Sản xuất muối ở Hộ Độ: Lối ra chưa dễ!

Sản xuất muối ở Hộ Độ: Lối ra chưa dễ!
Gặp lại ông Phan Đình Hinh – Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ (Lộc Hà), chúng tôi lại nghe tâm sự buồn của địa phương làm muối. Diêm dân giờ đây không còn mặn mà với nghề chính, diện tích sản xuất vì thế cũng giảm chỉ còn 40 ha/tổng diện tích đồng muối 80 ha. Bài toán cũ trên cánh đồng muối từ năm này qua năm khác vẫn chưa tìm được lời giải.

 

Dưới cái nắng rực lửa, đồng muối Hộ Độ chỉ thưa thớt vài bóng người cào ô, xăm nại. Dọc các cánh đồng muối từ Tân Hợp, Tân Châu đến Vĩnh Yên, Đông Phong... những ô muối bị thủng, rách do lâu ngày không được tu sửa, sân phơi, máng chạt cỏ mọc um tùm...

Muối đầu vụ - giá cao, thiếu sản phẩm
Những hình ảnh này là của "thời xa vắng"

Phó Chủ tịch UBND xã Phan Đình Hinh cho biết thêm: Nếu địa phương xây dựng được tuyến kênh chính có chiều dài 9 km và hệ thống kênh xăm thì chắc chắn nghề muối sẽ được khôi phục. Xã Hộ Độ nằm trong vùng trũng, được bao bọc bởi hệ thống đê tả Nghèn nên tuyến kênh chính vừa có nhiệm vụ thoát nước, xả lũ vừa thực hiện vai trò phục vụ nước sản xuất. Tuyến kênh này có từ thời Pháp thuộc, nay đã xuống cấp. Mặc dù hàng năm xã vẫn huy động bà con tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu. Theo tính toán, mỗi km kênh chính (rộng 3 - 4m, cao 2m) có giá trị xây dựng từ 1,2 - 1,4 tỷ đồng. Tính ra, để bê tông hóa toàn bộ 9 km, xã phải huy động 10-12 tỷ đồng. Với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm như hiện nay, xã phải huy động 30% nguồn vốn đối ứng. Tuy nhiên, việc huy động nội lực như trên nằm ngoài khả năng của xã trong bối cảnh hiện nay. Do không huy động được nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nên diện tích đồng muối bỏ hoang tiếp tục gia tăng và ý tưởng xây dựng mô hình sản xuất muối chất lượng cao của địa phương cũng dang dở.

Sản xuất muối ở Hộ Độ: Lối ra chưa dễ!
Vào mùa sản xuất nhưng những cánh đồng muối ở Hộ Độ vẫn đìu hiu, xuống cấp.

Theo quy hoạch xây dựng NTM được phê duyệt, Hộ Độ sẽ chuyển đổi 30 ha đất sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và 7 ha chuyên sản xuất rau màu, chăn nuôi. Chủ trương chuyển đổi đã nhận được sự đồng tình của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, lộ trình chuyển đổi đất sản xuất ở đây vấp phải không ít khó khăn, từ xây dựng cơ sở hạ tầng, kêu gọi các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp sản xuất đầu tư cho đến vấn đề GQVL cho các hộ dân bị thu hồi đất còn nan giải. “Đành rằng, các hộ bị thu hồi đất sản xuất sẽ được đền bù theo quy định của Nhà nước, nhưng để xây dựng một ao nuôi theo quy định thì phải thu hồi diện tích đất sản xuất muối của 6 hộ dân khác. Việc làm cho 6 hộ bị thu hồi đất này sẽ được giải quyết như thế nào là vấn đề không dễ” - ông Hinh băn khoăn.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi tỉnh lộ 9 và đường nối mỏ sắt Thạch Khê - QL 1A hoàn thành, những cánh đồng muối bỏ hoang ở Hộ Độ có giá hơn bao giờ hết. Bởi thế, dù không sản xuất nhưng các hộ dân vẫn tìm cách từ chối việc chuyển đổi. Thêm vào đó, thất bại của Công ty TNHH đầu tư Phú Mỹ trong việc chuyển đổi gần 20 ha đất sản xuất muối sang nuôi trồng thủy sản tại khu vực Hà Voọc trong suốt 10 năm qua đã khiến các hộ gia đình e ngại khi nghĩ đến hiệu quả chuyển đổi.

Xem ra, để giải quyết vấn đề phát triển sản xuất ở Hộ Độ không dễ khi những khó khăn cũ chưa tìm được lời giải thì vướng mắc mới lại nảy sinh. Rõ ràng sự hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết nhưng nội lực của người dân vẫn là yếu tố then chốt quyết định sự thành công. Nói đâu xa, cũng chính sách, chủ trương ấy nhưng năm vừa rồi xã Thạch Châu đã huy động xây dựng được hệ thống kênh chính phục vụ sản xuất muối. Vấn đề đặt ra ở Hộ Độ trong việc tháo gỡ khó khăn cho nghề muối là chính quyền các cấp và người dân đã thực sự vào cuộc quyết liệt, bài bản hay chưa?

Ngô Tuấn - Tiến Dũng
Theo baohatinh.vn