao động chính nhưng cũng đạt sản lượng khoảng 8 tấn. Hiện nay, tôi còn trữ trong kho được gần 5 tấn, với giá muối ở thời điểm này 2.000 đồng/kg, năm nay tôi đã tích lũy được khoản tiền kha khá để lo cho cuộc sống của mình”.
Khó khăn chưa dễ tháo gỡ
Tuy nhiên những tín hiệu vui có thể chỉ mang tính tức thời, bởi nghề muối vẫn còn quá nhiều gian nan, vướng mắc. Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, vụ muối 2012, diện tích sản xuất muối toàn tỉnh tăng khoảng 35 ha so với năm 2011; sản lượng đạt gần 17.000 tấn, cao hơn năm 2011 là 4.000 tấn. Tuy nhiên, số diện tích tăng chủ yếu vẫn tập trung ở số ít xã còn sôi động với nghề.
Toàn tỉnh vẫn có khoảng 100 ha đất muối bị bỏ hoang, tập trung ở xã Hộ Độ (Lộc Hà) và Thạch Bàn (Thạch Hà). Chủ tịch xã Thạch Bàn Trương Hoàng Thông cho biết, toàn xã có khoảng 70 ha đất dành cho sản xuất muối nhưng gần nửa trong số đó đã hoang hóa do nhiều năm không được sử dụng. Trong số 35 ha còn đủ điều kiện sản xuất, mỗi vụ chỉ có khoảng 13-15 ha được khai thác. Như năm nay, dù giá muối có tăng nhưng cũng chỉ có khoảng 200 lao động trên đồng muối. Sản lượng hàng năm thấp(15.000- 17.000 tấn) nên doanh nghiệp không tổ chức thu mua tại chỗ như trước. Diêm dân đành chấp nhận tiêu thụ muối tại ruộng với giá thấp và bị động hơn.
Hạ tầng đồng muối những năm qua dù đã được cải thiện nhưng ở nhiều nơi vẫn còn nhiều bất cập. QĐ 24 của UBND tỉnh về hỗ trợ hạ tầng và chuyển giao kỹ thuật sản xuất muối sạch mới chỉ đến được với vùng muối Châu Hạ. Các địa phương khác, do thiếu nguồn lực và chưa quyết tâm đầu tư cho nghề muối nên chưa tiếp cận được chính sách.
Bí thư Đảng ủy xã Hộ Độ Trương Bá Khanh cho biết, cả đồng muối rộng lớn nơi đây vẫn chưa có 1 km kênh mương bê tông nào. Tuyến kênh chính dẫn nước vào đồng muối lâu nay vẫn được dùng chung với tuyến kênh xã nước thải sinh hoạt bởi vậy không đảm bảo vệ sinh. Một số diện tích muối đang được khai thác nhưng không đủ quy chuẩn đồng muối sạch khiến bà con khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ. Dù rất mong muốn và trông chờ vào QĐ 24 nhưng đến nay xã vẫn không tiếp cận được chính sách.
Tuyến kênh chính dẫn nước vào đồng muối ở xã Hộ Độ lâu nay vẫn được dùng chung với tuyến kênh xã nước thải sinh hoạt của xã |
Đặc biệt sản xuất diêm nghiệp vẫn bế tắc bởi giá cả của sản phẩm những năm gần đây quá bấp bênh trong khi xu hướng đô thị hóa đang thu hút diêm dân tìm đến nghề mới có thu nhập cao hơn. Nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi một số diện tích muối nhiều năm bỏ hoang sang các mô hình sản xuất khác, nhưng tìm nguồn vốn đang là bài toán nan giải.
Công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm mới để người làm muối có thêm thu nhập buổi “diêm nhàn” vẫn chưa được chú trọng. Bởi vậy, chuyện vui về giá năm nay và sự nhích lên về sản lượng, diện tích sản xuất muối năm nay vẫn khó mở ra hi vọng lớn hơn cho nghề muối.
Báo Hà Tĩnh