Sản xuất rau an toàn, vấn đề cần quan tâm

Sản xuất rau an toàn, vấn đề cần quan tâm
Toàn huyện Cao Lãnh hiện có trên 1.000ha sản xuất rau, trong đó có 10ha sản xuất rau theo hướng an toàn, tập trung ở các xã: Nhị Mỹ, An Bình, Mỹ Hội, Bình Hàng Trung, Bình Hàng Tây và thị trấn Mỹ Thọ.

Theo Trạm bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Cao Lãnh, trong năm 2012, huyện thực hiện mô hình rau an toàn, lắp đặt hệ thống tưới phun với quy mô 0,1ha ở thị trấn Mỹ Thọ nhằm giúp giảm công tưới, giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian trồng đến thu hoạch. Kết quả, người dân rất quan tâm mô hình này và đã thành lập được 1 tổ sản xuất rau an toàn với diện tích 6,9ha/22 hộ. Đầu năm 2013, huyện cũng đã thành lập được quầy Test nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở chợ Mỹ Thọ.

Tuy nhiên, dư lượng thuốc BVTV trên sản phẩm rau vẫn là mối lo ngại của người tiêu dùng, vì lợi nhuận, một số hộ trồng rau chưa tuân thủ đúng nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV, đã không ngần ngại sử dụng thuốc trừ sâu, kích thích tăng trưởng vô tội vạ, có những loại thuốc xuất xứ không rõ ràng nhưng được phun trực tiếp cho nhiều loại rau, có thể gây tử vong cho người, động vật, hủy hoại môi trường, thủy sinh...

Ông Nguyễn Văn Phong - Trưởng Trạm BVTV huyện Cao Lãnh cho biết: “Vẫn còn một số hộ nông dân sử dụng thuốc BVTV chưa theo quy trình, chưa quan tâm đến an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, còn vứt bao bì bừa bãi ngoài đồng ruộng. Tại khu vực sản xuất rau an toàn, đa số là đất nông dân thuê mướn, chi phí cao nên nông dân chưa thể áp dụng đúng theo quy trình do chạy theo thu nhập”.

Việc sử dụng thuốc BVTV đúng mục đích và đúng kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả tốt trong quản lý dịch hại cây trồng, bảo vệ nông sản, ngược lại sẽ gây hậu quả rất khó lường. Vì vậy, khi sử dụng thuốc trong sản xuất rau an toàn cần phải có kiến thức nhất định để ngăn ngừa hoặc hạn chế tác hại của thuốc đối với bản thân người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sống.

Báo Đồng Tháp